Kinh tế Việt Nam ấm lên từ đáy

Kinh tế Việt Nam ấm lên từ đáy

(ĐTCK) Từ những điểm sáng về xuất khẩu, thu hút FDI, kiềm chế lạm phát…, nền kinh tế Việt Nam bước vào quý cuối cùng của năm 2013 với sự phục hồi từ điểm đáy suy thoái.

Kinh tế Việt Nam ấm lên từ đáy ảnh 1Thu hút vốn đầu tư nước ngoài là một ­điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam  3 quý vừa qua

 

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á -Thái Bình Dương, theo đó, Việt Nam được dự đoán đạt mức tăng trưởng 5,3% trong năm 2013 và 5,4% năm 2014. Theo WB, mức độ tăng trưởng ì ạch của các nền kinh tế lớn trên thế giới và tốc độ tái cơ cấu chậm là hai nguyên nhân chính khiến tăng trưởng chưa đạt mức tiềm năng.

“Dự đoán mức tăng trưởng trung bình của các nước trong khu vực đều giảm so với con số WB đưa ra trong dự báo vào tháng 4/2013. Tuy vậy, các nước đang phát triển ở khu vực Đông Á vẫn dẫn đầu so với các khu vực khác trên thế giới”, Báo cáo nhận định.

Trong bối cảnh chung đó, nền kinh tế Việt Nam cũng được đánh giá dần phục hồi theo từng quý và có sự phục hồi rõ rệt so với năm 2012. Theo Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm, dự báo cả năm 2013 của Trung tâm Nghiên cứu BIDV, lạm phát 2013 sẽ đạt được mục tiêu 7%; thị trường tiền tệ ổn định; tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát; đà sôi động của thị trường trái phiếu đầu năm đang giảm dần và dự kiến xuất khẩu vượt kế hoạch 3 - 5%... là những điểm sáng được ghi nhận.

Trong đó, thu hút vốn FDI được coi là điểm nổi trội nhất trong bức tranh kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm. Tổng cộng số vốn đã đăng ký mới và bổ sung đạt trên 15 tỷ USD, tăng khoảng 36,1% so với cùng kỳ năm 2012, vượt mức kế hoạch năm (13 - 14 tỷ USD). Vốn FDI giải ngân 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt 8,62 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ về cả số vốn và số dự án. Đồng thời, vốn ODA ký kết 8 tháng đầu năm đạt gần 4,6 tỷ USD, tăng 29%, giải ngân đạt 2,74 tỷ USD (tăng 8,68%) so với cùng kỳ.

Đặc biệt, tính đến hết quý III/2013, ước tính lượng kiều hối vào Việt Nam đạt khoảng 7,5 - 8 tỷ USD và có sự chuyển dịch tích cực với 50% đầu tư cho sản xuất kinh doanh, trong khi lượng kiều hối đổ vào thị trường bất động sản có xu hướng giảm, chỉ chiếm khoảng 22%.

“Đến thời điểm này, kinh tế Việt Nam năm 2013 có thể miêu tả bằng cụm từ ngắn gọn là ‘ấm lên từ đáy’. Đáy ở đây có thể hiểu là năm 2012 với GDP tăng trưởng 5,03% (thấp nhất trong 10 năm qua) và năm nay, dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 5,2 - 5,3%”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định.

Trong một tương quan khác, Báo cáo Kết nối giao thương và chỉ số tin cậy thương mại (TCI) của HSBC vừa công bố nhận định, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức khiêm tốn trong năm nay. Nhưng dự báo năm 2014 - 2016 sẽ có sự hồi phục mạnh khi lãi suất thấp hơn, hàng tồn kho giảm kích thích đầu tư nội địa, xuất khẩu tăng lên và các cam kết FDI giá trị cao bắt đầu chảy vào Việt Nam. Gần một nửa DN được hỏi trong khảo sát về TCI cho rằng, khối lượng giao thương sẽ được cải thiện trong giai đoạn cuối năm 2013.

Việt Nam không được Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá thuộc 100 nước dẫn đầu về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, Chỉ số đo lường kết cấu hạ tầng của HSBC về Việt Nam (AIM) đã tăng từ mức 0,28 trong năm 2000 lên 0,37 trong năm 2012 (con số này của Hàn Quốc là 1,04). Bên cạnh đó, những cam kết của Chính phủ trong việc cải thiện kết cấu hạ tầng và áp dụng những chính sách cởi mở hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài cũng tạo cơ hội cho dòng vốn lớn đổ vào Việt Nam trong tương lai gần. Chính phủ vẫn cam kết hiện đại nền kinh tế và cải thiện kết cấu hạ tầng.

Tuy vậy, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, từ nay đến hết năm 2013 và nửa đầu năm 2014, khó khăn, thách thức nội tại vẫn còn nhiều, như lạm phát luôn rình rập (có thể do những nhân tố phi tiền tệ như giá hàng hóa thiết yếu…) nên không thể chủ quan, lơ là. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh và quyết liệt hơn nữa chương trình tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu. Song song, cần chủ động đề xuất các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để tăng cung tín dụng cho nền kinh tế, kiên định chính sách ưu tiên vốn cho lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu…, đảm bảo phân bổ tín dụng hiệu quả. Ngoài ra, cần có chính sách dài hạn về quản lý thị trường vàng. Đồng thời chủ động đề xuất phương án và lộ trình tăng room cho nhà đầu tư ngoại nhằm hỗ trợ đẩy nhanh và tăng tính minh bạch cho quá trình tái cơ cấu các TCTD…

“Để có thể tăng trưởng GDP ở mức khoảng 5,5% trong năm 2014, đòi hỏi nhiều chính sách quyết liệt. Cần có quyết tâm chính trị của toàn hệ thống để đẩy nhanh thực hiện 3 “đột phá” (thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực); quyết liệt và đồng bộ thực hiện tái cơ cấu 3 trụ cột nền kinh tế; tiến hành giải pháp tổng thể và đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu; sớm cho phép tăng room nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng; quyết liệt hơn nữa trong phối hợp chính sách và cải cách thủ tục hành chính; khẩn trương định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp trong hội nhập TPP và khối APEC. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác truyền thông để toàn xã hội thấu hiểu và cùng chia sẻ, lạc quan hơn và quyết tâm vượt qua khó khăn cũng là vấn đề rất quan trọng”, ông Lực khuyến nghị.