Kinh tế Trung Quốc có thể đi xuống do mất niềm tin vào bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
Giới phân tích quốc tế cho rằng, việc mất niềm tin vào lĩnh vực bất động sản có thể trở thành mầm bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc.
Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng tẩy chay vay thế chấp khi người mua nhà ở khắp 22 thành phố từ chối trả các khoản vay thế chấp ở các dự án nhà ở chưa hoàn thành. Ảnh: AFP

Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng tẩy chay vay thế chấp khi người mua nhà ở khắp 22 thành phố từ chối trả các khoản vay thế chấp ở các dự án nhà ở chưa hoàn thành. Ảnh: AFP

Các bình luận trên được đưa ra sau khi "quả bom nợ" bất động sản China Evergrande Group không thực hiện được kế hoạch tái cơ cấu nợ 300 tỷ USD như đã cam kết vào cuối tuần trước.

Trong hồ sơ gửi lên Sàn Giao dịch chứng khoán Hong Kong, Evergrande cho biết tập đoàn này đã thiết lập "những nguyên tắc sơ bộ" cho việc tái cơ cấu các khoản nợ nước ngoài. Evergrande cũng cho biết một trong những công ty con của họ - Evergrande Group (Nanchang) - đã buộc phải trả 7,3 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,08 tỷ USD) cho một đơn vị bảo lãnh giấu tên vì không tuân thủ các nghĩa vụ nợ.

"Đối với chính quyền (Trung Quốc), ưu tiên là phá vỡ vòng luẩn quẩn tiêu cực với tỷ lệ đòn bẩy cao và sự suy giảm thanh khoản của các nhà phát triển bất động sản", ông Shuang Ding, chuyên gia kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc và Bắc Á tại Standard Chartered bình luận trên đài CNBC.

"Điều đó khiến người mua nhà tẩy chay thế chấp và nhu cầu mua suy giảm, và tác động ngược trở lại chủ đầu tư khiến doanh số bán hàng sụt giảm, ảnh hưởng đến tính thanh khoản", ông Ding nhận định.

Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng tẩy chay trả nợ vay thế chấp khi người mua nhà ở khắp 22 thành phố từ chối trả các khoản vay thế chấp ở các dự án nhà ở chưa hoàn thành. "Vì vậy, nếu vấn đề này không được xử lý đúng cách, nó sẽ có tác động sâu sắc đến nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm bảng cân đối kế toán của chính phủ, bảng cân đối kế toán của các ngân hàng và các hộ gia đình", ông Ding lưu ý.

Chuyên gia của Standard Chartered đánh giá rằng các vấn đề của ngành bất động sản Trung Quốc đang đe dọa nền tảng quan trọng của một nền kinh tế vững chắc - niềm tin thị trường.

Chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của chính quyền cấp tỉnh ở Trung Quốc, nhưng doanh thu bán đất đã giảm 30% trong năm qua.

Để tránh các vụ vỡ nợ hàng loạt, ông Ding khuyến nghị Trung Quốc cần khắc phục các vấn đề của ngành bất động sản và giải quyết chúng một cách tổng thể, thay vì theo cách tiếp cận từng phần.

Theo bà Dan Wang, chuyên gia kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc tại Ngân hàng Hang Seng, chính phủ Trung Quốc có thể khắc phục vấn đề của ngành bất động sản bằng cách hỗ trợ các công ty đang gặp khó khăn có đủ tiền để hoàn thành dự án nhà ở dang dở hoặc hoàn thành dự án đã mở bán.

Theo đài CNBC, Bộ chính trị Trung Quốc tuần trước đã nhận định rằng nước này có thể bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm 2022, khi dữ liệu mới công bố cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc đã bất ngờ suy giảm trong tháng 7 sau khi phục hồi từ ảnh hưởng của các đợt phong tỏa chống dịch Covid-19 trong tháng 6.

Bà Sandra Chow, đồng Trưởng bộ phận Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại Công ty nghiên cứu tài chính doanh nghiệp CreditSights (Singapore) cho biết, mặc dù Trung Quốc đang rất quan tâm đến cuộc khủng hoảng bất động sản, nhưng vấn đề của Tập đoàn Evergrande khó có thể giải quyết sớm hoặc có thể không bao giờ được giải quyết.

"Tôi nghĩ sẽ mất nhiều thời gian để các nhà đầu tư có được niềm tin không chỉ vào Evergrande mà còn vào toàn bộ ngành bất động sản Trung Quốc", bà Chow nói.

Nữ chuyên gia của CreditSights đánh giá: "Thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn bất chấp đã có các biện pháp nới lỏng, và giá trị tài sản vẫn đang giảm, đặc biệt là ở các thị trường cấp thấp hơn. Vì vậy, sẽ rất khó để tạo dựng lại niềm tin".

Tin bài liên quan