Dòng tiền có dấu hiệu quay trở lại thị trường, thể hiện ở thanh khoản trên sàn HOSE đã trở lại mức trên dưới 120 triệu cổ phiếu/phiên trong 3 phiên gần nhất. Những thông tin kinh tế vĩ mô trong nước và diễn biến tích cực của TTCK thế giới những ngày gần đây đã hỗ trợ cho nhịp tăng giá ngắn hạn của thị trường.
Ngân hàng HSBC (Việt Nam) phối hợp cùng với Công ty Markit Economics vừa công bố Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 10/2014. Theo đó, chỉ số PMI toàn phần được điều chỉnh theo mùa - một chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất - giảm nhẹ từ mức 51,7 điểm trong tháng 9 xuống 51 điểm trong tháng 10, tuy vậy vẫn báo hiệu sự cải thiện tổng thể trong điều kiện hoạt động của lĩnh vực này.
Đơn đặt hàng mới tăng trong tháng thứ 2 liên tiếp, do doanh thu xuất khẩu tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 6 tháng qua. Giá đầu vào tiếp tục tăng trong tháng 10, nhưng ở mức thấp nhất kể từ tháng 6/2013.
Ngày 3/11, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nâng bậc xếp hạng nhà phát hành tiền tệ dài hạn (IDR) của Việt Nam từ mức B+ lên BB- và chuyển triển vọng từ Tích cực sang Ổn định. IDR của Việt Nam được nâng hạng lên BB- do môi trường kinh tế ổn định được cải thiện, cán cân vãng lai cải thiện (dự kiến đạt thặng dư 4,1% GDP trong năm 2014, tiến đến năm thứ tư thặng dư liên tiếp), rủi ro nợ công tuy cao nhưng vẫn trong tầm kiểm soát; khu vực ngân hàng thiếu vốn để chống đỡ rủi ro và cải cách doanh nghiệp Nhà nước chưa thuyết phục.
Việc nâng hạng tín nhiệm cho thấy, Fitch đánh giá tích cực quá trình ổn định và phục hồi kinh tế của Việt Nam, theo đó, giúp nâng cao uy tín của Việt Nam khi huy động vốn trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tuyên bố mở rộng gói kích thích kinh tế và TTCK Mỹ phản ứng tích cực với việc FED chính thức kết thúc gói QE3 đã giúp sắc xanh bao trùm lên TTCK toàn cầu trong những ngày gần đây và ảnh hưởng tích cực đến giao dịch ròng của khối ngoại. Theo thống kê của VPBS, trong 5 phiên giao dịch gần đây nhất, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng trên HOSE, với giá trị 377,1 tỷ đồng.
VN-Index sẽ tích lũy trong biên độ 585-605 điểm
Sau khi phục hồi từ ngưỡng hỗ trợ 580 điểm, tạo bởi đường trung bình động 200 ngày (MA200), chỉ số VN-Index đã có một tuần tăng điểm khá ấn tượng. Tuy vậy, sau khi chạm vùng 605 điểm vào ngày 3/11, việc các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, PVD, VCB, MSN, GAS… giảm giá trong phiên giao dịch 4/11, đã kéo chỉ số VN-Index đi xuống.
Chỉ số sàn HOSE giảm 0,79% đóng cửa tại 598,39 điểm, phủ nhận toàn bộ các nỗ lực vượt qua vùng kháng cự 600 điểm, tạo bởi các đường trung bình động MA20 và MA100 ngày mà VN-Index đã thiết lập được trong phiên giao dịch đầu tuần. Động thái này của VN-Index cho thấy, thị trường có vẻ như chưa sẵn sàng cho một xu hướng tăng điểm trung hạn mới.
Sau phiên giảm điểm hôm qua, chúng tôi nhìn thấy khả năng điều chỉnh giảm của VN-Index trong những phiên giao dịch cuối tuần. Chỉ số này có thể cần kiểm tra sự hỗ trợ của vùng 593-595 điểm, tạo bởi đường trung bình động MA10 ngày hoặc thậm chí có thể kiểm tra lại vùng hỗ trợ mạnh hơn tại 585-590 điểm.
VN-Index sẽ tiếp tục quá trình tích lũy trong biên độ 585-605 điểm những phiên tới. Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm lạc quan với xu hướng trung hạn của thị trường và đánh giá nhịp giảm điểm (nếu có) là cơ hội để nhà đầu tư mua vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt.