Trong quý III/2016, GDP của Việt nam tăng 6,6% so với cùng năm ngoái. Đây là mức cải thiện rất tốt từ tốc độ tăng trưởng 5,6% được ghi nhận trong cả quý I và quý II/2016. Năm nay, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, hạn hán, nhưng theo HSBC, có những dấu hiệu cho thấy, những ảnh hưởng của hạn hán đã giảm dần, giúp sản xuất nông nghiệp quay lại bình thường, tương tự là việc làm và tiêu dùng ở khu vực nông thôn cũng phục hồi.
Dù ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của thời tiết, nhưng theo HSBC, ngành sản xuất lại khá tích cực, bù đắp được sự sụt giảm trong ngành nông nghiệp.
Cũng theo HSBC, việc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục gia tăng và chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất, đã giúp ngành sản xuất cải thiện.
Cụ thể, chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất trong tháng ở mức cao 16 tháng qua, đạt 52,9 điểm, từ 52,2 điểm trong tháng 8.
HSBC cho biết, suốt tháng 9, cả nhu cầu trong và ngoài nước đều tăng cả về sản lượng và nhân công việc làm. Trong đó, số nhân công có việc làm tăng nhanh nhất trong vòng 5 năm qua.
"Điều này cùng với thực tế các nhà sản xuất đang tích trữ hàng tồn kho chứng tỏ họ đang rất lạc quan về triển vọng nền kinh tế", HSBC nhận định.
Một yếu tố nữa giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục cải thiện trong quý cuối năm, theo HSBC là tốc độ tăng tín dụng vẫn đang khá tốt.
4 rủi ro cần lưu ý
Dù đánh giá cao triển vọng nền kinh tế Việt Nam, nhưng các chuyên gia HSBC cũng đưa ra 4 rủi ro có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong trung hạn. Đứng đầu trong số đó là những rủi ro từ nhu cầu bên ngoài.
Những nguy cơ tiềm ẩn về tín dụng và việc suy giảm vốn liên kết chưa được loại bỏ hoàn toàn. Do đó, việc giải quyết các khoản nợ xấu kéo dài cần có một sự tập trung chính sách đặc biệt.
Dù đã được cải thiện trong thời gian qua, nhưng nhu cầu bên ngoài vẫn chưa đủ mạnh và có thể khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chậm lại trong thời gian tới, nhất là nêu Trung Quốc - một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tăng trưởng chậm lại.
Một rủi ro nữa, theo HSBC là nợ công. HSBC cho rằng, các tài khoản của Chính phủ bị kéo căng đến mức khó cảm thấy an tâm. Nợ công năm nay được đề ra mục tiêu ở mức 64% GDP, nhưng Quốc hội vừa bày tỏ quan ngại khi nợ công đã chạm trần 65% GDP, nếu mục tiêu tăng trưởng trong năm nay không đạt được.
Rủi ro tiếp theo, theo HSBC là tăng trưởng tín dụng. HSBC cho biết, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch lưu ý rằng, hồ sơ đánh giá của Việt Nam khá căng không chỉ từ "nợ công đang tăng", mà còn từ "tăng trưởng tín dụng cũng đang tăng nhanh trở lại".
Cụ thể, theo HSBC, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam năm nay mạnh suốt cả năm. Trong tháng 8, dù tổng tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức chậm nhất trong vòng 17 tháng qua, nhưng vẫn còn đạt mức 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Việc sử dụng các công cụ đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng gây thêm nhiều gánh nặng nợ nần, nhất là vấn đề nợ xấu", HSBC cảnh báo và cho biết, từ năm 2012, Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách đối với hệ thống ngân hàng để xử lý vấn đề nợ xấu, một trong số đó là hành lập Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam VAMC vào năm 2013 để mua lại các khoản nợ xấu của các ngân hàng. Nỗ lực này đã giúp giảm tỷ lệ các khoản nợ xấu trên tổng dư nợ xuống còn 2,6% trong quý II/2016.
“Tuy nhiên, những nguy cơ tiềm ẩn về tín dụng và việc suy giảm vốn liên kết chưa được loại bỏ hoàn toàn. Do đó, việc giải quyết các khoản nợ xấu kéo dài cần có một sự tập trung chính sách đặc biệt”, chuyên gia kinh tế của HSBC nhấn mạnh.
Ngoài ra, HSBC cũng lưu lý, một báo cáo của Chính phủ thể hiện những lo lắng của nền kinh tế Việt Nam là vấn đề “năng suất lao động thấp” và “năng lực cạnh tranh nghèo nàn".
“Nói chung, dù còn nhiều thách thức, nhưng triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn hứa hẹn. Ngoài ra, những cải cách trong nước có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng bền vững”, các chuyên gia của HSBC đánh giá.