Chỉ có điều, các bước xoay trở này đang cần thêm sự hậu thuẫn bởi môi trường lành mạnh, tư duy quản lý nhà nước hiện đại, chấp nhận cái mới để bứt phá.
Bài 2: Nơi niềm kiêu hãnh đặt chân
Nguyên tắc của khu vực kinh tế tư nhân là... phải sống, phải tìm cách tồn tại. Không công bằng nếu buộc lên vai họ tất cả gánh nặng tạo nên sự phồn vinh của đất nước. Nhưng, nhiều doanh nhân đã chọn đặt niềm kiêu hãnh của dân tộc trên con đường tìm kiếm lợi nhuận.
Cái bắt tay từ tâm
Trên sân khấu trang trọng, ấm cúng của buổi ký kết hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Delta và Crystal Bay vào tháng 4/2019, ông Trần Nhật Thành, Chủ tịch Delta Group đứng lặng trong giây lát trước khi bắt đầu phần phát biểu của mình. Những hình ảnh đẹp hiếm có của viên pha lê trong cát của Ninh Thuận, kế hoạch nối các miền di sản, đánh thức những danh thắng đẹp hàng đầu thế giới trên đất nước với niềm tự hào và khao khát mọi người Việt đều phải biết, thế giới phải đến để tận hưởng… thấm đẫm trong bài nói của người đứng đầu một tập đoàn xây dựng.
“Tôi ở đây bởi cảm nhận được những chất chứa trong con người ông Chi (ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Tập đoàn Crystal Bay - PV). Tôi bị thuyết phục. Là tổng thầu, chúng tôi sẽ bàn giao một sản phẩm đẳng cấp, xứng tầm với quy mô và tiêu chuẩn của dự án. Đó là đương nhiên. Nhưng, chúng tôi sẽ làm để du khách đến đây nghỉ không chỉ thấy Việt Nam đẹp, thân thiện, mà còn thấy được lương tâm, trách nhiệm và cả khát vọng của những người Việt đã đổ mô hôi ở công trình này”, ông Thành nói, không nhìn vào bài phát biểu được chuẩn bị trước.
Trước buổi lễ ký kết trên khoảng 3 tuần, ông Thành đã có buổi nói chuyện với ông Chi. Trong chỉ một buổi gặp, hai người đứng đầu hai doanh nghiệp đã quyết định trở thành đối tác chiến lược, bắt đầu bằng Dự án Tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang tại Ninh Thuận.
Trong giới nhà thầu Việt, Delta Group là một cái tên đáng kể, đi cùng với những thương hiệu, công trình lớn Keangnam Hanoi Landmark, Lotte Center Hanoi, Bitexco Financial Tower, Royal City... Về quy mô, Delta Group nằm vị trí 152/500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2018, theo Bảng xếp hạng VNR 500 do Vietnam Report công bố.
Ông Thành biết rất rõ và tự hào về điều đó. Ông cũng không giấu cảm giác kém mặn mà trước cuộc gặp với người đứng đầu Crystal Bay, doanh nghiệp mà ông nghĩ chỉ là một doanh nghiệp lữ hành, dù nổi tiếng trong giới với các chuyến bay charter đưa khách Nga đến Nha Trang, Phú Quốc.
“Hóa ra, họ đang làm rất nhiều việc, đang làm rất thật, rất vất vả nhiều năm nay rồi, vì ham muốn trình diễn vẻ đẹp của Việt Nam với du khách thế giới. Tôi sẽ đi cùng, vì tâm ý của họ cũng là tâm ý của tôi, của những người Việt”, ông Thành chia sẻ.
Ở phía dưới sân khấu, khuôn mặt của ông Nguyễn Đức Chi đầy cảm xúc. Với giới du lịch, ông Chi là một nhân vật... hảo hán. Chuyện của ông gắn với Dự án Rusalka một thời có thể trở thành một thiên tiểu thuyết ăn khách. Nhưng ông Chi chưa bao giờ muốn nhắc lại quá khứ nhiều đau thương, những trải nghiệm mà ông nói không ai muốn có.
“Ơn trời, tôi đang được làm niềm đam mê của mình, với nhiều người, dù thuận lợi hay khó khăn, sẽ vẫn hết sức để làm”, ông Chi khẽ chia sẻ, khi trên sân khấu, đối tác chiến lược mới của ông vẫn đang nói về giấc mơ chung của những doanh nhân Việt.
Cuộc chơi lớn của “những niềm kiêu hãnh”
Không phải bỗng nhiên một người vốn nguyên tắc, thẳng thắn như ông Thành lại dành thời gian để nói về khát vọng ngay trong buổi làm việc với đối tác.
Phải thừa nhận, con đường lớn lên của doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam còn rất nhiều điều phải bàn. Môi trường kinh doanh tranh tối, tranh sáng kéo dài, cơ chế xin - cho, thủ tục hành chính rối rắm đã tạo dư địa cho những người biết xoay sở, biết quan hệ, hơn là các doanh nghiệp chọn con đường đi lên bài bản, minh bạch, quản trị tốt.
Thậm chí, ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright còn cho rằng, sự lớn nhanh bất thường của một số doanh nghiệp lớn còn hơn cả mức độ của Cheabol Hàn Quốc và đó là một rủi ro lớn đối với kinh tế Việt Nam.
Nhưng nếu nhìn vào sự phát triển vũ bão của Phú Quốc, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang...; sự trỗi dậy mạnh mẽ của giới khởi nghiệp, sự chuyển mình của hàng loạt doanh nghiệp tư nhân lớn vào những ngành, những lĩnh vực mang lại sự phát triển dài hạn, có thể thấy cuộc chơi đang thay đổi.
“Khi ông Chi nói muốn giới thiệu với thế giới một Việt Nam đầy đủ hơn, rằng Việt Nam phải có tên trên bản đồ du lịch châu Á và thế giới, tôi tin và chia sẻ điều này. Tôi cũng đang muốn khẳng định rằng, nhà thầu Việt không thua kém nhà thầu nước ngoài, kể cả nhân lực và công nghệ. Chúng tôi còn hơn họ ở quyết tâm phải làm, làm bằng được những công trình đẹp, bền vững trên đất nước mình, như Conteccons cùng với Vingroup xây nên toà nhà cao nhất Việt Nam - Vincom Center Landmart 81. Họ chưa bao giờ làm những công trình như vậy, nhưng đã cùng nhau làm vì niềm tự hào và kiêu hãnh”, ông Thành trân trọng nói.
Công trình mang biểu tượng của bó tre Việt Landmart 81 chắn chắn là một câu chuyện để kể, không phải bởi đây là biểu tượng mới của TP.HCM đang phát triển, mà đó còn là biểu trưng cho khát vọng vươn tầm thế giới của người Việt.
Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Coteccons từng tiết lộ trên báo chí rằng, năm 2014, khi tham gia dự thầu công trình Vincom Center Landmart 81, Conteccons lép vế vì báo giá cao và chưa có kinh nghiệm làm tòa nhà trên 60 tầng. Đối thủ của Conteccons khi đó là Lotte và SsangYong (Hàn Quốc). Nhưng, cuộc điện thoại trong đêm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng với ông Dương đã thay đổi cục diện. “Ông ấy muốn một nhà thầu Việt Nam làm công trình này. Tôi hiểu ý nghĩa sâu xa của đề nghị này”, ông Dương chia sẻ.
Conteccons đã trở thành nhà thầu của siêu dự án với phần móng có kết cấu lớn nhất thế giới, khối lượng bê tông khổng lồ lên đến 16.000 m3, có thể sánh ngang Petronas Twin Tower tại Malaysia và Burj Khalifa, Dubai, UAE..., với tâm ý, không phải vì lỗ hay lãi, mà vì bộ mặt của dân tộc.
Lan tỏa giấc mơ lớn hơn
Khán phòng 300 chỗ kín người suốt 4 tiếng đồng hồ. Các doanh nhân trẻ đến trao đổi với ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch U&I Group và ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Công ty cổ phần Thế giới di động về chủ đề “Doanh nghiệp Việt, làm sao lớn”. Diễn đàn do Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng tổ chức theo đặt hàng của hội viên.
Ông Tín đang sở hữu và đầu tư tại 56 công ty ở rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực; ông Tài nắm chuỗi 2.400 cửa hàng vừa được định giá 1,5-2 tỷ USD, họ không nề hà bất cứ câu hỏi nào từ những doanh nhân đang háo hức với các cơ hội kinh doanh mở rộng.
Họ nói với nhau về kinh nghiệm kinh doanh, cách tiếp cận quỹ đầu tư, cách mua bán doanh nghiệp, cách tư duy, cách sống, cách dùng người và cả về giá trị của sự chính trực trong kinh doanh. Họ cũng nói với nhau rằng, không có cơ hội bỗng chốc biến thành rồng.
Trong diễn đàn trên và nhiều cuộc làm việc tương tự giữa các doanh nghiệp, doanh nhân lớn với giới trẻ, khởi nghiệp, không ai bàn về khái niệm thế nào là doanh nghiệp lớn, Việt Nam có bao nhiêu doanh nghiệp lớn... Họ cũng không bàn về tỷ lệ bất thường của cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam, với chỉ khoảng 2% doanh nghiệp quy mô lớn, 1,7% doanh nghiệp quy mô vừa, đa phần còn lại là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ - một thực tế không thay đổi nhiều năm nay.
Ngay cả sự đóng góp chỉ khoảng 10% GDP của khu vực doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với 33% tỷ trọng GDP mà khu vực hộ kinh doanh đang tạo ra có đáng tin hay không, như nhiều lời bàn trong giới nghiên cứu, cũng không phải là mối quan tâm của những người kinh doanh.
“Chúng tôi học lẫn nhau và học từ các doanh nghiệp giỏi hơn trên toàn cầu. Thấy cái gì hay thì mang về áp dụng một cách bài bản, linh hoạt với thị trường Việt Nam, chứ không thể ngồi một chỗ mà tưởng tượng ra được. Tôi tin là càng nhiều doanh nghiệp so được mình với phần còn lại của thế giới thì càng tốt cho nền kinh tế nước nhà”, ông Tín chia sẻ.
Có lẽ, đây là câu trả lời sinh động nhất cho câu hỏi lâu nay của giới nghiên cứu, rằng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khó lớn hay không muốn lớn.
Chuyện tàu Bưởi
Năm 1909, cụ Bạch Thái Bưởi bước vào lĩnh vực kinh doanh được gọi là vùng cấm với người Việt, đó là kinh doanh vận tải đường sông. Cụ đã mua lại một số tàu hàng Pháp, tham gia tuyến đường thủy Nam Định - Hà Nội, Nam Định - Bến Thủy - tuyến mà các hãng tàu nổi tiếng của người Pháp và người Hoa lúc bấy giờ giữ thế độc quyền. Họ đã liên minh với nhau để loại hãng tàu non trẻ của cụ Bưởi bằng cuộc chiến giá cả.
Khi đứng bên bờ vực phá sản bởi sự cạnh tranh của cá lớn với cá bé, cụ Bạch đã nghĩ đến thứ vũ khí mà đối thủ không có, đó là tinh thần dân tộc. Cụ cho rằng, mình là người Việt, kinh doanh trên đất nước mình, phục vụ đồng bào mình thì cớ sao người Việt Nam lại không ủng hộ mình?
Trong vòng 6 năm, tàu Bưởi và tinh thần dân tộc mà cụ Bạch Thái Bưởi truyền bá đã bắt các đối thủ bỏ cuộc chơi… Cụ đã dám làm những việc trước đó không người Việt Nam nào dám nghĩ, với niềm tin mãnh liệt “sự nghiệp kinh doanh của mình trên đất nước mình, xung quanh là đồng bào mình, chắc chắn là thắng lợi”.
(Còn tiếp)