Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk muốn đưa nhiều dự án vào Quy hoạch điện VIII

0:00 / 0:00
0:00
Các tỉnh Tây Nguyên với lợi thế nắng và gió đã đề nghị bổ sung hàng loạt dự án điện.
Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk muốn đưa nhiều dự án vào Quy hoạch điện VIII

Gia Lai muốn bổ sung 110 dự án điện gió và mặt trời

Ngoài nguồn năng lượng từ thủy điện đã được khai thác khá hiệu quả và là ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh; với diện tích đất đai rộng lớn, có điều kiện tự nhiên nhiều nắng và gió, khí hậu ôn hòa, không có bão và sương muối, Gia Lai tự thế mình là một trong số các tỉnh có tiềm năng, thuận lợi phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Cụ thể, điện mặt trời có thể đạt tới quy mô công suất khoảng 7.500 MW; Điện gió có thể đạt tới quy mô công suất khoảng 12.500 MW.

Tới nay UBND tỉnh Gia Lai đã trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung quy hoạch 14 dự án điện mặt trời, với tổng quy mô công suất là 3.975 MWp; 96 dự án điện gió với tổng quy mô công suất 12.357,40 MW.

Các dự án đều được khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch đảm bảo các quy định hiện hành của Nhà nước, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả về kinh tế - xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh.

Trong văn bản gửi tới Bộ Công thương, tỉnh Gia Lai cho biết, trên địa bàn hiện có 61 dự án thủy điện nằm trong quy hoạch với tổng quy mô công suất 2.330,95 MW (gồm: 08 dự án thủy điện lớn, 53 dự án thủy điện vừa và nhỏ). Trong số này có 49 dự án thủy điện đang vận hành với tổng công suất 2.246,15 MW (gồm: 08 dự án thủy điện lớn với tổng công suất 1.907 MW; 41 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 339,15 MW).

Có 3 dự án thủy điện đang triển khai đầu tư xây dựng với tổng công suất 26,6 MW và tổng vốn đầu tư dự kiến 866,407 tỷ đồng (01 dự án đang triển khai thi công xây dựng, 02 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng).

Cũng có 09 dự án thủy điện có trong quy hoạch, chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất 58,2 MW.

Tỉnh Gia Lai cũng có 02 dự án nhà máy điện sinh khối từ bã mía đang vận hành với tổng công suất 144,6 MW.

Đối với điện mặt trời nối lưới, Gia Lai hiện có 09 dự án điện mặt trời được bổ sung quy hoạch phát triển điện lực tỉnh/quốc gia, với tổng công suất 787 MWp. Trong đó có 02 dự án điện mặt trời đang vận hành với tổng công suất 84 MWp với tổng vốn đầu tư là 1.569,00 tỷ đồng.

Có 05 dự án điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô công suất 663 MWp, tổng vốn đầu tư 12.945,45 tỷ đồng (01 dự án đang triển khai thi công xây dựng; 04 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng). Ngoài ra còn 02 dự án điện mặt trời được bổ sung quy hoạch, chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô công suất 40 MWp.

Gia Lai cũng có 17 dự án điện gió được bổ sung quy hoạch phát triển điện lực tỉnh/quốc gia, với tổng quy mô công suất 1.242,4 MW.

Trong 16/17 dự án đã triển khai thi công có tổng công suất 1.192,4 MW đã có 07 dự án điện gió được công nhận vận hành thương mại toàn nhà máy với tổng công suất 446,2 MW và 04 dự án điện gió được công nhận vận hành thương mại một phần dự án với tổng công suất 117,2 MW.

05 dự án điện gió đã triển khai thi công nhưng chưa được công nhận vận hành thương mại với tổng công suất 341,2 MW và 01 dự án điện gió đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng với tổng công suất 50 MW.

Đắk Lắk muốn trở thành Trung tâm năng lượng vùng Tây Nguyên

Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk được Viện Năng lượng - Bộ Công Thương (đơn vị tư vấn lập Quy hoạch điện VIII) đánh giá có tiềm năng kỹ thuật điện năng lượng mặt trời mặt đất, mặt nước lên tới 120.564 MW và tiềm năng kỹ thuật điện gió trên bờ với quy mô công suất 26.921 MW.

Tuy nhiên, việc đề xuất quy mô công suất các dự án năng lượng tái tạo của tỉnh Đắk Lắk vào Dự thảo Quy hoạch điện VIII còn rất thấp, chưa đạt 10% so với tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã có nghị quyết về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định rõ, phát triển năng lượng tái tạo là tiền đề, động lực quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2030, qua đó kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực, ngành công nghiệp khác.

Mục tiêu được đặt ra là phấn đấu đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 2020 - 2030 quy mô công suất 5.000-7.000 MW nguồn năng lượng tái tạo.

Bởi vậy, Đắk Lắk kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét, quy hoạch tỉnh Đắk Lắk trở thành Trung tâm năng lượng vùng Tây Nguyên.

Cụ thể, quy hoạch các nguồn năng lượng tái tạo với quy mô công suất 2.000 - 3.000 MW giai đoạn 2020 - 2025; 3.000 - 4.000 MW giai đoạn 2026 - 2030; 10.000 - 15.000 MW giai đoạn 2031 - 2045 trong Quy hoạch điện VIII.

Thời gian qua tỉnh này đã đề xuất đưa vào Quy hoạch điện VIII 30 dự án điện mặt trời với quy mô công suất 12.028 MWp; 60 dự án điện gió với quy mô công suất 11.206,3 MW và trình quy hoạch 10 nhà máy điện sinh khối đồng phát điện với quy mô công suất 112,5 MW.

Hiện trên địa bàn Đắk Lắk có 20 nhà máy thủy điện đang vận hành với tổng công suất lắp đặt khoảng 833 MW; 01 dự án thủy điện công suất 8,6 MW đang triển khai thủ tục đầu tư xây dựng.

Cũng có 10 dự án điện mặt trời đã đưa vào vận hành với tổng công suất 1.041 MWp; 03 dự án có tổng công suất 480 MWp đang triển khai thủ tục đầu tư. – Với điện gió, Đắk Lắk có 02 dự án đã vào vận hành thương mại với tổng công suất 428,8 MW; 04 dự án khác có tổng công suất 200 MW đang triển khai thi công và 05 dự án có tổng công suất 142 MW đang triển khai các thủ tục đầu tư.

Kon Tum: Tiềm năng gió và mặt trời khoảng 20.000 MW

Tỉnh Kom Tum cho hay, tiềm năng để phát triển điện gió của tỉnh Kon Tum khoảng 6.058 MW.

Trong số này có 2 Dự án đã được bổ sung quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 153,5 MW; 14 dự án có tổng công suất 761,9 MW đã đề xuất bổ sung quy hoạch điện VIII: 09 dự án được Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực với công suất 264,7 MW; 05 dự án với tổng công suất 497,2 MW đã được Ủy ban nhân dân tỉnh đã báo cáo Bộ Công Thương xem xét thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực.

Tiềm năng phát triển điện gió còn lại khoảng 5.142,6 MW được UBND tỉnh Kon Tum cho hay là có 29 cụm dự án có tổng công suất 2.614 MW đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực; tiềm năng điện gió chưa có Nhà đầu tư đề xuất khảo sát 2.528,6 MW.

Tỉnh này cũng cho biết tiềm năng để phát triển điện mặt trời của tỉnh Kon Tum khoảng 13.964,637 MWp.

Trong số này có 01 dự án đã hoàn thành đóng điện công suất 49 MWp; 01 Dự án đã được bổ sung quy hoạch: 200 MWp; 15 Dự án đã lập hồ sơ bổ sung quy hoạch phát triển điện lực, hồ sơ được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum báo cáo Bộ Công Thương thẩm định trình cơ quan có thẩm quyền bổ sung quy hoạch: 1.698,937 MWp; 03 dự án đang trong quá trình khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch: 875 MWp. Như vậy tiềm năng đầu tư phát triển điện mặt trời còn lại là 11.141,7 MWp.

Theo quy hoạch phát triển điện lực, hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy 870,6 MW.

Trong đó có 28 dự án đã hoàn thành có tổng công suất 329,4 MW; 12 dự án thực hiện báo cáo khởi công xây dựng có tổng công suất 193,1 MW; 36 dự án đang lập dự án đầu tư có tổng công suất 321,1 MW; 01 vị trí công trình đang trình Ủy ban nhân dân tỉnh chọn Chủ đầu tư để triển khai dự án có tổng công suất 7,5 MW; 04 vị trí công trình chưa có chủ trương đầu tư có công suất là 19,5 MW.

Tin bài liên quan