Là người “xuyên” qua nền kinh tế tuyến tính và tiếp tục cùng doanh nghiệp bắt tay vào nền kinh tế “xanh tuần hoàn”, bà Vũ Kim Hạnh, người sáng lập, đồng thời là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao trao đổi với chúng tôi về vấn đề này.
Là một chứng nhân của 35 năm Đổi mới, bà nhận thấy những ưu - khuyết, bất cập nào của nền kinh tế tuyến tính trước đây?
Việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức, nhưng xu hướng lớn nhất của kinh tế thế giới hiện nay là kinh tế xanh, tiết kiệm tài nguyên, giảm hẳn rác thải, bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Đó chính là nội dung của kinh tế tuần hoàn và cũng là “con đường sống” của chúng ta nếu muốn xanh hóa lại nền kinh tế và giữ lại môi trường, thiên nhiên tươi đẹp cho các đời sau.
- Bà Vũ Kim Hạnh
Có thể nói, cùng với phát triển kinh tế, chúng ta đã có quãng thời gian dài trong nền kinh tế tuyến tính - tức khai thác, sản xuất hàng hóa từ tài nguyên thiên nhiên, tiêu thụ, sau đó thải ra môi trường.
Thực trạng này đã làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, mất đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái, phát thải các chất độc tàn phá môi trường. Thực tế rừng tự nhiên của chúng ta là ví dụ điển hình cho sự khai thác tài nguyên dẫn tới mảng xanh bị sụt giảm. Hiện độ che phủ ở nước ta chưa đến 40%, diện tích rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 10%. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ các hiện tượng thiên tai, bão lũ, cháy rừng.
Đó là chưa nói, nạn khai thác nước ngầm hay cát sỏi đáy sông gây đảo lộn môi trường xung quanh các dòng sông, sụt lún, sạt lở đất đai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nguồn thủy hải sản giảm sút. Tình trạng này diễn ra nhiều ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam thu mua, chế biến phụ phẩm của nhiều loại thủy hải sản, cây trái nhiệt đới để làm những sản phẩm mới mẻ, bán trở lại Việt Nam rất tốt. Ví dụ, họ thu mua phụ phẩm của con cá tra mà nhà máy làm phi lê của ta bỏ đi, như đầu, da, vây, xương, mỡ..., rồi chế "snack da cá phô mai", làm đồ hộp. Một công ty xuất khẩu cá tra lớn khác, 8 năm trước đã chiết xuất collagen, gelatin từ da cá bằng công nghệ cao, sản xuất dược, mỹ phẩm…
Khi phế phẩm trở thành đầu vào của một dòng sản phẩm mới, sự tuần hoàn được khởi động, mang lại giá trị kinh tế cao và tiết kiệm lớn tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Thực tế đó cho thấy nhu cầu bức bách phải thúc đẩy việc xây dựng, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Là người sáng lập, kiêm Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, “chèo lái” doanh nghiệp trẻ theo mô hình “kinh tế xanh”, lại là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), bà nhìn nhận hiệu quả và cả tồn tại của kinh tế tuần hoàn ở các nước phát triển ra sao?
Gần đây, các chính sách của châu Âu về nền kinh tế tuần hoàn tiếp tục phát triển. Năm 2015, Ủy ban châu Âu thông qua một kế hoạch hành động để thúc đẩy châu Âu chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Tháng 12/2019, Thỏa thuận Xanh châu Âu đã đưa ra lộ trình để chuyển đổi nền kinh tế châu Âu sang một nền kinh tế xanh hiện đại, hiệu quả về sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Các nước Hà Lan, Pháp, Đức, Ý, Luxembourg, Bỉ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đã có những bước đi mạnh mẽ vào kinh tế tuần hoàn. Trong đó, Hà Lan mong muốn năm 2050 trở thành quốc gia có nền kinh tế 100% dựa trên mô hình tuần hoàn, với các hành động và chiến lược trong quản lý tài nguyên, sản phẩm, dịch vụ hiệu quả.
Pháp đã có Luật Chuyển đổi năng lượng cho tăng trưởng xanh từ năm 2015, đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng này. Luật Chống lãng phí trong nền kinh tế tuần hoàn cũng đã được thông qua vào tháng 2/2020…
Dù mỗi nước có mục tiêu, giải pháp khác nhau, nhưng kết quả thực hiện mô hình này là khá rõ: giảm chất thải; tiết kiệm và nâng hiêu quả sử dụng tài nguyên, mang lại lợi ích kinh tế đáng kể và quan trọng hơn là bảo vệ được môi trường và thiên nhiên.
Theo bà, đâu là những rào cản đối với mô hình đòi hỏi thực hiện nghiêm ngặt này?
Một nghiên cứu của Thụy Điển được thực hiện năm 2017 cho thấy, các rào cản thường liên quan lĩnh vực tài chính, cấu trúc, hoạt động, thể chế và công nghệ. Qua thực tế khảo sát việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, có thể chia làm 2 loại rào cản.
Thứ nhất là rào cản đối với tổ chức, doanh nghiệp, gồm: giá nguyên vật liệu thay đổi thường xuyên; các nguồn nguyên liệu thứ cấp có chất lượng tốt thì giá không cạnh tranh được; các yếu tố tác động từ bên ngoài tới xã hội và môi trường không được xem xét trong tính toán giá cả; hầu hết các nhà quản lý, đầu tư vẫn đang làm việc theo logic nền kinh tế tuyến tính và đôi khi đầu tư phải được trả trước; nhu cầu về các sản phẩm tuần hoàn và các sản phẩm thay thế vẫn còn nhỏ; chưa có nhiều chuyên gia đủ trình độ, kiến thức về kỹ thuật, công nghệ thông tin - truyền thông để thực hiện đúng và tốt mô hình kinh tế tuần hoàn.
Thứ hai là rào cản thể chế, như: các mô hình kinh doanh mới khó thực hiện khi các luật và quy định chưa được chuẩn bị đầy đủ; việc tạo ra các liên minh mới khó khăn, cần có thời gian; cơ quan quản lý vẫn tập trung vào việc tạo ra giá trị ngắn hạn, trong khi mô hình này nhằm tạo ra giá trị dài hạn; chỉ số GDP không xem xét các yếu tố bên ngoài xã hội và môi trường, không khuyến khích việc tạo ra giá trị trong cả hai lĩnh vực này.
Với thực tiễn Việt Nam, có những khó khăn nào khi áp dụng kinh tế tuần hoàn, thưa bà?
Quán tính lâu dài của chúng ta là dễ dãi trong việc thâm dụng tài nguyên và trong xả thải. Thay đổi thói quen này vô cùng khó, nhưng tình hình đã đến mức không thể chậm hơn, vì đã quá muộn.
Tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta lần đầu tiên đưa mô hình này vào định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, nhưng vẫn có cơ quan xây dựng luật để thực thi mà chưa “tái chế tư duy”. Điển hình mới đây là dự thảo quy định các loại bao bì như thùng carton, thủy tinh, giấy nhôm... có giá trị thương mại bị cho là rác thải. Các doanh nghiệp âu lo trước kiểu tư duy này, vì họ không chỉ bị mất một khoản thu khi bán hay dùng lại làm đầu vào một quá trình sản xuất mới, mà còn phải đóng phí tái chế, làm tăng giá thành sản phẩm.
Ngành công nghiệp tái chế của chúng ta còn khá phôi thai, nên còn rất nhiều việc phải làm, từ thay đổi tư duy cho đến tổ chức hành động.
Từ xa xưa, nông dân Việt Nam đã sử dụng các cây trồng rất đắc dụng, không bỏ một món nào như trường hợp cây dừa, cây dứa, cây lúa, cây sen. Nghĩa là, ta đâu xa lạ với kinh tế tuần hoàn? Việc áp dụng có thể khơi lại những cách ứng dụng rất phổ biến này?
Một chủ doanh nghiệp nông nghiệp lớn đã nói với tôi: “Có cái gì của cây dừa Bến Tre mà dân bỏ đâu! Hàng trăm sản phẩm từ cây dừa Bến Tre và sự sáng tạo của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long có thể là đề tài của 50 luận án tiến sĩ cho những nhà khoa học muốn làm kinh tế tuần hoàn suy ngẫm”.
Tuy nhiên, để kinh tế tuần hoàn được thực thi như một chủ trương cấp quốc gia, thì cần đặt nền tảng căn cơ, vững chãi, chứ không thể tùy khả năng từng cá nhân. Các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng mô hình này gồm khoa học - công nghệ, hạ tầng, chất lượng nhân lực, thể chế, quy chuẩn, chính sách. Các nhân tố này liên quan nhiều quy định về quản lý đất đai, tài chính, tài nguyên, nguồn nhân lực.
Cần lưu ý, quy định về tiêu chuẩn xuất khẩu đối với các mặt hàng đi ra thị trường thế giới hay các chứng nhận sản xuất sạch (hữu cơ, sinh thái) sẽ ảnh hưởng lớn đến việc chuyển đổi sang các mô hình sản xuất sạch hơn, trong đó có các mô hình sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn. Một số hiệp định giữa Việt Nam và quốc tế như EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 với khoảng 85% loại thuế quan được cắt giảm sẽ tác động rất lớn lên sản phẩm khi hội nhập.
Vì vậy để “đi đường dài”, quan trọng hàng đầu là cần xây dựng lộ trình triển khai cụ thể, ban hành các quy chế, tiêu chuẩn và đầu tư đúng mức cho con người liên quan đến kinh tế tuần hoàn.