Kinh tế Việt Nam 2024: Triển vọng sáng hơn!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trao đổi cùng Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính chia sẻ góc nhìn lạc quan về triển vọng của nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm mới.

“Câu chuyện tăng trưởng kỳ diệu của Việt Nam chưa kết thúc”

Bà Đặng Thị Mai Trang, Trưởng đại diện ICAEW Việt Nam

Bà Đặng Thị Mai Trang, Trưởng đại diện ICAEW Việt Nam

Trong bối cảnh đổi mới chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã nổi lên như một “người chiến thắng” quan trọng và tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa được dự báo sẽ tiếp tục tăng tốc.

Nhìn ra bức tranh rộng hơn, Đông Nam Á đã thể hiện đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong quý II/2023, nhờ điều kiện thương mại cải thiện đã đẩy mạnh tăng trưởng GDP vượt xa kỳ vọng. Tăng trưởng xuất khẩu ở Singapore, Malaysia và Việt Nam đã mở rộng từ quý II sang quý III. Cả Singapore cũng như Việt Nam đều trải qua sự phục hồi đáng chú ý và cả hai thị trường đều giữ vị thế quan trọng trong thương mại điện tử. Trong năm 2023, Việt Nam đã nổi lên là quốc gia xuất khẩu hàng đầu khu vực.

Tuy nhiên, xuất khẩu của Đông Nam Á có khả năng sẽ ảnh hưởng bởi sự suy yếu toàn cầu kéo dài, đặc biệt từ Mỹ và Trung Quốc. Trong khi Mỹ có khả năng tránh khỏi suy thoái kinh tế, thì sẽ có thể vẫn phải đối mặt với một giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài. Các nền kinh tế phát triển khác dự kiến cũng sẽ đìu hiu do chính sách tiền tệ đã thắt chặt trước đó, trong khi chi tiêu của Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ ổn định khi đối mặt với khó khăn nội địa của mình. Ngay cả lĩnh vực du lịch nổi bật cũng đang mất đi sự hấp dẫn, khi sự hồi phục của lượt khách du lịch đã bị đình trệ đối với hầu hết các nền kinh tế châu Á khác, bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.

Trong khi đó, tiêu dùng tư nhân đang giảm mạnh do nhiều yếu tố. Trước hết, lợi nhuận từ xuất khẩu chủ yếu vẫn thấp hơn so với năm 2022, ảnh hưởng đến thị trường lao động và đầu tư đặc biệt là ở các quốc gia tập trung vào thương mại như Singapore và Malaysia. Chính sách tiền tệ thắt chặt trước đó cũng bắt đầu gây thiệt hại đối với sức mua thông qua chi phí dịch vụ nợ cao hơn. Ảnh hưởng của đại dịch đang bắt đầu xuất hiện thông qua việc tiết kiệm giảm và mức nợ cao hơn ở các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ, có thể dẫn đến giai đoạn kiềm chế chi tiêu và điều chỉnh bảng cân đối.

“Xu hướng tăng của thị trường chứng khoán là chủ đạo”

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Thị trường chứng khoán 2024 trong xu hướng tăng là chủ đạo. Mức tăng của chỉ số VN-Index trong năm 2024 sẽ tốt hơn so với năm 2023. Có ba yếu tố hỗ trợ tạo lực đẩy cho thị trường chứng khoán năm 2024.

Thứ nhất, các doanh nghiệp niêm yết được dự báo tăng trưởng hai con số dựa trên mức nền thấp của năm 2023. Đây là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng chung của thị trường. Thứ hai, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đến chu kỳ cuối của tăng lãi suất, sẽ có sự điều chỉnh trong năm 2024. Thứ ba, lãi suất của Việt Nam duy trì ở mức thấp.

Đà tăng của thị trường chứng khoán 2024 duy trì với hai giai đoạn. Giai đoạn 1, trong 6 tháng đầu năm mức tăng có thể ảnh hưởng bởi tính chất đầu cơ, cổ phiếu penny hút dòng tiền nên sự tăng trưởng của thị trường có biến động mạnh. Giai đoạn 2, trong nửa cuối năm 2024, xu hướng tăng bền hơn, khi đà hồi phục của nền kinh tế rõ ràng hơn.

Tôi cho rằng, năm 2024, nhà đầu tư nên phân bổ tài sản một phần qua kênh đầu tư rủi ro hơn, thay vì chỉ tập trung vào kênh an toàn là gửi tiết kiệm khi lãi suất tiền gửi đang xuống thấp. Tùy vào khẩu vị và mức độ chịu rủi ro mà nhà đầu tư lựa chọn phân bổ đầu tư.

“Chính phủ tiếp tục ưu tiên “cỗ xe tam mã” tăng trưởng”

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục ưu tiên vào “cỗ xe tam mã” - ba động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Tôi cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu năm 2024 xuất hiện nhiều điểm mới.

Trong ba động lực nói trên, hiện xuất khẩu có xu hướng tăng trưởng chậm lại (do sức cầu thế giới giảm sút); trong đầu tư thì đầu tư tư nhân gần đây tăng trưởng rõ nét hơn, nhưng chưa đủ dẫn dắt, đầu tư công mặc dù được thúc đẩy nhưng vẫn cần có thời gian để lan toả. Tôi cho rằng, tiêu dùng nội địa đang là động lực quan trọng của năm 2024 và vẫn là “điểm nhấn” động lực tăng trưởng kinh tế chung trong trung và dài hạn.

Để hỗ trợ doanh nghiệp chinh phục thị trường nội địa, Chính phủ cần sát sao thúc đẩy hoạt động đầu tư công để hỗ trợ cho đầu ra; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ sức mua của nền kinh tế thông qua chính sách tài khoá như giảm thuế, tăng lương cơ sở...; tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; triển khai kịp thời hiệu quả các biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước thông qua chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”; thúc đẩy liên kết vùng…

Ngoài ra, bên cạnh việc ưu tiên ba động lực tăng trưởng truyền thống, Chính phủ cũng chủ trương tập trung thúc đẩy để đa dạng hoá các động lực tăng trưởng mới như tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký kết. Đây chính là ba nhân tố động lực mới, là cách nhìn mới bao phủ trên mọi lĩnh vực.

Tăng trưởng xanh hiện nay không chỉ là vấn đề của ngành năng lượng hay là cam kết chính trị, mà là đòi hỏi của thị trường mà mọi quốc gia bắt buộc phải tuân thủ.

Chuyển đổi số rất quan trọng, vì nó tạo ra sự thay đổi có tính cách mạng trong mọi lĩnh vực của đời sống. Theo thống kê, nếu chuyển đổi số thành công tốt, mỗi doanh nghiệp có thể tăng năng suất lao động khoảng 15 - 20% so với trước.

Việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện nay cũng là động lực quan trọng vì thế giới đang có sự dịch chuyển chuỗi cung ứng mà Việt Nam là một quốc gia được nhiều nước phát triển ưu tiên trong chuỗi cung ứng của họ.

Để có thể chớp được vận hội kinh doanh năm 2024 cũng như trong trung và dài hạn, các doanh nghiệp cần tiếp cận để thu thập thông tin, nâng cao năng lực quản trị rủi ro và bắt nhịp với xu thế. Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu, chuyển đổi nền kinh tế theo xu hướng mới: xu hướng xanh và chuyển đổi số. Đây sẽ là mũi tên trúng nhiều đích: vừa là “kim chỉ nam” để doanh nghiệp bước qua khó khăn, duy trì và phát triển ổn định; vừa là động lực để kích hoạt làn sóng đầu tư, tăng trưởng mới vào Việt Nam theo hướng đảm bảo chất lượng hơn.

“năm 2024, triển vọng tăng trưởng tốt hơn”

Ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI

Ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI

Kinh tế Việt Nam năm 2024 có triển vọng tăng trưởng cao hơn nhiều so với năm 2023, đạt khoảng từ 6 - 6,5%.

Tuy nhiên, từ câu chuyện vĩ mô chuyển sang câu chuyện thị trường còn một khoảng cách nhất định, không hẳn kinh tế vĩ mô tốt là thị trường tốt.

Chẳng hạn, tăng trưởng tín dụng đạt gần 11% trong năm 2023, nhưng không hẳn số tiền đó đi vào nền kinh tế hết mà có những khoản vay để trả nợ.

Tăng trưởng kinh tế có thể cao hơn trong năm nay, nhưng sẽ tập trung hơn ở nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Kinh tế đang ở giai đoạn khởi động sau chu kỳ hồi phục, các khó khăn đang được Chính phủ cố gắng giải quyết.

Với thị trường chứng khoán, đây là giai đoạn khởi động cho nhà đầu tư và phù hợp với nhà đầu tư dài hạn.

Tin bài liên quan