KIS Việt Nam theo bước Maybank Kim Eng

KIS Việt Nam theo bước Maybank Kim Eng

(ĐTCK) Tuy trước mắt chưa thể trở thành CTCK 100% vốn ngoại thứ hai sau trường hợp đầu tiên là CTCK Maybank Kim Eng, nhưng cổ đông ngoại tại CTCK KIS Việt Nam đang có những động thái để nắm khoảng 90% vốn tại tổ chức này.

Vinatex bán hết vốn cho cổ đông ngoại

KIS Việt Nam được biết đến với cái tên đầu tiên khi thành lập năm 2007 là CTCK Gia Quyền, với cổ đông sáng lập là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và một số cổ đông khác. Năm 2010, khi Công ty tăng vốn từ 135 tỷ đồng lên hơn 263 tỷ đồng, cũng là thời điểm xuất hiện cổ đông lớn nước ngoài là Công ty Đầu tư chứng khoán Hàn Quốc (Korea Investment & Securities - KIS) thuộc Tập đoàn Đầu tư Hàn Quốc (Korea Investment Holdings).

Kể từ ngã rẽ này, trong khi vai trò của cổ đông sáng lập là Vinatex ngày một… mờ nhạt, thì sự trỗi dậy của cổ đông chiến lược Hàn Quốc ngày thêm rõ nét, khi năm ngoái, CTCK Gia Quyền được đổi tên thành CTCK KIS Việt Nam. Diễn biến này làm xuất hiện những đồn đoán về khả năng đổi chủ tại KIS Việt Nam.

Gần đây, thị trường có thêm lý do để tiếp tục đồn đoán về khả năng ông chủ Hàn Quốc lên nắm quyền chi phối tại KIS, khi cuối tháng 11 vừa qua, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng bộ này là ông Trần Xuân Hà cùng đại diện UBCK và các đơn vị liên quan của Bộ Tài chính, đã có buổi làm việc với KIS, do Tổng giám đốc Ryu Sang Ho dẫn đầu.

Chuyện Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách lĩnh vực chứng khoán trực tiếp làm việc với lãnh đạo một CTCK nước ngoài ít có tiền lệ, nên càng làm dấy lên khả năng “có biến” lớn tại KIS Việt Nam.

Tuy nhiên, để làm rõ những thông tin này không đơn giản, bởi Tổng giám đốc, người công bố thông tin hiện tại của KIS Việt Nam là ông Oh Kyung Hee, cũng như một loạt các chức danh chủ chốt khác đều do người Hàn Quốc nắm giữ. Không chỉ người ngoài Công ty, mà ngay cả cổ đông Việt Nam trong HĐQT của KIS Việt Nam, như chia sẻ với ĐTCK của ông Uông Tiến Thịnh, Giám đốc điều hành Vinatex, đồng thời giữ chức Phó chủ tịch HĐQT của KIS Việt Nam, không phải lúc nào cũng nắm được các thông tin chi tiết, cập nhật về diễn biến đổi chủ tại KIS Việt Nam.

Dẫu vậy, về những đường hướng lớn, đại diện phần vốn của Vinatex tại KIS Việt Nam nắm khá rõ. Ông Thịnh không giấu giếm, do Công ty làm ăn thua lỗ, nên năm 2010, Vinatex và các cổ đông khác muốn phát hành tăng vốn, với hy vọng cải thiện hoạt động kinh doanh. Khi đó KIS đặt điều kiện muốn nắm sở hữu 65% vốn của Công ty, để đảm bảo quyền chi phối, thì mới tham gia đợt phát hành tăng vốn lên 263 tỷ đồng.

Do quy định pháp lý hiện hành không cho phép NĐT nước ngoài sở hữu tỷ lệ cổ phần này tại CTCK Việt Nam, nên hai bên đã chấp thuận phương án: các cổ đông trong nước cam kết giữ nguyên trạng số lượng cổ phiếu đang nắm giữ, không chuyển nhượng lòng vòng, để khi cấp có thẩm quyền cho phép sẽ bán lại cho KIS. 

“Mới đây, cùng với cho phép Vinatex được thoái vốn tại KIS Việt Nam theo nguyên tắc bảo toàn vốn, Chính phủ còn cho phép KIS được sở hữu trên 51% vốn điều lệ tại KIS Việt Nam…”, ông Thịnh nói và cho biết thêm, Vinatex đang triển khai phương án bán toàn bộ hơn 11% vốn tại KIS Việt Nam với giá bằng mệnh giá cho KIS.

Vinatex cố gắng hoàn tất thương vụ chuyển nhượng vốn này trong năm nay. Với 49% cổ phần đang nắm giữ, việc mua thành công toàn bộ lượng cổ phần của Vinatex sẽ đảm bảo cho KIS nắm quyền chi phối tại KIS Việt Nam, khi sở hữu trên 60% cổ phần.

Theo quy định hiện hành, NĐT nước ngoài chỉ được nắm tỷ lệ sở hữu tại CTCK Việt Nam ở ngưỡng 49% và 100%, tại sao KIS lại được sở hữu trên 51% tại KIS Việt Nam? Ông Thịnh cho hay, thực ra quá trình chuẩn bị gia tăng tỷ lệ sở hữu lên trên 51% của KIS tại KIS Việt Nam là “đón đầu” quy định nới room cho NĐT nước ngoài theo dự thảo quyết định thay thế Quyết định 55/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam.

Đối tác Hàn Quốc muốn chắc ăn trong quá trình mua gom cổ phiếu từ các cổ đông Việt Nam, để nắm quyền chi phối trước khi quy định nới room cho NĐT nước ngoài có hiệu lực, chứ nếu sau thời điểm này, họ lo ngại rủi ro trong việc mua đủ tỷ lệ cổ phần chi phối theo ý định ban đầu ngay khi đặt chân vào TTCK Việt Nam. Hơn nữa, thỏa thuận này không chỉ có lợi cho KIS, mà cả Vinatex, bởi nếu chậm chân trong thoái vốn, thì sẽ khó bảo toàn được phần vốn Nhà nước mà Vinatex đầu tư tại KIS Việt Nam, cũng như ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa Vinatex.

 

Cổ đông Hàn Quốc nắm khoảng 90% vốn

Cũng theo ông Thịnh, tham vọng của cổ đông chiến lược KIS không chỉ “ẵm” thêm hơn 11% cổ phần của Vinatex, mà còn muốn gom càng nhiều càng tốt.

Thực tế, để dọn đường cho ý đồ mua gom cổ phiếu từ các cổ đông nội lâu nay bị “nhốt”, để chờ bán cho KIS, HĐQT của KIS Việt Nam mới đây đã triệu tập ĐHCĐ bất thường bằng hình thức xin ý kiến của cổ đông bằng văn bản. Theo kết quả biểu quyết được KIS Việt Nam vừa công bố, ĐHCĐ bất thường đã thông qua chủ trương bán lại cổ phần hiện hữu của các cổ đông Việt Nam cho KIS trong điều kiện Chính phủ Việt Nam cho phép tăng tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài tại KIS Việt Nam, đồng thời ủy quyền cho HĐQT của KIS Việt Nam tiến hành các thủ tục cần thiết để tiến hành thỏa thuận đúng theo quy định của pháp luật…

Tuy một lượng không ít cổ phần KIS do NĐT cá nhân trong nước đang nắm giữ khá phân tán, nhưng theo ông Thịnh, nhiều khả năng KIS sẽ thành công trong gom mua, để tăng tỷ lệ sở hữu tại KIS Việt Nam lên khoảng 90%. Đây là bước đệm quan trọng để KIS trở thành CTCK 100% vốn ngoại tại TTCK Việt Nam trong tương lai gần. 

>>Nhiều CTCK đã tự tái cấu trúc rất tốt

>>Công ty chứng khoán, những con số nổi bật