Chỉ số Sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1/2023 ước giảm 14,6% so với tháng trước đó và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Đức Thanh.
“Phát lộ” khó khăn
Dù mọi so sánh đều khập khiễng, bởi tháng 1/2023 là tháng Tết, trong khi năm ngoái, Tết rơi vào tháng 2, song các chỉ số kinh tế vĩ mô của tháng 1/2023 mà Tổng cục Thống kê vừa công bố đều cho thấy, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn không nhỏ.
Dễ thấy nhất là sản xuất công nghiệp sụt giảm đáng kể. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, Chỉ số Sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 ước giảm 14,6% so với tháng trước đó và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do Tết Nguyên đán diễn ra trong tháng 1/2023, nên số ngày làm việc ít hơn 8-10 ngày so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Tết Nguyên đán, thậm chí là hai kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Âm lịch là nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho sự sụt giảm của hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô của tháng 1/2023.
Đây cũng đã điều vẫn diễn ra mỗi khi các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 1 và tháng 2 của tất cả các năm được công bố. Mọi sự so sánh so với tháng trước hay cùng kỳ năm trước đều không phản ánh hết tình hình, do năm thì Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1, năm lại rơi vào tháng 2. Con số chung của 2 tháng mới cho thấy hết được xu hướng của nền kinh tế, thuận lợi hay khó khăn, so với cùng kỳ các năm trước.
Tuy vậy, năm nay, câu chuyện có thể hơi khác. Chính Tổng cục Thống kê sau khi cho biết, IIP tháng 1/2023 so với cùng kỳ năm trước giảm ở 30 địa phương và tăng ở 33 địa phương trên phạm vi cả nước, mà lại giảm chủ yếu ở các địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp lớn, như TP.HCM (giảm 21,4%), Đồng Nai (giảm 15,7%), Vĩnh Phúc (giảm 28,7%), Bình Dương (giảm 17,4%)…, cũng đã nhắc đến chuyện “đơn hàng giảm”.
Trên thực tế, xu hướng sụt giảm đơn hàng đã xuất hiện từ quý IV/2022, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, nhiều đối tác kinh tế lớn của Việt Nam lâm vào cảnh khó khăn, tiêu dùng giảm. Đơn hàng giảm thì sản xuất cũng giảm là điều dễ hiểu. Do đó, IIP đã giảm. Trong đó, IIP của riêng ngành chế biến - chế tạo đã giảm tới 9,1% so với cùng kỳ năm trước và làm giảm 7 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Đơn hàng giảm thì xuất khẩu cũng khó tăng. Đó là lý do, trong tháng đầu năm, nền kinh tế đã ước có thặng dư thương mại 3,6 tỷ USD, song tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chỉ đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3% so với tháng trước đó và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước đó và giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tháng 1/2023, khi công bố số liệu về Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tháng 12/2022, với điểm số chỉ đạt 46,4 điểm, tiếp tục giảm so với con số 47,4 điểm của tháng 11/2022, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trong tháng 12/2022, một phần do nhu cầu khách hàng giảm ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Trung Quốc, EU và Mỹ.
Thiếu đơn hàng dẫn đến cả sản xuất và xuất khẩu đều sụt giảm. Đó là điều dễ hiểu. Nhưng trong hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô của tháng 1/2023, còn có một chỉ số khác cho thấy những khó khăn của nền kinh tế. Đó là chỉ trong tháng đầu năm, đã có tới gần 43.900 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 34.994 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Điều đáng nói là, trong tháng 1/2023, chỉ có 10.800 doanh nghiệp thành lập mới. Cộng thêm 15.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, thì tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng đầu năm 2023 cũng chỉ là 25.900 doanh nghiệp, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước và có khoảng cách khá xa so với con số 43.900 doanh nghiệp rút lui.
Điều đó cho thấy, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Quý IV/2022 là thời điểm hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn, do thiếu đơn hàng, dòng tiền cũng cạn kiệt dần sau 3 năm chịu tác động nghiêm trọng của Covid-19. Và bây giờ, câu chuyện đang tiếp diễn.
Một trong những khó khăn dễ thấy nhất là sản xuất công nghiệp sụt giảm đáng kể khi Chỉ số Sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 ước giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn. |
Đối mặt với thách thức
Chuyện kinh tế 2023 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đã được dự báo từ lâu và những khó khăn đó đã bắt đầu “phát lộ” từ quý IV/2022. Đó cũng là câu chuyện không riêng của Việt Nam.
Bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào ngày đầu tiên của năm 2023 đã đưa ra nhận định rằng, đối với phần lớn nền kinh tế thế giới, năm 2023 sẽ là một năm khó khăn, khó khăn hơn cả năm 2022. Nguyên nhân là các nền kinh tế lớn trên thế giới, như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đều đang trong giai đoạn giảm tốc. Thậm chí, sẽ có tới 1/3 nền kinh tế trên thế giới lâm vào suy thoái trong năm nay.
Từ quý cuối năm ngoái, khi các thị trường xuất khẩu, đối tác lớn bị thu hẹp, đơn hàng xuất khẩu giảm, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đã có doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm, cho nghỉ Tết sớm…
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chỉ đạt khoảng 2,7% trong năm 2023, thấp hơn con số 2,9% được đưa ra hồi tháng 7/2022.
Kinh tế thế giới khó khăn, kinh tế Việt Nam không thể đứng ngoài “vòng xoáy” đó. Các chỉ số kinh tế vĩ mô của quý IV/2022 và tháng đầu năm 2023 đã cho thấy điều đó. “Bất định”, “phức tạp”, “khó lường” là các cụm từ gần đây được nhắc đến rất nhiều, không phải chỉ trong nhận định về kinh tế toàn cầu, mà cả với Việt Nam.
“Dự báo sản lượng công nghiệp của Việt Nam chỉ tăng 6,8% trong năm 2023, thấp hơn so với năm 2022”, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence đánh giá.
Nếu sản xuất công nghiệp giảm tốc, tăng trưởng kinh tế cũng sẽ giảm tốc. Có lẽ, lường trước các khó khăn này, khi xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2023, Chính phủ chỉ đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay. Tuy nhiên, việc đạt được con số này cũng là một thách thức lớn.
“Rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng, xung đột Nga - Ukraine kéo dài và sự đứt gãy chuỗi cung ứng nhiều hàng hóa cơ bản, xu hướng liên minh đối đầu - trả đũa giữa các siêu cường gia tăng... sẽ là những nhân tố tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế năm 2023”, công bố báo cáo về Triển vọng kinh tế 2023 mới đây, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nói như vậy.
Theo báo cáo này, có hai kịch bản kinh tế được CIEM xây dựng.
Cụ thể, ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47%, xuất khẩu tăng 7,21% và thặng dư thương mại đạt 5,64 tỷ USD.
Ở kịch bản 2, tăng trưởng 6,83%, xuất khẩu tăng 8,43% và thặng dư thương mại đạt 8,15 tỷ USD.
Cả hai kịch bản trên đều tiệm cận và cao hơn mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 mà Quốc hội đã quyết nghị. Tuy nhiên, trong khi chuyện tăng trưởng bao nhiêu trong năm nay vẫn là vấn đề dài hơi hơn, thì trước mắt, nền kinh tế đang đối mặt với hàng loạt thách thức, trong đó, thiếu đơn hàng, dòng tiền cạn kiệt là nỗi lo lớn nhất.
“Tình trạng thiếu đơn hàng đã bắt đầu từ tháng 9/2022 và có thể kéo dài đến hết quý I/2023, thậm chí đến giữa năm 2023”, đại diện Bộ Công thương nói và cho biết, tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với các mặt hàng như gỗ, viên nén gỗ, các mặt hàng thủy - hải sản xuất khẩu.
“Đơn hàng đối với các mặt hàng thủy - hải sản đang giảm sâu, trong khi chi phí đầu vào vẫn tăng cao, khiến nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công”, vị đại diện này nói.
Không chỉ là nông, lâm, thủy sản, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, bao gồm cả thiết bị điện tử, điện thoại - vốn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong những năm gần đây - cũng đang chững lại.
“Nhiều kỳ vọng đang đặt vào Trung Quốc, khi thị trường này mở cửa trở lại. Tuy nhiên, tình hình lại có thể khó khăn hơn. Các doanh nghiệp Trung Quốc đang lùng sục các đơn hàng mới, trong khi sức cạnh tranh của họ rất lớn, cả về đơn hàng và giá cả”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định và cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể tạo thuận lợi cho đầu vào, nhưng lại gây khó khăn cho đầu ra.
Lời giải cho bài toán trên được các nhà hoạch định chính sách chỉ ra là tận dụng nhiều hơn các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), để mở rộng các thị trường xuất khẩu, như Australia, Canada…
Còn lời giải cho bài toán thúc tăng trưởng kinh tế năm 2023, được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra, là trông vào các động lực đầu tư công, từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, từ những nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… Đó là cách để kinh tế Việt Nam có thể đối mặt và từng bước vượt qua thách thức!