Khuyến nghị này được đưa ra tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2018 lần đầu tiên vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đối tác phát triển tổ chức.
Giảm tốc tăng trưởng, dấu hiệu suy thoái toàn cầu
Phân tích về xu hướng tăng trưởng năm 2019 và giai đoạn tới, ông Sudhir Shetty, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, trong giai đoạn 2019-2020, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng đi ngang khi các nền kinh tế phát triển có thể giảm tốc mạnh, còn các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi vẫn duy trì được đà tăng trưởng, bao gồm khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
“Dù vậy, không phải không có những rủi ro cho tăng trưởng khu vực này, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại thế giới vẫn gia tăng, khiến tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu chậm lại”, ông Shetty nhận định.
Những rủi ro này, theo ông Shetty, xuất phát từ 3 yếu tố: Thứ nhất, chủ nghĩa bảo hộ leo thang và dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng; thứ hai, biến động gia tăng trên các thị trường tài chính do tăng lãi suất tại Mỹ và sự lan truyền giữa các thị trường sẽ khiến việc hoạch định chiến lược phát triển, cũng như điều hành quản lý kinh tế vĩ mô của các chính phủ trở nên khó khăn hơn; thứ 3, sự tương tác lẫn nhau giữa các loại rủi ro có thể khiến nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương hơn trong ngắn hạn và tác động tới tăng trưởng, đặc biệt là với các nền kinh tế đang phát triển vốn dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế toàn cầu.
Sẵn sàng đối phó khủng hoảng thương mại, tiền tệ
Trước những dự báo suy giảm của kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, khả năng bùng phát một cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ trong 2-3 năm tới là thấp, cho dù kinh tế thế giới giảm tốc.
“Tuy nhiên, đến năm 2030 liệu có xảy ra khủng hoảng hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Tôi cho rằng, bên cạnh cạnh tranh về thương mại, nếu xảy ra chiến tranh tiền tệ thì khó có thể nói trước tình hình sẽ thế nào”, ông Khoan nhận định.
Nhìn nhận xu thế tăng trưởng trong trung và dài hạn, ông Khoan cho rằng, cần đặc biệt lưu tâm đến những diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu và có kịch bản sẵn sàng ứng phó với những diễn biến xấu nhất khi xây dựng và hoạch định kế hoạch chiến lược phát triển từ nay đến 2030, nếu dự báo khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu trở thành hiện thực.
Dẫn các dự báo của WB, Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), ông Khoan cũng cho hay, cần lưu tâm đến tính chu kỳ theo thập niên của các cuộc khủng hoảng kinh tế, khi hiện tượng này đang có dấu hiệu trở lại.
“Nhìn lại mấy thập niên qua, cứ khoảng 10 năm lại có một cuộc khủng hoảng (năm 1973, 1980, 1997 và 2008). Hiện nay, kinh tế thế giới đang có dấu hiệu bước vào chu kỳ giảm tốc nên công tác dự báo là rất quan trọng”, ông Khoan nhấn mạnh và cho rằng, nhà hoạch định không nên chủ quan trước mọi cuộc khủng hoảng, bởi nền kinh tế Việt Nam vốn có độ mở lớn.
Tiếp cận "3 trong 1" là giải pháp sống còn
Ngoài kinh tế giảm tốc, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng là yếu tố được các chuyên gia khuyến nghị cần hết sức lưu tâm xét trên góc độ là một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong trật tự và cục diện kinh tế - chính trị thế giới.
Cuộc cạnh tranh này sẽ không chỉ liên quan đến kinh tế thương mại, mà còn liên quan tới chính trị, an ninh, là cuộc cạnh tranh về vị thế trên thế giới nên “không dễ gì thay đổi”. Thời gian tới, nhiều khả năng cục diện kinh tế cũ và cục diện mới sẽ “trộn lẫn với nhau”, vừa cạnh tranh, vừa hợp tác, vừa đơn phương, vừa đa phương, khó xác định thắng thua.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tiếp cận giải pháp theo hướng “3 trong 1”: Thứ nhất, cần tìm cách giảm bớt mức độ tổn thương của nền kinh tế thông qua việc gia tăng nội lực của đất nước, trong khi vẫn tận dụng được tối đa nguồn lực của thế giới; thứ hai, tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế ủng hộ cho tự do hóa thương mại; thứ ba, thích nghi với sự thay đổi bởi đó là thực tế tất yếu.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần thích ứng với xu thế thay đổi của mô hình phát triển, bởi dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mô hình phát triển của các quốc gia sẽ thay đổi mạnh mẽ.
Theo ông Sudhir Shetty, Việt Nam không còn cách nào khác là phải tăng cường cải cách để gia tăng nội lực thích ứng với những biến động, cũng như duy trì đà tăng trưởng.
Theo chuyên gia này, Việt Nam cần tập trung vào việc thúc đẩy cải thiện các chính sách về thương mại và đầu tư để tăng cường năng lực cạnh tranh, giảm bớt mức độ dễ bị tổn thương trong ngắn hạn và tăng cường tính sẵn sàng, bao gồm cả các giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa.
Đồng thời, xây dựng kỹ năng nhận thức bậc cao và kỹ năng số cho người lao động, tăng chất lượng đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đón đầu các cơ hội ứng dụng công nghệ số từ cách mạng 4.0 để thúc đẩy tăng trưởng.
Còn theo ông Rich Mc Clellan, đại diện Công ty Mckinsey, Việt Nam cần tập trung nguồn lực phát triển kinh tế tư nhân đi cùng với thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo dựa trên kỷ nguyên bùng nổ kinh tế số để duy trì và thúc đẩy gia tăng nội lực cũng như động lực cho tăng trưởng trong giai đoạn tới.
Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe ý kiến của cộng đồng đối tác để hành động, hướng tới sự thịnh vượng và bền vững của Việt Nam
Phát huy các kết quả đạt được trong 2018, Chính phủ Việt Nam đang tích cực chuẩn bị chương trình phát triển kinh tế xã hội cho năm 2019, với những hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn, có tính đột phá và hiệu quả hơn, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển 2020.
Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc.
Chính phủ sẽ tiếp tục chỉnh sửa, nâng cấp và hoàn thiện các quy định về chuẩn mực môi trường kinh doanh theo tiêu chuẩn OECD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với những biện pháp, hành động mạnh mẽ hơn.
Từ năm 2019, Chính phủ cũng chuẩn bị một chiến lược phát triển mới cho thời kỳ 2021-2030 và các chương trình nghị sự, đăt nền móng hướng tới tầm nhìn 2045 được đưa ra trước Quôc hội mới đây. Những vấn đề được thảo luận, khuyến nghị tại Diễn đàn sẽ rất hữu ích cho việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng nêu trên và đóng góp trực tiếp cho quá trình điều hành, quản lý phát triển kinh tế, xã hội trong những năm sắp tới.
Với tinh thần đó, tôi yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ liên quan tổng hợp các phát hiện, đề xuất, kiến nghị tại Diễn đàn, nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo hoàn thiện các cơ chế, chính sách, triển khai các biện pháp cụ thể phát huy các động lực phát triển hiệu quả, thiết thực.
Hơn ai hết, Chính phủ Việt Nam nhận thức được ý nghĩa và giá trị đối với các khoản hỗ trợ của các đối tác cho sự phát triển. Việt Nam mong muốn sớm trở thành một đối tác có đóng góp tích cực và hỗ trợ trở lại các các nước kém phát triển hơn trong những thập niên tới. Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe ý kiến của cộng đồng đối tác để hành động, hướng tới sự thịnh vượng và bền vững của Việt Nam.
Tiếp tục hướng vào thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng...
Chuẩn bị cho kế hoạch chiến lược phát triển trong năm 2019 cũng như trung và dài hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra khung chính sách tổng thể với các giải pháp, các lĩnh vực (hành động) ưu tiên để thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững (duy trì trong dài hạn).
Ông Lê Quang Mạnh - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cụ thể, các lĩnh vực được đề xuất tiếp tục hướng vào thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy và nâng cao chất lượng tăng trưởng (kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết vấn đề nợ công, xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu);
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; cải cách doanh nghiệp nhà nước; phát triển khu vực kinh tế tư nhân; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống đổi mới, sáng tạo quốc gia; hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, chú trọng các giải pháp chống chịu với biến đổi khí hậu; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu quả khu vực Nhà nước (cải cách bộ máy, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền…).
Trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, 4 động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên nền tảng cuộc cách mạng công nghiệp mới (cách mạng công nghiệp 4.0) và thể chế kinh tế thị trường, bao gồm:
(i) Khu vực tư nhân phát triển; (ii) Nhân lực và đổi mới sáng tạo; (iii) Hạ tầng đồng bộ và hiện đại; (iv) Bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả và hiệu lực. Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện những chính sách lớn nhằm khơi thông và phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng.
Các hoạt động ưu tiên nói trên sẽ được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả do mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó có những hành động mang tính nhân quả.
Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng là tiền đề để có thể tăng trưởng nhanh và bền vững trong dài hạn, trong khi việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân sẽ tạo ra lực lượng to lớn tham gia trực tiếp vào các hoạt động cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ thông đổi mới sáng tạo quốc gia vận hành có hiệu quả sẽ là tiền đề để duy trì sức sáng tạo, duy trì hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo chất lượng tăng trưởng.
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường sẽ là giá đỡ cho hiệu quả của nền kinh tế, đảm bảo nguồn lực xã hội sẽ được phân bổ, sử dụng minh bạch hơn, hiệu quả hơn. Cải cách doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp cho khu vực này hiệu quả hơn, đồng thời đảm bảo cơ chế thị trường vận hành trơn tru, góp phần tích cực vào phát triển khu vực kinh tế tư nhân…