Bối cảnh kinh tế thế giới đang đổi thay nhanh chóng
Nhiều năm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008 - 2009), tăng trưởng kinh tế thế giới phục hồi tương đối chậm, không đều và chưa thực sự vững chắc.
Căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực đã ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến và triển vọng kinh tế thế giới. Các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc, đối mặt với rủi ro suy giảm kinh tế kéo dài. Đà phục hồi tăng trưởng kinh tế chỉ rõ hơn ở một số nước phát triển (như Mỹ, khu vực đồng euro...) trong năm 2017 - 2018.
Tuy nhiên, những nhận định, dự báo về xu hướng “bình thường hóa” tiền tệ, thắt chặt tài chính ở các thị trường phát triển đã bị đảo ngược chỉ trong vài tháng đầu năm 2019.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có một số lần điều chỉnh tăng lãi suất vào các năm 2017, 2018. Đầu năm nay, các dự báo phổ biến đều nhìn nhận Fed có thể có thêm tối đa 1 lần tăng lãi suất trong năm nay, khi kinh tế Mỹ đã phục hồi vững chắc hơn. Tuy nhiên, khảo sát của Wall Street Journal trong tháng 2/2019 cho thấy, xác suất suy thoái trong năm 2019, 2020 và 2021 ở Mỹ lần lượt là 24,53%; 45,7% và 39,1%. Theo đó, lộ trình điều chỉnh lãi suất của Mỹ được cân nhắc thận trọng hơn.
Khảo sát của Hãng thông tấn Reuters trong thời gian từ ngày 11 đến 14/3/2019 cũng cho thấy, 55% ý kiến dự báo, Fed sẽ tăng lãi suất ít nhất 1 lần trước quý IV/2019. Sau cuộc họp giữa tháng 3/2019, Fed đã ra thông điệp về việc lãi suất hầu như không tăng thêm trong năm nay. Tuy nhiên, số liệu kinh tế quý I/2019 khá tích cực ở Mỹ đã khiến Fed bỏ ngỏ khả năng có thể tăng lãi suất thêm lần nữa trong năm 2019.
Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí leo thang khá nhanh ở một số thời điểm. Mỹ có mặt ở hầu hết các “điểm nóng” về căng thẳng thương mại. Sau khi tạm “hòa hoãn” trong 4 tháng đầu năm, Mỹ và Trung Quốc đã thể hiện những động thái cứng rắn. Việc Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc vào ngày 10/5 có thể là động thái gây áp lực với Trung Quốc khi hai nước đang đàm phán. Nhưng động thái đó (và phản ứng tiếp theo của Trung Quốc) cũng cho thấy, những bất đồng trên bàn đàm phán còn khá nhiều.
Mỹ và Trung Quốc vẫn còn khả năng đạt được thỏa thuận thương mại, dù khó khăn hơn và có thể mất thời gian hơn. Diễn biến tiếp theo của chiến tranh thương mại vẫn rất khó đoán định, bởi mấu chốt của xung đột không chỉ ở vấn đề thương mại.
Đáng lưu ý, nhiều nền kinh tế lớn khác (như Nhật Bản, EU...) chưa có động thái chính sách mạnh mẽ để ứng xử với diễn biến căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ năm 2018.
Một giả thuyết ở đây là, các nền kinh tế này vẫn muốn tiếp tục theo dõi tình hình và không muốn hành động quá sớm, phòng khi tình hình có thể xấu đi hoặc đảo chiều.
Các nỗ lực thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế quốc tế trở nên khó khăn hơn. Cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được đề cập nhiều hơn, song còn nhiều bất đồng. Lãnh đạo cấp cao của các nền kinh tế thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã khẳng định quyết tâm hoàn thành đàm phán hiệp định này vào năm 2019, nhưng thực tế, đàm phán chưa tiến triển như mong đợi. Cạnh tranh địa chiến lược giữa các siêu cường kinh tế ở khu vực Đông Nam Á cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thiết kế và đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA). Xu hướng này càng đặc biệt rõ hơn ở các vấn đề mới, như thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ...
Do vậy, quyết định tham gia mỗi FTA đang trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là với các nước đang phát triển. Việc một số thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chưa phê chuẩn hiệp định này là một minh chứng tiêu biểu.
Trong bối cảnh đó, cách mạng công nghiệp 4.0 lại có diễn biến nhanh chưa từng có, với sự hội tụ của nhiều công nghệ đột phá. Kinh tế số liên tục có những chuyển biến nhanh và sâu sắc, với ảnh hưởng thực tế và tiềm năng không nhỏ đối với phương thức tăng trưởng và phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.
Chẳng hạn, công nghệ blockchain đã được ứng dụng nhiều hơn trong không ít công đoạn của hoạt động thương mại. Vấn đề dịch chuyển dữ liệu xuyên biên giới cũng được các diễn đàn quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, những chuyển biến nhanh này cũng đặt ra không ít khía cạnh mới về chủ quyền chính sách và cạnh tranh giữa các quốc gia. Bản thân các công nghệ mới có thể làm các diễn biến kinh tế thế giới được truyền tải nhanh và mạnh hơn đến các nền kinh tế, song cũng có thể thay đổi cách thức mà các nền kinh tế áp dụng để phòng ngừa và ứng xử với các diễn biến này.
Vận hội mới, yêu cầu mới
Những xu thế trên có thể mang lại một số cơ hội quan trọng cho Việt Nam. Với việc thực hiện CPTPP và chờ phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam vẫn còn cơ hội để cải thiện đáng kể việc tiếp cận thị trường xuất khẩu, qua đó tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc về rủi ro căng thẳng thương mại giữa nước này và Mỹ có thể là “cơ hội vàng” để Việt Nam tham gia mạnh mẽ hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, mức tăng thực tế có thể cao hơn nếu Việt Nam có những cải cách thể chế kinh tế thực chất và thu hút đi kèm với hấp thụ được những dự án đầu tư có chất lượng. Gia tăng hàng rào kỹ thuật đối với thương mại ở nhiều thị trường có thể buộc doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng thích ứng và đổi mới khoa học - công nghệ. Chính ở đây, nếu kịp thời ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 ở những lĩnh vực như logistics, tài chính, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công…, thì sẽ giúp giảm chi phí và cải thiện khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn phải đáp ứng một số yêu cầu không mới, song cũng không dễ.
Thứ nhất, Việt Nam phải xử lý hài hòa yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh thương mại thế giới có nhiều bất định. Nếu chính sách ứng phó thiếu linh hoạt, Việt Nam có thể rơi vào suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, Việt Nam phải xử lý hiệu quả tác động chuyển hướng thương mại từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Trong đó, các trọng tâm có thể là xử lý rủi ro tấn công an ninh mạng gắn với thương mại điện tử và việc sàng lọc các dự án đầu tư nước ngoài phù hợp.
Thứ ba, Việt Nam phải tiếp tục trao đổi với các đối tác khác (như Nhật Bản, Australia, EU...) để chia sẻ về đánh giá bối cảnh kinh tế hiện nay và kinh nghiệm ứng phó với các rủi ro liên quan.
Kiên trì cải cách kinh tế là yếu tố sống còn
Kể từ quý III/2018, mối quan tâm chính sách trong nước chủ yếu tập trung vào đánh giá và ứng xử với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Môi trường kinh doanh dù có thêm chuyển biến và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, song ít nổi bật hơn. Lo ngại về việc “mượn cớ” tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, ứng phó với các diễn biến bất lợi trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc... để giảm đà, thậm chí trì hoãn cải cách môi trường kinh doanh không phải là không có cơ sở.
Các kịch bản ứng phó với bối cảnh thế giới bất định được xây dựng trong năm 2018 và quý I/2019 bước đầu tỏ ra hữu dụng, song Việt Nam vẫn cần thêm các kịch bản mới liên quan đến căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, khả năng phê chuẩn EVFTA, tốc độ chuyển đổi số…
Tinh tế, thực dụng hơn trong lộ trình chuẩn bị cho các FTA mới là cần thiết, song việc các FTA này ít được nhìn nhận với vai trò thúc đẩy cải thiện thể chế kinh tế hơn cũng đặt ra rủi ro cải thiện thể chế kinh tế có độ “vênh” với các chuẩn mực quốc tế.
Bối cảnh thế giới bất định hơn cũng đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng nhiều kịch bản ứng phó hơn. Cập nhật và cân nhắc các kịch bản điều hành cùng với hệ thống thông tin dự báo/cảnh báo kịp thời vẫn là nền tảng quan trọng, nhưng cần bình tĩnh điều hành, tránh bị cuốn theo những diễn biến nhanh và quá mức của thị trường tài chính.
Chính ở đây, tư duy “làm thay thị trường” càng tỏ ra không phù hợp, đặc biệt khi chứng kiến sức sống và sự linh hoạt của không ít doanh nghiệp tư nhân trong thời gian qua. Ngược lại, tiếp tục thay đổi tư duy và kiên trì với cải cách chính là yếu tố sống còn.
Việt Nam có điều kiện và cơ hội để có thể bắt kịp, đi cùng và vượt lên các nước trong cách mạng công nghiệp 4.0. Bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất định không làm giảm cơ hội, mà chỉ thử thách quyết tâm và niềm tin đối với cải cách kinh tế của Việt Nam. Muốn cải thiện năng suất và vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, Việt Nam không còn con đường nào khác là phải “nhân đôi” nỗ lực, để vừa ứng xử hiệu quả với bất định của kinh tế thế giới, vừa duy trì đà cải cách kinh tế trong nước.n
(*) Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương