Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Kinh tế tư nhân chính là kinh tế của toàn dân

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư nhân Đại hội Đảng lần thứ XII, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một trong các đại biểu dự Đại hội cho biết, ông muốn khẳng định rõ vị trí động lực của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế.

Trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, lần đầu tiên, kinh tế tư nhân đã được nhắc đến là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Là Chủ tịch VCCI, chắc hẳn đây tiếp tục là nội dung mà ông quan tâm?

Điều đầu tiên tôi muốn nói là, khi Văn kiện của Đảng chính thức ghi nhận “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế” và “tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, đây sẽ là thông điệp vô cùng quan trọng thúc đẩy toàn dân làm kinh tế, thúc đẩy thể chế bảo vệ các hoạt động kinh doanh của người dân, vì có thể hiểu rằng, kinh tế tư nhân chính là kinh tế của toàn dân.

Sau 30 năm đổi mới, chúng ta đã trải qua chặng đường đầu tiên đầy khó khăn là chấp nhận kinh tế thị trường là cơ chế vận hành của nền kinh tế. Hệ thống thể chế, luật pháp đã dần hoàn thiện theo hướng này.

Hiện tại, có thể nói, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn thứ hai, đó là vận hành nền kinh tế thị trường đầy đủ. Văn kiện cũng đã xác định mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế hiện đại và hội nhập quốc tế.

Trong giai đoạn này, với sân chơi mới, luật chơi mới, khu vực kinh tế tư nhân, cụ thể là doanh nghiệp tư nhân, sẽ là người chơi chủ yếu và sẽ là động lực cho phát triển kinh tế.

Có thể hiểu cụ thể vai trò động lực mà ông nhắc đến như thế nào?

Hãy nhìn vào những đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân với nền kinh tế. Tính đến năm 2013, khu vực này đóng góp 45% GDP, 39% vốn đầu tư thực hiện trong khu vực doanh nghiệp, 33% thu ngân sách và tạo ra 62% việc làm trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Các con số đó tiếp tục tăng lên. Trong giai đoạn 2014 - 2015, tỷ trọng trong GDP của khu vực doanh nghiệp tư nhân có thể chiếm trên 50%, trong khi tỷ trong này của khu vực doanh nghiệp nhà nước đang trong chiều hướng giảm cùng với quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra mạnh mẽ.

Đặc biệt, tôi tin rằng, khu vực kinh tế tư nhân sẽ gánh vác sứ mệnh tạo ra việc làm cho nền kinh tế, khi mà chúng ta đang chuyển từ sản xuất tiểu nông sang phương thức sản xuất hiện đại, lao động sẽ rút từ nông nghiệp chuyển sang các khu vực khác. Với tỷ lệ dự kiến chỉ còn 40% lao động trong nông nghiệp vào năm 2020, so với tỷ lệ gần 50% trong số 52 triệu lao động hiện tại, thì những năm tới, ít nhất sẽ có khoảng 5 triệu lao động được giải phóng khỏi khu vực nông nghiệp.

Cùng với đó, giai đoạn tới cũng là giai đoạn tinh giản bộ máy nhà nước khi dịch vụ công sẽ được chuyển sang khu vực thị trường. Doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ không phải là nơi giải quyết nhiều lao động trong thời gian tới, khi cổ phần hóa được đẩy mạnh.

Nhưng vẫn có tới 98% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, trong đó 96% là nhỏ và siêu nhỏ. Một nền kinh tế đang phát triển theo hướng hiện đại không thể chỉ trông vào các doanh nghiệp li ti, thưa ông?

Muốn có một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân hùng hậu, có năng lực cạnh tranh, tạo việc làm cho người dân, mang lại phồn thịnh cho quốc gia, thì điều kiện cần và đủ là phải có nền tảng thể chế thân thiện, an toàn cho họ làm ăn, kinh doanh.

Dù đã có những bước đi dài đầy tích cực, cải cách thể chế vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Trong Văn kiện Đại hội cũng nhận định, chưa thật sự phát huy quyền tự do kinh doanh của người dân theo quy định của hiến pháp, pháp luật.

Các cuộc khảo sát gần đây của VCCI cho thấy, doanh nghiệp tư nhân càng lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao; doanh nghiệp quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều. Đó là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên được.

Lâu nay, chúng ta vẫn nói nhiều đến một môi trường kinh doanh thuận lợi, nhưng đó mới là một vế. Vế quan trọng còn lại trong cơ chế kinh tế thị trường là sự an toàn của môi trường kinh doanh, an toàn về sở hữu, an toàn trong quan hệ với Nhà nước, có tranh chấp thì cũng phải đảm bảo được xử lý công bằng với một nền tư pháp mạnh. Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mở ra cơ hội kinh doanh, nhưng nếu Bộ luật Hình sự vẫn còn nặng nề thì không thể thúc đẩy sự dấn thân vào kinh doanh của người dân.

Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang có bảo bối là Nghị quyết 09-NQ/TW của Đảng về phát triển doanh nghiệp tư nhân, Hiến pháp 2013 với hiến định về quyền đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nhân, doanh nghiệp.

Khi Văn kiện Đại hội Đảng XII ghi nhận vai trò động lực của kinh tế tư nhân, tôi tin sẽ có cuộc cách mạng mới về tư duy, thống nhất tư tưởng và hành động trong hệ thống chính trị, cũng như xã hội trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế như Văn kiện đã ghi. Chắc chắn, khi đó, khu vực kinh tế tư nhân sẽ thực sự là nòng cốt, đi đầu trong nền kinh tế.

Tin bài liên quan