Việt Nam vẫn là điểm đến của dòng vốn FDI trong 2 năm đại dịch.
Tăng trưởng đang phục hồi ổn định
Hầu hết dự báo của các quỹ đầu tư nước ngoài đều cho thấy, Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng GDP khoảng 7,5% trong năm 2022, nhưng không quá ngạc nhiên nếu nền kinh tế sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của tiêu dùng nội địa, hoạt động xây dựng, du lịch quốc tế, cũng như nhờ gói kích cầu tài chính của Chính phủ trị giá 15 tỷ USD.
Sự bùng nổ của việc tái mở cửa nền kinh tế nội địa sẽ là động lực lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế Việt Nam, tiêu dùng nội địa đã bị suy giảm nghiêm trọng vào năm ngoái. Gói kích cầu bao gồm cắt giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, hứa hẹn thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Với triển vọng tích cực, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital kỳ vọng, tiêu dùng hộ gia đình của Việt Nam sẽ phục hồi từ mức giảm 6% vào năm 2021 lên mức tăng 5% vào năm 2022, vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 8-9% trước đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tiêu dùng trong nước sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của du lịch nước ngoài, chiếm khoảng 8% GDP trước đại dịch.
Các cuộc khảo sát gần đây ở Mỹ và một số quốc gia khác chỉ ra rằng, nhu cầu du lịch đến Việt Nam đang tăng mạnh. Do vậy, nhiều tổ chức đã kỳ vọng, sự phục hồi một phần của du lịch quốc tế sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP Việt Nam ít nhất 3% trong năm nay và tăng cao hơn nữa vào năm 2023 khi khách du lịch Trung Quốc dự kiến quay trở lại thị trường Việt Nam.
Thêm vào đó, hơn 1/3 chi tiêu trong gói kích cầu sẽ được dành cho phát triển kết cấu hạ tầng và việc Chính phủ dường như đã tích cực đầu tư hơn trong cuối năm 2021 sẽ trở thành tiền đề để phát triển hạ tầng. Do đó, “Chúng tôi kỳ vọng, tăng trưởng hoạt động xây dựng (chiếm khoảng 6% GDP của cả nước) sẽ tăng từ 0,6% vào năm 2021 lên 10% vào năm 2022, tương đương mức tăng trưởng trung bình trước đại dịch”, ông Michael Kokalari khẳng định.
Việt Nam tiếp tục là điểm đến của dòng vốn FDI
Lĩnh vực sản xuất chiếm hơn 20% và đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam trong suốt đại dịch. Dự báo, lĩnh vực này có thể đóng góp ít hơn trong năm nay. Nhu cầu đối với mặt hàng cho nhà ở như tivi và đồ nội thất đang giảm tại Mỹ và các nơi khác.
Tuy nhiên, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã tăng mạnh trong tháng Giêng, nhờ lượng đơn hàng từ khách hàng nước ngoài tăng nhanh nhất trong hơn 4 năm qua. Công ty FDI cũng tăng cường nhập khẩu các nguyên liệu cần thiết để đáp ứng các đơn đặt hàng. Do đó, ngành sản xuất có thể sẽ tăng trưởng mạnh hơn mong đợi trong năm nay.
Triển vọng phát triển dài hạn của lĩnh vực sản xuất vẫn rất mạnh mẽ và tiếp tục được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI. Thực tế, Việt Nam vẫn là điểm đến của dòng vốn FDI trong 2 năm đại dịch. Theo số liệu của Liên hợp quốc, trong khi FDI của Việt Nam giảm 3% trong 2 năm qua, thì vốn FDI giảm hơn 40% trên toàn cầu chỉ tính riêng năm 2020.
Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về cơ bản loại bỏ rủi ro Mỹ sẽ áp đặt thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Điều này cùng với chiến dịch tiêm chủng thần tốc của Việt Nam có thể sẽ thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) - vốn nổi tiếng với cam kết về tính bền vững - sẽ xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam. Khoản đầu tư này sẽ góp phần khẳng định các giá trị ESG (môi trường, xã hội, chính trị) của Việt Nam và thu hút các nhà sản xuất nước ngoài đang ưu tiên phát triển bền vững.
Cùng với những thông tin tích cực về nền kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài cũng không quá lo lắng về lạm phát. Mặc dù tỷ lệ này đang tăng vọt ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, với mức trên 7%, nhưng lạm phát chưa được ghi nhận tại hầu hết các quốc gia đang phát triển ở châu Á, trong đó có Việt Nam. “Đây là tín hiệu rất tích cực”, ông Michael Kokalari nhấn mạnh.