Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2016 vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố đã khuyến cáo sự chậm chạp sẽ là những nguy cơ đe dọa triển vọng tích cực của nền kinh tế.
Ông Aaron Batten, Chuyên gia kinh tế của ADB tại Việt Nam, đồng thời là tác giả chính của Chương Việt Nam trong ADO 2016 cho biết, kế hoạch củng cố ngân sách của Chính phủ đang đứng trước nhiều thách thức.
Trong 5 năm qua, thuế suất thu nhập doanh nghiệp giảm, cắt giảm thuế quan và miễn thuế cho các doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên đã làm cho cơ sở thuế yếu đi. Giá dầu giảm cũng làm cho nguồn thu ngân sách từ lĩnh vực vốn đóng góp tỷ trọng khoảng 10% thu ngân sách quốc gia sụt giảm mạnh. Thu và trợ cấp của Chính phủ giảm từ tương đương 27,6% GDP vào năm 2010 xuống còn 22,0% trong năm 2015.
“Chính phủ có thể dùng nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và phát hành trái phiếu để bù đắp cho ngân sách trong ngắn hạn, song để đạt được vị thế tài khóa bền vững hơn, Việt Nam cần phải cải cách chính sách thuế”, ông Aaron Batten chia sẻ.
Một trụ cột trong tiến trình cải cách nền kinh tế cũng được vị chuyên gia kinh tế của ADB đề cập đến, đó là việc các ngân hàng thiếu vốn và thiếu minh bạch tài chính sẽ tiếp tục dễ bị tổn thương trước các cú sốc. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng phục hồi có thể dẫn đến một làn sóng đầu cơ mới đối với các dự án bất động sản rủi ro cao là điều cần chú ý, mặc dù để giảm thiểu những rủi ro này, Ngân hàng Nhà nước đã có bước đi ngay đầu năm 2016 nhằm thắt chặt các yêu cầu cho vay vốn đối với bất động sản.
“Tiến bộ hơn nữa trong kế hoạch củng cố hệ thống ngân hàng, tăng cường tính minh bạch, phân loại tài sản, giải quyết nợ xấu và các yêu cầu công khai thông tin sẽ là những yêu cầu sống còn để tăng cường được sức mạnh của khu vực ngân hàng”, ông Aaron Batten nhận định.
Chi tiết hơn, tại Hội thảo Triển vọng thương mại và kinh tế của HSBC tổ chức mới đây, bà Izumi Devalier, Chuyên gia Kinh tế phụ trách thị trường Việt Nam của Khối Nghiên cứu kinh tế HSBC đã chỉ rõ những thách thức của nền kinh tế Việt Nam. Lạm phát đang dịu lại, vẫn ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua, nhưng tình trạng ổn định sẽ không kéo dài mãi, bởi được HSBC dự báo phục hồi vào năm 2016.
Tăng trưởng tín dụng và nhu cầu nội địa mạnh mẽ đi kèm với sự suy thoái của cán cân thương mại do nhập khẩu tăng cao từ các doanh nghiệp trong nước mà lại hầu hết là những doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, sớm cần những biện pháp thắt chặt để giảm thâm hụt thương mại ở mức kiểm soát có thể.
Đặc biệt, nguy cơ thâm hụt kép sẽ trở lại vào năm 2016 khi cán cân thương mại mất cân đối dẫn đến thặng dư tài khoản vãng lai mỏng đi và tạo thêm áp lực lên cán cân thanh toán. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối có xu hướng giảm, đồng Việt Nam vẫn đang chịu áp lực mất giá…
“Khối doanh nghiệp quốc doanh vẫn thống lĩnh nền kinh tế, nhưng năng suất đang giảm. Tiềm năng đưa nền kinh tế cất cánh nếu cải cách đúng hướng và quan trọng là hội nhập các doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu”, bà Izumi Devalier nhấn mạnh.
Theo TS. Trần Đình Thiên, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do là tích cực, giúp Việt Nam thu hút đầu tư và bảo đảm cho tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, khi năng lực sản xuất trong nước cải thiện chậm chạp, đồng thời với đó là có nhiều doanh nghiệp yếu, thì việc mở rộng cửa lại là điểm bất lợi. Dường như tăng trưởng của nền kinh tế nước ta đang dựa ngày càng nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài, trong khi sức khỏe của khu vực trong nước lại rất chậm được cải thiện.
“Ngay cả trong trường hợp mở cửa giúp thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng hàm chứa cả yếu tố bất lợi cho khu vực trong nước, nếu không cải thiện được chính sách kết nối giữa hai khu vực này. Hai khu vực này vẫn hoạt động tách biệt, không liên kết nên không lan tỏa được ảnh hưởng tích cực. Mà khu vực trong nước yếu đi tương đối là cả một vấn đề mất cân đối về cơ cấu rất nghiêm trọng. Đây là điểm hàm chứa những gợi ý chính sách rất lớn cho năm 2016 và cả những năm sau”, TS. Trần Đình Thiên khuyến nghị.