Ông Lữ Quang Ngời, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vĩnh Long
Thưa ông, tỉnh Vĩnh Long đã đạt được kết quả ra sao trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019?
Năm 2019, mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và giám sát thường xuyên của Hội đồng Nhân dân tỉnh, nên kinh tế của tỉnh Vĩnh Long duy trì đà tăng trưởng, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 6,22%.
Các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của tỉnh Vĩnh Long cơ bản được hoàn thành, ước có 20/22 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước cả năm ước đạt 6.794 tỷ đồng, đạt 110,1% dự toán và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 14.117 tỷ đồng, đạt 102,29% kế hoạch và tăng 8,46% so với năm 2018.
Cùng với đó, tạo thêm việc làm mới cho 25.242 lao động, đạt 126,21% kế hoạch và tăng 8,82% so với năm 2018; thu nhập bình quân đầu người (theo giá thực tế) đạt 50,65 triệu đồng, tăng 2,55 triệu đồng so với năm 2018 (năm 2018 là 48,1 triệu đồng)...
Theo ông, đâu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế tỉnh Vĩnh Long năm 2019?
Trong các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh, sản xuất công nghiệp năm 2019 đã có sự bứt phá so với các năm trước và vượt kế hoạch đề ra. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) năm 2019 ước tăng 15,04% so với năm 2018, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất từ năm 2015 đến nay. Đó là kết quả từ sự nỗ lực của doanh nghiệp và sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành trong tháo gỡ khó khăn, đưa dự án vào hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành, tạo nhiều tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế địa phương.
Xuất khẩu cũng có sự tăng trưởng vượt bậc. Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm 2019 ước đạt 568,7 triệu USD, tăng 22,3% so với năm trước, đạt 121% kế hoạch năm và cao hơn mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu có quy mô lớn của tỉnh đều tăng với tốc độ khá cao, như giày da, hàng dệt may, hàng rau quả...
Về du lịch, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp thu hút đầu tư, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, xây dựng sản phẩm đặc thù kết hợp tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch, nhờ đó lượng du khách đến tỉnh Vĩnh Long ngày càng tăng. Trong năm 2019, tổng lượng du khách đến Vĩnh Long ước đạt 1,5 triệu lượt người, tăng 15% so với năm 2018 (trong đó, khách quốc tế đạt 215.000 lượt), doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 525 tỷ đồng, tăng 31% so với năm trước.
Tỉnh tiếp tục duy trì tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp, chú trọng đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, qua đó lợi thế của tỉnh dần được phát huy, hình ảnh môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và đăng ký thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Số lượng doanh nghiệp mới thành lập tiếp tục tăng khá và cao hơn cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, trong tháng 8/2019, UBND tỉnh đã tổ chức thành công Hội thảo xúc tiến đầu tư, góp phần quảng bá rộng rãi tiềm năng, lợi thế của tỉnh và cũng là dịp để các nhà đầu tư tiếp cận các dự án mời gọi đầu tư trọng điểm của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Long đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công cùng hệ thống các phần mềm đi vào hoạt động trong tháng 4/2019, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp, như thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long; triển khai Cuộc thi Ý tưởng, dự án khởi nghiệp năm 2019...
Định hướng phát triển kinh tế tỉnh Vĩnh Long trong năm 2020 được tỉnh đề ra như thế nào, thưa ông?
Trong năm 2020, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là chủ động, tích cực, phấn đấu cao để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm nói riêng và cả giai đoạn 2016 - 2020 nói chung với kết quả cao nhất có thể; đồng thời, chuẩn bị các điều kiện để xây dựng và triển khai kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 một cách có kế thừa, khoa học, khả thi cao, tạo động lực và đột phá mới.
Trước hết, tập trung thực hiện đồng bộ các chính sách vĩ mô, duy trì ổn định kinh tế. Thực hiện đúng theo định hướng của Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh đến năm 2020, giữ ổn định và thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2020 đạt 6,2%.
Đẩy nhanh cải cách thể chế và khơi thông các nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế. Tiến hành rà soát, tích hợp, hoàn thiện hoặc xây dựng mới các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án để thực hiện 3 khâu đột phá của tỉnh theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm: phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao hiệu quả của quá trình đô thị hóa, tăng cường kết nối giữa các đô thị và vùng phụ cận; phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tiếp tục nghiên cứu và kịp thời cụ thể hóa các cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là các bộ chỉ số về môi trường kinh doanh theo hướng dẫn của các bộ ngành, trung ương. Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI ) và Chỉ số Cải cách hành chính tỉnh (PAR index).
Tập trung xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt là giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án ngoài khu công nghiệp...