Lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số
Đóng góp lớn nhất cho hoạt động toàn ngành vẫn đến từ hai hoạt động kinh doanh chính là tự doanh và cho vay ký quỹ, khi lần lượt chiếm tỷ trọng trong cơ cấu doanh thu là 42,16% và 28,44%.
Tính đến hết ngày 27/08/2024, chỉ số VN-Index đã tăng 13,3% so với đầu năm, trong khi đó HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt đạt mức tăng 3,4% và 8,2%.
Sự hồi phục của chỉ số chung giúp nhà đầu tư dần lấy lại niềm tin vào thị trường chứng khoán Việt Nam, được minh chứng bởi thanh khoản sôi động hơn. Tính đến hết ngày 27/08/2024, trung bình mỗi phiên toàn thị trường giao dịch 23.196 tỷ đồng (tăng 31,6% so với cùng kỳ năm ngoái), tương ứng với khối lượng giao dịch đạt mức 946,04 triệu cổ phiếu (tăng 5,82% so với cùng kỳ năm ngoái).
Tính đến cuối tháng 7/2024, theo số liệu công bố mới nhất của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSD), hiện tại toàn thị trường có tổng cộng xấp xỉ 8,37 triệu tài khoản, tăng 14,8% so với cuối năm 2023. Đặc biệt trong đó, nhờ thị trường sôi động trở lại, có tới hơn 330 nghìn tài khoản được mở mới trong tháng, đạt con số cao kỷ lục trong 2 năm trở lại đây kể từ tháng 7/2022.
Cùng với sự hồi phục của thị trường chứng khoán, lợi nhuận gộp toàn ngành cũng duy trì đà tăng trưởng tốt trên 2 chữ số khi đạt 11.020,4 tỷ đồng (tăng 20,7% so với cùng kỳ) trong quý II/2024 vừa qua, trở thành quý có mức lợi nhuận gộp lớn thứ 2 chỉ sau quý IV/2021. Trong đó, nghiệp vụ cho vay ký quỹ và nghiệp vụ tự doanh tiếp tục là hai mũi nhọn cốt lõi giúp ngành chứng khoán đạt được kết quả ấn tượng như trên khi lần lượt chiếm tỷ trọng là 41,8% và 39,2%.
Lợi nhuận sau thuế ngành Chứng khoán trong quý II cũng duy trì xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ khi đạt 6.121,5 tỷ đồng, tăng 54,7% so với cùng kỳ và tăng nhẹ 0,29% so với quý I/2024.
Về mảng cho vay ký quỹ, đây là điểm sáng nhất của ngành chứng khoán khi đem lại nguồn thu ổn định nhất cho các công ty. Ghi nhận từ 51 công ty chứng khoán trên thị trường được Kirin Capital nghiên cứu, trong quý II/2024 vừa qua, cả doanh thu từ việc cho vay lẫn lợi nhuận gộp từ mảng này đều thiết lập mức đỉnh cao nhất trong lịch sử khi lần lượt đạt 5.485 tỷ đồng (tăng 41,37% so với cùng kỳ) và 4.606,7 tỷ đồng (tăng 45% so với cùng kỳ).
Đối với dư nợ cho vay ký quỹ của toàn ngành trong quý II/2024 cũng ghi nhận mức cao kỷ lục, đạt 210.345 tỷ đồng, tăng 47,01% so với cùng kỳ và tăng 8,08% so với quý I/2024. Trong đó, TCBS là công ty cho vay lớn nhất trên thị trường với tổng dư nợ đạt 24.693,76 tỷ đồng, theo sau đó là SSI (20.385,45 tỷ đồng), HCM (18.542,19 tỷ đồng).
Tính đến hết quý II/2024, tỷ trọng tài sản tự doanh của các công ty chứng khoán tiếp tục ghi nhận đà tăng nhẹ 1,22% so với quý trước đó, với tổng giá trị tài sản đạt 206.180,2 tỷ đồng, tăng mạnh 20,05% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị tài sản FVTPL và tài sản AFS là hai danh mục được các công ty chứng khoán tích cực gia tăng tỷ trọng nắm giữ nhiều nhất với tăng trưởng so với cùng kỳ lần lượt là 21,1% và 28,2%.
Đi cùng với sự phục hồi tích cực của thị trường chứng khoán nói chung mà mảng tự doanh tiếp tục mang về nguồn lợi nhuận khủng cho các công ty chứng khoán sau khi tạo đáy vào quý II/2023. Song tính đến hết quý II/2024, Kirin Capital cho biết, lợi nhuận gộp từ mảng kinh doanh này đã có dấu hiệu chững lại khi chỉ đạt 4.606,7 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,5% so với cùng kỳ và giảm 15,4% so với cuối quý I/2024.
Lợi nhuận gộp mảng tự doanh |
Đo triển vọng ngành chứng khoán
Câu chuyện nâng hạng thị trường đang ngày một trở nên nóng hơn. Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã tích cực và quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm đáp ứng các tiêu chí để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng.
Theo đó, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung 4 thông tư về giao dịch, đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ, hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin cùng các nội dung tiếp thu đã được Bộ Tài chính giải trình lên trang Website của Bộ và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trước khi ban hành. Đây sẽ là bước tiến lớn trong câu chuyện nâng hạng thị trường năm 2025 tới đây.
Tuy nhiên, tính đến hết ngày 27/08/2024, sự sôi động của thị trường đang dần hạ nhiệt so với đầu năm, cũng như việc chỉ số vẫn chưa thực sự bứt phá, do đó Kirin Capital nhận định khả năng cao lợi nhuận ngành Chứng khoán trong 2 quý sắp tới sẽ đi ngang và khó giữ vững được đà tăng trưởng mạnh mẽ như giai đoạn hồi phục vừa qua.
Bên cạnh đó, ngành chứng khoán vừa trải qua một giai đoạn tăng trưởng hết sức tích cực và ở thời điểm hiện tại, theo định giá P/E và P/B của toàn ngành đã không còn rẻ, khi ghi nhận tại ngày 27/08/2024 đạt lần lượt là 16,2 và 1,77.