Tháng 3/2022, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 5 - 5,5%, nhưng thực tế chỉ đạt 30%, do Omicron - biến thể mới của virus gây ra đại dịch Covid-19 xuất hiện, dẫn tới các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cung - cầu nền kinh tế.
Sau khi thay đổi chính sách “Zero Covid” vào tháng 12/2022, đặc biệt là từ giữa tháng 2/2023, kinh tế Trung Quốc dần hoạt động bình thường trở lại.
Năm 2023, Trung Quốc đặt ra mục tiêu GDP tăng khoảng 5%. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng trung bình 4,8% trong giai đoạn 2019 - 2022, có thể kỳ vọng nước này đạt mức tăng trưởng cao hơn. Thực tế, GDP năm 2023 của Trung Quốc được một số tổ chức dự báo tăng dưới 5%, nhưng không ít tổ chức khác dự báo ở mức cao hơn, như IMF (5,2%), OECD (5,3%), Morgan Stanley (5,7%), Societe Generale (5,8%).
Hơn nữa, Trung Quốc còn nhiều dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng. Trong lĩnh vực tiền tệ, Trung Quốc có thể hạ thấp cả yêu cầu dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng và lãi suất. Đối với chính sách tài khóa, có những lo ngại về tỷ lệ đòn bẩy cao, nhưng tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP vẫn thấp hơn đáng kể so với hầu hết các nền kinh tế phát triển. Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng GDP nhanh và tỷ lệ tiết kiệm cao, cho thấy vị thế tài chính của Trung Quốc mạnh hơn.
Trường hợp chính sách tài khóa mở rộng sẽ hữu ích trong việc hỗ trợ đầu tư. Mặc dù đóng góp của đầu tư vào tăng trưởng GDP suy giảm đáng kể trong giai đoạn 2010 - 2021, nhưng lại là động lực chính vào năm 2022. Năm ngoái, đầu tư vào bất động sản giảm 10%, nhưng đầu tư vào sản xuất và cơ sở hạ tầng tăng lần lượt 9,1% và 9,4%.
Năm 2023, kỳ vọng đầu tư bất động sản sẽ ổn định, đầu tư cơ sở hạ tầng được hỗ trợ về tài chính, trong khi đầu tư sản xuất sẽ phụ thuộc không nhỏ vào phát triển công nghiệp và công nghệ.
Tuy nhiên, một trở ngại có khả năng xảy ra là sự gia tăng lạm phát, như đã xảy ra ở phần lớn các quốc gia trên thế giới.
Trong thập kỷ qua, tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc rất thấp, với chỉ số giá tiêu dùng tăng trung bình dưới 2%, nhưng đại dịch đã giáng một đòn mạnh vào năng lực sản xuất và việc cải thiện chuỗi cung ứng cũng như loại bỏ các nút thắt cổ chai trong sản xuất có thể mất thời gian. Do đó, nguồn cung có thể không theo kịp với sự gia tăng nhu cầu đi kèm với việc mở cửa trở lại. Kết quả, sự mất cân đối sẽ khiến lạm phát tăng trong năm nay.
Lạm phát cao hơn sẽ cản trở khả năng của Trung Quốc trong việc thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng. Ưu tiên chính sách là ổn định tăng trưởng, nên Trung Quốc có thể chịu tỷ lệ lạm phát cao hơn 2 - 3%. Đạt được sự cân bằng phù hợp giữa tăng trưởng và ổn định giá cả sẽ là một thách thức chính đối với Chính phủ Trung Quốc trong năm nay. Mặc dù vậy, nếu sử dụng tối ưu chính sách tài khóa và tiền tệ, đồng thời kiên định theo đuổi cải cách và mở cửa, thì Trung Quốc có thể đảm bảo rằng, năm 2023 sẽ là một năm rất tốt.
Trong bối cảnh đó, Sui Pengfei, người đứng đầu bộ phận hợp tác quốc tế tại Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á nên tận dụng triệt để các chính sách của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc.
Dalian Infobank, một nhà cung cấp dữ liệu thương mại của Trung Quốc, hồi tháng 2/2023 ước tính, xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước thành viên RCEP đóng góp 16,78% vào tăng trưởng GDP năm 2022, cao hơn nhiều so với mức 5,89% năm 2021 (trước khi RCEP có hiệu lực).
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vừa công bố, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3/2023 ở mức 51,9, giảm so với mức 52,6 của tháng 2, nhưng vẫn ở trên mốc 50, cho thấy sự mở rộng sản xuất. Đặc biệt, chỉ số phi sản xuất - đo lường các hoạt động ở cả lĩnh vực dịch vụ và xây dựng đã tăng lên 58,2, mức cao nhất kể từ tháng 5/2011.
Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management nhận xét, chỉ số PMI cho thấy sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang đi đúng hướng. Sự hồi phục mạnh mẽ này có thể tiếp diễn trong những tháng tới.