Kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm nay

0:00 / 0:00
0:00
Bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam trao đổi về triển vọng kinh tế Việt Nam trong cả năm nay, cùng một số khuyến nghị.

Bà đánh giá thế nào về những kết quả phát triển kinh tế - xã hội gần đây của Việt Nam, đặc biệt là nỗ lực của Chính phủ trong việc ngăn chặn đại dịch và phục hồi kinh tế?

Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc đặt an ninh và sự an toàn của người dân là ưu tiên trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt là sự lãnh đạo của Chính phủ trong việc triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 nhanh chóng và công bằng. Chiến dịch tiêm chủng đã cho phép Chính phủ mở cửa hơn nữa đối với các hoạt động kinh doanh và du lịch.

Tất cả các chỉ số về đại dịch đang có xu hướng giảm. Chúng tôi rất vui khi thấy học sinh tiểu học và mầm non đang đi học trở lại. Đây là những dấu hiệu đầy hứa hẹn cho Việt Nam vào sự phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, ngay cả khi đại dịch dường như đã qua đỉnh cao, thì cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc.

Bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam

Bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam

Năm ngoái, Việt Nam đã áp dụng 2 gói hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi tình trạng đóng cửa và giãn cách xã hội, với gói đầu tiên trị giá 2,7 tỷ USD và gói thứ hai là 1,13 tỷ USD.

Dẫu vậy, sự hỗ trợ này chưa đủ để bảo vệ những hộ gia đình dễ bị tổn thương khi bị mất thu nhập do đóng cửa. Vào giai đoạn cao điểm của đại dịch hồi tháng 8/2021, tỷ lệ nghèo đói đã tăng từ 10% lên 33,4%. Mặc dù đã có hỗ trợ, nhưng người di cư, lao động tự do và người vô gia cư vẫn không đủ điều kiện nhận trợ cấp.

Điều này đã làm gia tăng khoảng cách bất bình đẳng giữa các nhóm thu nhập cao và thu nhập thấp.

Bà có kỳ vọng gì đối với Chính phủ Việt Nam trong việc vực dậy nền kinh tế trong năm nay?

Như đã nhấn mạnh trong Hội nghị quốc tế “Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế” do UNDP tổ chức vào tháng 2/2022, sự phục hồi của Việt Nam cần tạo ra tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xanh và tăng trưởng bao trùm. Sự phục hồi kinh tế cần đạt được các mục tiêu kích thích tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt tăng trưởng bền vững với môi trường và nâng cao năng lực của khu vực trong nước.

Đối với tăng trưởng xanh, chúng tôi kỳ vọng sẽ đầu tư vào một quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, cùng nhiều hoạt động thích ứng và giảm thiểu khí hậu hơn.

Với tăng trưởng bao trùm, chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy một cách tiếp cận toàn diện để cải thiện việc phân bổ nguồn lực tài chính dựa trên kết quả kinh tế - xã hội và tăng nguồn cung tài chính trong nước.

Đại dịch đã thách thức sinh kế và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và nếu Việt Nam đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững, thì năm nay thực sự là một năm hành động.

Việt Nam vẫn đang đối mặt với một số thách thức để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay. Theo bà, nền kinh tế sẽ phát triển như thế nào trong bối cảnh các vấn đề toàn cầu chưa từng có tiền lệ đang xảy ra, kèm theo nhiều thách thức to lớn khác? Bà có khuyến nghị gì?

Kinh tế sẽ tăng tốc trong năm nay khi du lịch, vận tải và các dịch vụ khác được nối lại hoạt động. Tuy nhiên, sẽ không thực tế nếu nghĩ rằng, quỹ đạo tăng trưởng sẽ quay trở lại ngay lập tức như trước đại dịch.

Chúng tôi đang xem xét nhiều thách thức, bao gồm khủng hoảng khí hậu, giá nhiên liệu tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng do phong tỏa kéo dài, tác động trực tiếp của chiến sự ở Ukraine.

Do đó, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tăng trưởng bền vững trong năm nay. Điều này sẽ bao gồm nguồn cung cấp tài chính dài hạn ngày càng tăng, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng giữa các doanh nghiệp trong nước thông qua nâng cấp công nghệ và đầu tư công, cũng như tăng cường tài chính cho vấn đề khí hậu...

Trước các mối đe dọa về khí hậu và đại dịch vẫn đang rình rập, Việt Nam cần phải lập kế hoạch và tăng cường khả năng chống chịu cho các cú sốc trong tương lai, kể cả cú sốc do con người và thiên nhiên gây ra.

Chính phủ cần đặt ra mục tiêu phục hồi sau đại dịch cùng với việc đạt được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các Mục tiêu Phát triển bền vững. Tất cả những điều này đòi hỏi phải nâng cấp chiến lược tăng trưởng của quốc gia để trở nên xanh và toàn diện.

Để đáp ứng mục tiêu đạt được mức thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần đầu tư mạnh hơn vào việc xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia, gia tăng giá trị trong các ngành công nghiệp trong nước, nâng cao năng lực đổi mới và công nghệ.

UNDP có những cam kết gì đối với Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050?

Để hỗ trợ phát triển năng lực sản xuất trong nước mạnh mẽ, UNDP và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu việc kết nối đầu tư công với thành quả phát triển, củng cố thị trường vốn trong nước và tái cơ cấu các ngân hàng phát triển quốc gia.

Chúng tôi hy vọng sẽ hỗ trợ các khuyến nghị chính sách trong các lĩnh vực này, cũng như xây dựng năng lực của các doanh nghiệp trong nước để hội nhập tốt hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Để hỗ trợ Việt Nam cam kết đạt tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chúng tôi đang thực hiện một số hành động vì một quá trình chuyển đổi khí hậu công bằng. Tháng 12/2021, UNDP và các đối tác khác đã tái khẳng định cam kết với Việt Nam và những nỗ lực của Việt Nam để đạt được các mục tiêu khí hậu mới.

UNDP sẵn sàng phối hợp với các nhà tài trợ có cùng chí hướng về những đóng góp quốc gia tự quyết định nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam huy động các nguồn lực quốc tế, trong đó có sự kết hợp giữa tăng cường đầu tư công và đầu tư tư nhân, sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các khoản vay ưu đãi để giảm chi phí cho Việt Nam; cung cấp chuyên môn, kiến thức và công nghệ cần thiết để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và cải thiện môi trường pháp lý cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.

Chúng tôi cũng đang hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu để phù hợp với mục tiêu phát thải các-bon ròng bằng 0 vào năm 2050. Chiến lược này sẽ liên kết các cam kết của Việt Nam về năng lượng sạch, giảm khí mê-tan, loại bỏ than và bảo vệ rừng nhằm đạt được các mục tiêu vào năm 2050 và chuyển biến thành các hành động cụ thể.

Dựa trên các chương trình hiện có với các dự án do Quỹ Khí hậu xanh và Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ, UNDP đang phối hợp chặt chẽ với các bộ chủ chốt để vạch ra các biện pháp can thiệp cần thiết trong từng lĩnh vực và khu vực, đồng thời thu thập các thông tin khoa học cập nhật và đáng tin cậy nhất về tác động hiện tại và dự báo của biến đổi khí hậu.

UNDP đang tăng cường quan hệ đối tác với Chính phủ để bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương khỏi tác động của biến đổi khí hậu với các chương trình tổng hợp chống chịu với bão và lũ lụt ở các tỉnh ven biển, quản lý nước ở vùng Tây Nguyên và quản lý môi trường ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chúng tôi cũng đang phát triển một dự án mới nhằm xây dựng khả năng phục hồi cho các cộng đồng ven biển và thực hiện các giải pháp dựa vào tự nhiên trong việc bảo vệ rừng ngập mặn và san hô, đồng thời hỗ trợ sinh kế tại địa phương và du lịch sinh thái.

Tin bài liên quan