Chú trọng đến vấn đề an toàn thực phẩm
“Cuộc chiến thương mại này càng kéo dài thì sẽ càng có nhiều cơ hội đầu tư vào ASEAN”, ông Kravis trả lời phỏng vấn tại Kuala Lumpur vào tuần trước.
"Các công ty nhận ra cơ hội và cho rằng, cần phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình nhằm đối phó với diễn biến của chiến tranh thương mại".
Khối 10 nền kinh tế ASEAN được xem như là một “nam châm” thu hút việc đầu tư xây dựng các nhà máy mới, nhờ vào chi phí sản xuất thấp và hạ tầng đang dần cải thiện.
Theo một khảo sát gần đây, khu vực ASEAN là sự lựa chọn hàng đầu của khoảng một phần ba công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc và đang có ý định di dời các cơ sở sản xuất ra nước ngoài nhằm tránh các ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại.
KKR cũng nhìn thấy những cơ hội tại ASEAN, một khu vực với các yếu tố dân số học thuận lợi, thu nhập tăng và làn sóng di cư từ nông thôn sang thành thị.
Quỹ này cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt là sau những khoản đầu tư thành công tại Trung Quốc.
Năm ngoái, KKR đã rót 250 triệu USD vào Masan Group, nhà sản xuất gia vị và mì ăn liền hàng đầu Việt Nam, trong đó có 150 triệu USD được phân bổ vào lĩnh vực chuỗi giá trị thịt của tập đoàn này.
KKR đã rót 250 triệu USD vào Masan Group, nhà sản xuất gia vị và mì ăn liền hàng đầu Việt Nam
Ông Kravis chia sẻ: “KKR đặc biệt chú trọng đến vấn đề an toàn thực phẩm tại Trung Quốc và chúng tôi cũng đang làm điều đó với Masan tại Việt Nam. Chúng tôi mong muốn đảm bảo an toàn thực phẩm xuyên suốt và đã làm việc với nhiều công ty khác nhau trong chuỗi giá trị thực phẩm”.
Hoạt động đầu tư đa dạng của KKR giúp công ty tìm những cơ hội đầu tư trong một môi trường mà các khoản gọi vốn đã lên mức kỷ lục, dẫn đến tình trạng có quá nhiều vốn nhưng lại chẳng có nhiều công ty để đầu tư.
KKR đã huy động 9,3 tỷ USD cho quỹ đầu tư vào châu Á vào năm ngoái. Blackstone Group cũng có khoảng 15 tỷ USD đề đầu tư vào bất động sản, vốn tư nhân và các cơ hội khác tại châu Á.
Hoạt động đầu tư
“Nếu chúng tôi chỉ duy trì là một công ty quản lý quỹ tư nhân thuần tuý thì sẽ bị hạn chế việc mua các công ty và cũng có công ty con không phải lả mảng kinh doanh cốt lõi, thì các công ty mẹ không muốn bán. Do đó, mô hình quỹ tư nhân cần phải khác đi,” ông Kravis cho biết.
Khoảng 37% trong số 190 tỷ USD tài sản thuộc quản lý của KKR đang được đầu tư dưới dạng vốn tư nhân vào cuối tháng 3/2018. Tín dụng đầu tư chiếm khoảng 31% của toàn bộ danh mục.
“Chúng tôi không phải ở vị thế có thể đầu tư vào bất cứ đâu trong thị trường vốn. Chúng tôi không phải là một ngân hàng, nhưng chúng tôi có thể huy động tiền như cách một ngân hàng thường làm và chúng tôi có thể cung cấp các khoản vay ưu tiên có bảo lãnh dài hạn và các khoản vay cấp thấp hơn như nợ thứ cấp và các khoản nợ rủi ro cao”, ông Kravis nói.
Kravis nói, ông không lo lắng về ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong lúc này, vì nền kinh tế Mỹ có sức mạnh đáng kể.
Tuy nhiên, việc phá giá đồng nhân dân tệ và các đồng tiền châu Á khác sẽ có thể làm tăng lạm phát trong khu vực, các khoản thuế cao cuối cùng sẽ vẫn ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ.
“Đồng USD không thể duy trì sức mạnh mãi mãi và nếu chúng ta không giải quyết vấn đề này, người tiêu dùng sẽ bắt đầu thấy được hậu quả khi giá cả tăng cao”, ông Kravis cho biết.