Diễn biến của TTCK Việt Nam trong năm nay được hỗ trợ tích cực bởi 4 yếu tố chính. Đầu tiên là các chính sách kích thích tăng trưởng, nhằm đạt mục tiêu tăng GDP cao hơn năm 2013, tiếp tục được triển khai ít nhất là trong năm nay. Để cụ thể hóa định hướng này, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm tiếp các loại lãi suất trong thời gian tới, để hỗ trợ DN, cũng như thị trường bất động sản.
Chính điều này tạo ra sự khác biệt cho nền kinh tế Việt Nam, khi nhiều nước lân cận đang tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Đặc biệt, tuy thực hiện các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng Việt Nam vẫn kiểm soát lạm phát tốt, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối vẫn tăng… Điều này tạo sức hút cho TTCK Việt Nam trong con mắt NĐT nước ngoài.
Thứ hai, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam đi đúng hướng, mang lại kết quả bước đầu. Trong đó, nổi bật là việc xử lý nợ xấu của khối ngân hàng tuy chưa triệt để, nhưng bước đầu giúp sức khỏe của khối ngân hàng được cải thiện.
Thứ ba, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương đang được thúc đẩy. Một khi Hiệp định này được ký kết và Việt Nam thành công trong tham gia sân chơi này, thì sẽ hình thành làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam. Lý do là bởi Việt Nam là một trong ít nước được hưởng lợi nhiều nhất khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Đây là điều NĐT nước ngoài đang rất quan tâm. Các ngành được hưởng lợi lớn gồm: dệt may, da giày, cà phê, thủy sản…
Thứ tư, từ năm 2013 đến nay, trong khi NĐT nước ngoài liên tục rút vốn tại nhiều thị trường mới nổi như: Indonesia, Brazil, Ấn Độ…, thì một thái cực ngược lại tiếp tục diễn ra trên TTCK Việt Nam, khi dòng vốn ngoại vẫn vào ròng.
Ngoài những yếu tố trên, theo ông Jin, tuy TTCK Việt Nam tăng mạnh từ đầu năm đến nay, nhưng so với các thị trường lân cận, giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam vẫn khá rẻ, nên hấp dẫn NĐT nước ngoài. Kết hợp dự báo các yếu tố vĩ mô và tính toán kỹ thuật, KIS dự báo VN-Index sẽ đạt 650-700 điểm vào cuối năm 2014.