Nhìn chung, viễn cảnh kinh tế thế giới đang tăm tối hơn cả những gì người ta suy đoán hồi giữa năm 2011.
Tâm điểm châu Âu
Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu trở nên tồi tệ hơn khi nguy cơ vỡ nợ lan sang cả Ý và Tây Ban Nha và giờ đây đang ập đến trước cửa nước Pháp. Khả năng hồi phục kinh tế ở các nước phát triển vẫn còn rất mơ hồ, còn các nền kinh tế mới nổi bắt đầu cảm thấy sức nặng đang ép lên đất nước mình.
Các nhà hoạch định chính sách đều lo lắng. Hồi tháng 9/2011, Christine Lagarde, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) liên tục cảnh bảo rằng, nền kinh tế thế giới đang bước vào một "thời kỳ nguy hiểm".
Đến tháng 12, bà nói rằng: "các nguy cơ đang lan rộng, viễn cảnh cho nền kinh tế thế giới đang xấu đi, và ở một vài điểm nào đó, nó chắc chắn sẽ xấu hơn cả những gì chúng ta dự tính".
Tâm điểm của nỗi lo đối với kinh tế thế giới hiện đang là cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, trong đó, rất nhiều nền kinh tế đang đứng bên bờ vực suy thoái. Rất ít người kỳ vọng, cuộc khủng hoảng sẽ phục hồi nhanh chóng.
Phần lớn các dự báo đều cho rằng, kinh tế của Khu vực đồng euro sẽ co cụm vào đầu năm 2012 và gần như đình trệ ở một số nước như Anh, hay các nước giáp với khu vực sử dụng đồng tiền chung.
Nỗi lo lớn nhất là cuộc suy thoái kinh tế sẽ đè nặng thêm lên các thị trường nợ quốc gia và hệ thống ngân hàng, khiến cho Khu vực rơi vào vòng xoáy gần giống với năm 2008 và dẫn tới khả năng sụp đổ của đồng euro.
Ở nước Mỹ, một khu vực kinh tế đại gia khác, hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng, nước này sẽ bước vào một cuộc tổng tuyển cử trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chậm chạp tiến lên. Dù tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm xuống và mức tăng trưởng của Mỹ vẫn cao hơn châu Âu, nhưng những cuộc khảo sát mới đây cho thấy, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế này sẽ vẫn rất thấp.
Rồi người ta lo ngại về khả năng ứng phó của các chính trị gia của các nền kinh tế phát triển. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế của các tổ chức tư nhân cũng dự đoán tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển cũng sẽ chậm lại do chính sách tăng thuế và các nỗ lực để trả nợ của các chính phủ.
Tuy nhiên, dù các dự báo cho năm 2012 rặt một màu xám xịt, không phải là không có những nơi tươi sáng. Ngay trong châu Âu, nước Đức lại vừa đạt được tỷ lệ người có việc làm cao kỷ lục - một minh chứng cho sự "miễn nhiễm" ở một mức độ nào đó của nước này đối với "dịch bệnh nợ công" của khu vực.
Hy vọng vào các nền kinh tế mới nổi
Bên cạnh đó, các nhà kinh tế nhìn chung vẫn cho rằng, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chỉ giảm 1% trong năm 2012 - giảm xuống 3% so với mức 4% trong năm 2011. Các nền kinh tế mới nổi được kỳ vọng sẽ đóng góp một phần lớn cho con số tăng trưởng này, khi mà quyền lực kinh tế thế giới đang dịch chuyển ngày một quyết liệt sang các nền kinh tế lớn thuộc khu vực kinh tế mới nổi.
Các chuyên gia nhận định rằng, các chỉ số cơ bản của các nền kinh tế này đang khá tốt, các công cụ hỗ trợ chính sách còn nhiều và niềm tin cũng có vẻ đang dần đi lên.
Nhưng điều đó không có nghĩa là các nền kinh tế này không có vấn đề. Trung Quốc, cho đến nay vẫn là thành phần quan trọng nhất, chiếm đến 40% tăng trưởng toàn cầu năm 2011, lại đang phải chật vật tìm cách hạ cánh an toàn - tức là đưa lạm phát về mức thấp 3 - 4% và vẫn đạt được con số tăng trưởng 8%.
Rủi ro lớn nhất của Trung Quốc là chính sách giảm lạm phát quá nhanh, khiến cho tăng trưởng bị đè nặng dưới sức ép của chính sách cắt giảm đầu tư của chính phủ và tình trạng xuất khẩu suy giảm.
Ở nhiều nơi trong khu vực các nền kinh tế mới nổi, kinh tế vẫn tăng trưởng song đà tăng đã chậm lại. Các nước phương Tây như Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang rất dễ bị tổn thương bởi cuộc khủng hoảng của khu vực, khiến các ngân hàng đang tìm cách thu hồi vốn về nước. Tăng trưởng ở Mỹ Latin cũng đang giảm xuống nhanh chóng.
Nhìn chung, nền kinh tế toàn cầu đang ở vào thế rất nguy hiểm khi mà các nước phát triển vẫn còn phải vượt qua một chặng đường dài để khôi phục từ cuộc khủng hoảng 2008 - 2009. Sau cuộc khôi phục khá tốt năm 2010, năm 2011 thực sự là cả một chuỗi thất vọng, còn năm 2012 là một năm khó lường.