Tại Diễn đàn Thường niên về Quản trị công ty lần thứ 7 (AF7) do Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức ngày 5/12, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng VinaCapital đánh giá, nhà đầu tư có vẻ đang quá lo lắng về rủi ro thuế quan ở Việt Nam sau khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng.
Tuy nhiên, ông Michael Kokalari nhấn mạnh, không có gì đáng lo lắng, Việt Nam sẽ đi ra khỏi thách thức này thành công.
Trong thời gian vận động tranh cử, ông Donald Trump cho biết sẽ áp 60% thuế nhập khẩu từ Trung Quốc và 10 - 20% với các quốc gia còn lại. Nhưng nếu Trump chính thức áp thuế, con số thực tế có thể không phải là 10 – 20%. Để đi đến quyết định cuối cùng về thuế cần có sự đàm phán và các quốc gia sử dụng dụng thuế quan như công cụ để đưa sản phẩm chất lượng cao.
“Với các quốc gia cạnh tranh với Việt Nam, nếu tất cả các quốc gia có mức thuế như nhau thì vẫn có dòng vốn đầu tư sang Việt Nam và Việt Nam vẫn là nơi thuận lợi”, ông Michael Kokalari nói.
Mặt khác, Mỹ muốn thu hút khoản đầu tư trở lại Mỹ. Nhưng các ngành mà doanh nghiệp của Mỹ muốn đưa về nước là các sản phẩm công nghệ cao, tinh vi. Trong khi các nghề của Việt Nam là sản xuất, lắp ráp hàng hoá điện tử, tiêu dùng - không phải những công việc Mỹ muốn đưa về nước, nên không bị ảnh hưởng từ chính sách của Mỹ.
Mỹ cũng muốn đưa các công việc lương cao về lại Mỹ, nhưng lương nhà máy tại Mỹ gấp 10 lần tiền lương ở Việt Nam, và Mỹ cũng không đủ công nhân lành nghề.
Đơn cử, Công ty sản xuất bán dẫn ở Đài Loan (Trung Quốc) như TSMC mở rộng sản xuất ở nhiều quốc gia, nhưng sản phẩm ở Nhật Bản có sự thành công hơn Mỹ vì Mỹ không tìm được công nhân lành nghề, mà việc đưa người về Mỹ là vấn đề rất lâu dài.
“Việt Nam có thể sản xuất các sản phẩm ở đây, trong khi đưa về Mỹ thì quá đắt đỏ. Nhìn chung, Mỹ muốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc và tìm đến các quốc gia thân thiện hơn về ngoại giao, trong đó Việt Nam đang ở thế thuận lợi khi đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam không phải mục tiêu thuế suất mà là quốc gia thân thiện của Mỹ”, ông khẳng định và nói thêm, Trump không phải rủi ro lớn cho Việt Nam.
Năm 2024, hai động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam là sản xuất chế biến chế tạo và du lịch hồi phục mạnh. Nhưng sang năm 2025, bên cạnh hai ngành trên vẫn là điểm nhấn, 3 ngành gồm: bất động sản, đầu tư công, tiêu dùng sẽ là những động lực mới.
Trong đó, bất động sản đang có sự nóng lên, tỷ lệ căn hộ trống thấp, nhu cầu người dân cao. Ngoài ra, vấn đề pháp lý cũng có những điểm mới tích cực, kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Về cơ sở hạ tầng, ông Michael Kokalari nhắc đến một số đường truyền tải điện hoàn thành với tốc độ đáng chú ý, điển hình là công trình đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối chỉ hoàn thành sau 6 tháng thần tốc, trong khi trước đây các dự án cần thời gian dài như: Vũng Áng – Pleiku (4 năm), Pleiku - Cầu Bông (3 năm).
Cuối cùng, khi bất động sản và cơ sở hạ tầng cùng phát triển sẽ thúc đẩy cả ngành tiêu dùng phát triển. Kỳ vọng GDP 2025 của Việt Nam sẽ đạt 6,5%.
Về tiềm năng dài hạn, ông Michael Kokalari cho biết hiện tại mảng chế tạo tại Việt Nam đóng góp 25% cho nền kinh tế. Trong khi đó, các quốc gia được ví như "con hổ" châu Á như Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc có tỷ lệ là 30 - 35% GDP, cho thấy tỷ lệ của Việt Nam sẽ ngày càng tăng.
Khi mảng sản xuất gia tăng, người lao động sẽ có những công việc với mức lương tốt hơn, từ nông trại sang nhà máy. Tầng lớp nghèo có thể trở thành tầng lớp trung lưu, hoặc là một phần trong quá trình đô thị hóa. Thực tế, việc đô thị hóa tại Việt Nam mới chỉ đạt 40%, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và các quốc gia khác.
Cuối cùng, FDI đang đổ vào mảng sản xuất chế biến chế tạo của Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam đang nằm trong quỹ đạo thân thiện với Mỹ và mối quan hệ tốt với Trung Quốc nên sẽ tiếp tục thu hút FDI trong thời gian tới.