Các chính sách hỗ trợ cần phải có tầm nhìn trung hạn đến 2022-2023.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, đây là lúc củng cố các chính sách trung và dài hạn, thay vì theo đuổi các mục tiêu trước mắt.
2 kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm
3,4% và 4,12% là 2 kịch bản được Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo cho tăng trưởng GDP năm 2020. Tương ứng với 2 dự báo này là kịch bản CPI bình quân so với cùng kỳ sẽ tăng 3,85% và 4,2%.
Đối với kịch bản thấp, dự báo của NCIF cho tăng trưởng quý III và IV là 4,15% và 5,42%, trong khi với kịch bản cao, 2 dự báo tương ứng là 4,86% và 6,08%.
Các kịch bản của NCIF được xây dựng dựa trên những phân tích của cơ quan này trên các góc độ, tập trung vào đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng - 3 động lực được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ví như “cỗ xe tam mã” thúc đẩy tăng trưởng trong nửa cuối năm 2020.
Phát biểu tại Tọa đàm “Dịch Covid-19: Những biến động của kinh tế thế giới - Dự báo kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, các tổ chức và chuyên gia quốc tế hầu hết đều đưa ra dự báo tăng trưởng của thế giới năm nay sẽ ở mức thấp và tăng trưởng âm. Riêng đối với Việt Nam, lại có nhiều xu hướng dự báo khác nhau.
“Có tổ chức dự báo bi quan, có tổ chức dự báo triển vọng. Đây là vấn đề đặt ra với công tác dự báo. Trong bối cảnh biến số thay đổi liên tục, dự báo là công tác thách thức”, ông Phương nói.
Đại diện cho NCIF đưa ra đánh giá phản ứng chính sách của Chính phủ trước những tác động của Covid-19, TS. Đặng Đức Anh, Phó giám đốc Trung tâm nhìn nhận, dù việc dỡ bỏ giãn cách xã hội đã giúp hồi phục một phần các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng các chính sách tài khóa, tiền lệ, thúc đẩy đầu tư công chưa thực sự đem lại hiệu quả.
Theo TS. Đặng Đức Anh, quy mô hỗ trợ của chính sách tài khóa đến nay còn rất nhỏ, ít các giải pháp miễn, giảm thuế, phí, mà chủ yếu mới là gia hạn. Thống kê của NCIF cho thấy, trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, đến hết tháng 6 mới hỗ trợ được 11.300 tỷ đồng.
Các chính sách tiền tệ chủ yếu mới hỗ trợ cho khách hàng vay cũ, mà ít tạo ra sức cầu mới, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa có chuyển biến rõ nét, số vốn còn lại phải giải ngân còn lớn.
Đánh giá về báo cáo của NCIF, chuyên gia kinh tế Cao Viết Sinh cho rằng, quý II vừa qua, không một tổ chức hay chuyên gia nào đưa ra cảnh báo kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 0,36%.
Trong khi đó, quý III/2019 Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao (7,31%). Do đó, dự báo tăng trưởng quý III năm nay sẽ phải rất thận trọng. Trong trụ cột “tam mã”, chỉ nên kỳ vọng vào đầu tư và tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay, khi xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn.
Dưới góc độ đầu tư, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, quý III là thời điểm miền Trung và miền Nam có mùa mưa, dẫn tới khả năng khó khăn cho thúc đẩy các dự án đầu tư công.
Về khía cạnh tiêu dùng, PGS-TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho rằng, du lịch trong những tháng tới sẽ “cực kỳ có vấn đề”, bởi từ tháng 9 trở đi, ngành du lịch các tỉnh miền Trung chủ yếu dựa vào khách nước ngoài.
Cho rằng, không quá lạc quan, nhưng cũng không nên quá bi quan đối với tăng trưởng nửa cuối năm nay, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhìn nhận, lạm phát năm nay không đáng lo vì sức cầu yếu, giá xăng giảm. Tuy nhiên, áp lực sẽ trở nên nặng nề hơn trong năm tới, nên cần đưa ra thông điệp cảnh báo sớm.
Cần những giải pháp có tầm nhìn trung và dài hạn
Đánh giá về các giải pháp thời gian qua của Chính phủ, TS. Nguyễn Bá Ân, Thành viên Tổ tư vấn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các giải pháp hoàn toàn đúng đắn, song chưa đi vào cuộc sống.
Để thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, cần tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng trong giai đoạn 2020-2022, hạ trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn, giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn vay ngắn hạn sang trung và dài hạn…
Đưa ra gói giải pháp giúp Chính phủ thực hiện mục tiêu tăng trưởng 3-4%, kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay, đại diện NCIF cho rằng, không gian chính sách tài khóa và tiền tệ còn rộng là cơ hội cho việc gia tăng tổng cầu.
Để thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, TS. Đặng Đức Anh đề xuất, cần tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng giai đoạn 2020-2022, hạ trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn, giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn vay ngắn hạn sang trung và dài hạn…
Đồng tình với quan điểm này, PGS-TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, cần có giải pháp tài chính đặc thù.
“Nguồn tiền đã có, tại sao không làm voucher kích cầu du lịch, tiêu dùng?”, ông Cường đặt vấn đề và cho rằng, có thể xem xét hỗ trợ tiền trực tiếp cho các khách sạn giảm giá để đón khách, bởi việc các cơ sở này duy trì hoạt động sẽ giúp ngành du lịch tái khởi động nhanh hơn trong giai đoạn hậu Covid-19.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), rõ ràng, các chính sách hỗ trợ cần phải có tầm nhìn trung hạn đến 2022-2023. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của TS. Phùng Đình Bảo (Đại học Kinh tế Quốc dân).
Ông Bảo cho rằng, nên tận dụng bối cảnh hiện nay để củng cố chính sách dài hạn, hơn là theo đuổi mục tiêu ngắn hạn, đó là ổn định vĩ mô, thay vì cố theo đuổi mục tiêu tăng trưởng.
Từ góc độ này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nửa cuối năm 2020, cần đẩy nhanh và thực hiện quyết liệt các gói hỗ trợ đã đưa ra. “Thông điệp là phải cực kỳ quyết liệt, vướng cái gì thì phải sửa ngay”, ông nói.
Ông Lực nhận xét, Việt Nam có thể chấp nhận thâm hụt ngân sách 5,2 - 5,4% trong năm nay. Về tăng trưởng tín dụng, đến hết tháng 6/2020 mới chỉ đạt 3,63%, bằng khoảng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
“Con số này so với quốc tế thì không tệ, đứng 4/12 nước mà tôi có số liệu và tháng sau tăng mạnh so với tháng trước. Tuy nhiên, cần tăng tín dụng cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm nay đạt 9 - 10%”, ông Lực khuyến nghị.