Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất trắc, lạm phát neo cao, rủi ro bất ổn tài chính ngân hàng khiến ngân hàng trung ương các nước thận trọng hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Các tổ chức quốc tế cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023: IMF (01/2023): 2,9%; WB (01/2023): 1,7%; trong khi dự báo lạm phát toàn cầu năm 2023 được điều chỉnh tăng: IMF (01/2023): 6,6% (trước đó dự báo 6,5%) và 4,3% năm 2024 (trước đó là 4,1%).
10 ngân hàng trung ương của 10 nền kinh tế phát triển lớn (Mỹ, Canada, New Zealand, Anh, khu vực Eurozone, Australia, Na Uy, Thuỵ Điển, Thuỵ Sỹ và Nhật Bản) đã nâng lãi suất tổng cộng hơn 30% trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh nhất từ trước đến nay. Trong đó, Nhật Bản là nền kinh tế duy nhất đứng ngoài cuộc.
Ngay cả trong bối cảnh khủng hoảng ngành ngân hàng Mỹ nổ ra, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn quyết định nâng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp tính tới tháng 3/2023, khiến lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate) tăng lên mức 4,75-5%. Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell đưa ra những phát biểu hàm ý rằng Fed có thể đang tiến gần tới đoạn kết của chu kỳ thắt chặt, nhưng ông vẫn nhấn mạnh: “Giảm lãi suất là chuyện không nằm trong kịch bản chính của chúng tôi” trong thời gian còn lại của năm 2023.
Trong khi đó tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước lại ban hành một loạt quyết định giảm các loại lãi suất điều hành. Trong đó, lãi suất tái cấp vốn giảm 0,5%; trần lãi suất huy động giảm 1%; lãi suất cho vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng cho một số lĩnh vực giảm 0,5%.
Bên cạnh đó, Chính phủ còn đề ra 2 kịch bản kinh tế, trong đó kịch bản 2 đầy tham vọng khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý II là 6,7%, quý III và quý IV tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9%. ADB cũng đồng tình với kịch bản 2 này, bởi trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2023, ADB đã dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm nhẹ xuống mức 6,5% trong năm nay và tăng lên 6,8% trong năm 2024.
Tại buổi họp báo công bố Báo cáo ADO vào sáng 4/4, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ bị hạn chế do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và khối lượng lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm 2023, cùng với việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những bất lợi này.
Còn về việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, ông Andrew Jeffries nhận xét, Việt Nam đã đối mặt với những khó khăn, thách thức trong năm 2022 rất tốt. Việt Nam cũng có mức lãi suất tương đối là thấp so với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh các công cụ quản lý rất linh hoạt và thực hiện quản lý tỷ giá rất hiệu quả. Điều này đưa Việt Nam đến một vị trí thích hợp để có thể nới lỏng chính sách tiền tệ.
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng ADB bổ sung thêm, hiện tại mặc dù Fed một mặt tăng lãi suất, nhưng mặt khác lại thực hiện cả nới lỏng định lượng (tức là bơm tiền ra). Trong khi đó, năm 2022, Fed vừa thắt chặt chính sách tiền tệ vừa thắt chặt định lượng. Có thể thấy được sự mâu thuẫn trong chính các quyết định của Fed khi cơ quan này đang đứng giữa ngã ba đường, lựa chọn giữa an toàn hệ thống hay kiềm chế lạm phát.
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng ADB phát biểu tại buổi họp báo. |
Vào thời điểm 2022, tất cả các ngân hàng trung ương đều có chung mục đích là kiểm soát lạm phát nên hành động của ngân hàng này có thể tác động tới các ngân hàng khác. Ngoài ra, với các nước như Việt Nam thì còn mục đích nữa là hạn chế tác động của việc đồng USD tăng giá sẽ gây lạm pháp, áp lực lên hoạt động nhập khẩu. Nhưng sang năm 2023, đã bắt đầu xuất hiện sự khác biệt trong mục đích.
Việt Nam đang phải đối mặt với 3 sức ép, sức ép thứ nhất là các yếu tố bên ngoài và những gió ngược. Sức ép thứ hai là về thị trường vốn, nguy cơ không kiểm soát được thị trường vốn. Cho dù nó rất nhỏ, nhưng nó đã lan sang ngành bất động sản, ngân hàng thì nguy cơ xảy ra rủi ro an toàn hệ thống là có thể xảy ra. Sức ép thứ ba là về mặt lao động khi hiện nay đang có sự sụt giảm rất mạnh với tỷ lệ thất nghiệp tăng.
Dòng vốn đang bị tắc nghẽn khiến cho lĩnh vực bất động sản và xây dựng chịu tác động rất mạnh khiến cho nguồn lao động trong ngành này bị ảnh hưởng. Việt Nam có số lượng lao động trong ngành xây dựng chiếm 9,26% tổng lực lượng lao động, có tỷ lệ cao nhất so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, nguồn lao động trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là mảng công nghiệp, chế biến, chế tạo cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi lượng đơn đặt hàng xuất khẩu sụt giảm, ông Cường chia sẻ.
Trước những sức ép lớn như vậy, theo ông Cường, rõ ràng mục đích của Việt Nam nên chuyển hướng nhanh sang hỗ trợ tăng trưởng nên việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất là rất hợp lý, điều này sẽ giúp hỗ trợ cho thị trường vốn và giải toả bớt các sức ép kể trên. Điều này cũng làm Việt Nam trở thành nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ.