Kinh tế Việt Nam năm 2017: Những thành tựu đáng ghi nhận

(ĐTCK) Tái cơ cấu kinh tế và tăng cường hội nhập vào hệ thống kinh tế toàn cầu đã đem lại cho Việt Nam những kết quả rất ấn tượng về kinh tế, thương mại và đầu tư. Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận về tăng trưởng kinh tế và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2017. 

Vì vậy, cách đây không lâu, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên 6,7% cho cả hai năm 2017 và 2018. Trước đó, một số định chế tài chính quốc tế cũng đã điều chỉnh tăng dự báo Việt Nam tăng trưởng đạt mức mà Chính phủ đã đặt ra.

Trong ba quý đầu năm 2017, tăng trưởng GDP đạt 6,4% so với mức 6,0% cùng kỳ năm trước. Nông nghiệp đã phục hồi và tăng 2,8% trong 9 tháng đầu năm nhờ hạn hán bớt nặng nề tại Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Công nghiệp và xây dựng vẫn duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp sự sụt giảm trong lĩnh vực khai khoáng và dầu thô xuống còn 8,1% trong 9 tháng đầu năm.

Kinh tế Việt Nam năm 2017: Những thành tựu đáng ghi nhận ảnh 1

 Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.

Lĩnh vực chế biến, chế tạo có sự gia tăng mạnh mẽ, lên tới 12,8% trong ba quý đầu năm 2017 - mức tăng trưởng cao nhất của ngành này kể từ năm 2011. Tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo trong quý IV, vốn luôn là quý đạt mức cao nhất, dự kiến sẽ cao hơn so với mức tăng trưởng trong ba quý trước. Được thúc đẩy bởi ngành du lịch phát triển bùng nổ và hoạt động ngân hàng mạnh mẽ, tăng trưởng dịch vụ đã đạt 7,3% so với mức 6,7% cùng kỳ năm trước.

Lạm phát trung bình có xu hướng tăng lên trong 10 tháng đầu năm 2017 nhưng vẫn duy trì ở mức thấp 3,7%. Việc điều chỉnh tăng giá và phí dịch vụ giáo dục và y tế đã gia tăng áp lực lạm phát hiện đang ở mức 6%, nhưng sẽ tiếp tục giảm nhẹ nhờ việc điều hành giá đối với lương thực, năng lượng và giao thông đều bình ổn.

Qua đó, lạm phát tăng chậm lại trong những tháng cuối năm. Trong tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng của Việt nam chỉ tăng 3%, thấp hơn nhiều so với mức 5,2% hồi đầu năm 2017. Vì vậy, ADB cũng đã điều chỉnh giảm dự báo lạm phát trung bình xuống còn 4%, từ mức dự báo 4,5% đưa ra hồi tháng 9/2017.

Với lạm phát không cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) duy trì chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt và đã có phản ứng giảm lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản vào trung tuần tháng 7/2017, duy trì lãi suất ổn định về cơ bản. Bên cạnh đó, NHNN giảm lãi suất cho vay ưu đãi cho các ngành được ưu tiên như nông nghiệp và phát triển nông thôn, một phần cũng để tạo điều kiện hồi phục cho các vùng nông thôn bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Đây là đóng góp đáng ghi nhận của NHNN vào việc cải thiện tăng trưởng kinh tế nói chung và tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.

Tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2017 ước tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước, đưa nông nghiệp trở lại quỹ đạo tiến đến đạt mục tiêu tăng trưởng 18 -20% cả năm mà Chính phủ đề ra. Cung tiền rộng tăng 14,3% trong 6 tháng đầu năm, cũng tương đương với mục tiêu của Chính phủ là tăng 16 - 18% cả năm 2017. Thanh khoản trong hệ thống ngân hàng được giữ ổn định. Dự trữ ngoại hối đã đạt mức 46 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Quốc hội và Chính phủ đã tăng cường khuôn khổ pháp lý để tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và xử lý nợ xấu. Nghị quyết mới đây của Quốc hội đã xác định đúng đắn các biện pháp giải quyết một số rào cản pháp lý đang ngăn trở việc xử lý nợ xấu một cách hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình xử lý nợ xấu vẫn còn hạn chế và cần được đẩy nhanh hơn nữa.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang siết chặt quản lý đối với hệ thống ngân hàng, thông qua áp dụng các chuẩn mực Basel II. Các ngân hàng thương mại đều phải áp dụng nghiêm túc các biện pháp kiểm soát rủi ro để hệ thống nhà băng hoạt động ổn định và hiệu quả trong thời gian tới. Để đảm bảo các biện pháp này đạt được hiệu quả, cần nới lỏng những quy định kiểm soát quá chặt hiện nay đối với sở hữu nước ngoài.

Năm 2017 cũng cho thấy tình hình tài chính của Việt Nam đã có những cải thiện rõ rệt. Do tăng thu ngân sách cao hơn kỳ vọng, nên mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống 3,5% GDP trong năm 2017 và 4,0% trong năm 2018 của Chính phủ nhìn chung là khả thi. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào những nỗ lực đốc thúc tiếp theo và việc kiểm soát chặt chẽ hơn chi ngân sách cho tiền lương và các khoản chi thường xuyên khác. Sau 3 năm giảm chi đầu tư, ngân sách năm 2017 quay trở lại chi cho đầu tư xây dựng cơ bản nhiều hơn và điều này sẽ giúp cho việc cấp thiết điều chỉnh cơ cấu chi tiêu công.

Mặc dù diễn ra với tốc độ chậm hơn, nhưng cải cách cơ cấu tiếp tục có những tiến triển. Quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước chưa được triển khai như kỳ vọng, tuy nhiên, nguồn thu từ việc bán cổ phần, thoái vốn từ các doanh nghiệp này vẫn đạt chỉ tiêu của Chính phủ là 1% GDP cho cả năm 2017.

Những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2017 tạo ra những tiền đề thuận lợi cho tăng trưởng trong năm 2018. Là đối tác phát triển tin cậy của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, ADB luôn sẵn sàng hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ để vượt qua những khó khăn, thách thức nhằm duy trì tăng trưởng bao trùm và bền vững trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Tin bài liên quan