Kinh tế vĩ mô: Người trong cuộc bi quan?

Kinh tế vĩ mô: Người trong cuộc bi quan?

(ĐTCK) Theo Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam 11 tháng năm 2013 mà Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) vừa công bố, mặc dù sản xuất được cải thiện, nhưng nền kinh tế vẫn còn khó khăn. Mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm 2013 dự kiến chỉ bằng năm 2012 (5,8%) và thấp hơn so với các năm 2010 - 2011.

Số lượng DN tạm ngừng hoạt động tăng so với cùng kỳ năm ngoái (11 tháng tăng 8,4%) và tổng số vốn đăng ký thành lập mới của DN giảm (11 tháng giảm 15,4%). Trong hoạt động xuất khẩu, DN trong nước tăng trưởng thấp hơn nhiều (tăng 3,6%) so với khu vực FDI (23,5%)…

Còn theo Báo cáo dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô năm 2014 và một số đề xuất, kiến nghị của Trung tâm Nghiên cứu BIDV, triển vọng tăng trưởng của năm 2014 có phần khả quan hơn năm 2013, song nền kinh tế chưa thể lấy lại được đà tăng trưởng nhanh. Tăng trưởng GDP 2014 dự kiến đạt 5,5 - 5,6%, chỉ cao hơn khoảng 0,3 điểm phần trăm so với năm 2013.

Thứ nhất, sức cầu của nền kinh tế yếu và hồi phục chậm, thể hiện cả ở phía cầu tiêu dùng và cầu đầu tư. Thứ hai, ưu tiên chính sách điều hành năm 2014 của Chính phủ tiếp tục đặt trọng tâm vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý và tái cơ cấu nền kinh tế. Thứ ba, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước dự toán năm 2014 chỉ tăng ở mức 2,9%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,3% năm 2013 và 24,5% năm 2012. Chi ngân sách giảm sẽ là yếu tố giảm hỗ trợ tăng trưởng của năm 2014.

Về triển vọng kinh tế năm tới, một lãnh đạo UBGS nhận xét: “Chưa thấy triển vọng phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm 2014”.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác của các nhà đầu tư nước ngoài, các đối tác phát triển tại Diễn đàn DN Việt Nam và Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam 2013, lại khá lạc quan.

Ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho biết, sự ổn định kinh tế vĩ mô đạt được trong năm 2013 của Việt Nam được đánh giá rất cao, cần được duy trì trong tương lai, với sự hỗ trợ của các hành động chính sách kiên định và nguồn dự phòng được củng cố.

Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, ông Sato Motonobu cho rằng, yêu cầu đối với Việt Nam là tốc độ và sự thực thi chính sách. Việc thực hiện đến bao giờ và theo thứ tự ưu tiên nào là khá quan trọng. Cơ hội để mở rộng thị trường hơn nữa sẽ được nâng cao khi các Hiệp định Thương mại tự do “Asean+1”; TPP và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được hoàn thành.

“Nếu như Việt Nam thực sự muốn cải cách, các DN Nhật Bản sẵn sàng hợp tác. Chúng tôi mong muốn Việt Nam xác định cụ thể bản thân Việt Nam muốn trở thành một đất nước như thế nào. Không thể làm tốt tất cả, mà phải xem xét rõ ràng nên làm gì, nên loại bỏ gì”, ông Sato Motonobu nói.

Còn ông Steven Winkelman, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Các thành viên của AmCham tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong khu vực ASEAN đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc với tư cách là nhà sản xuất. Các thành viên của AmCham cũng luôn đặt niềm tin vào lợi thế dân số và nguồn tiêu thụ hàng hóa dồi dào của Việt Nam”.

“Tôi lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam”, ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc ANZ (Việt Nam) chia sẻ.    

>>Kinh tế vĩ mô: Nhiều lo toan trong các báo cáo  

>>Bức tranh kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm