Từ bước ngoặt mang tính lịch sử, từ sự thành công của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là một bên tham gia đàm phán, đến sự đổ vỡ của bong bóng chứng khoán Trung Quốc châm ngòi cho những biến động kinh tế toàn cầu, giá dầu mỏ sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục của 7 năm, cho đến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần đầu tiên tăng lãi suất sau gần một thập kỷ…
2015: Nhiều điểm nhấn đáng chú ý
Trước hết, không thể không nhắc tới sự thành công của quá trình đàm phán TPP, một thỏa thuận thương mại lớn nhất từng được thông qua kể từ năm 1994. Các nền kinh tế TPP ước tính chiếm khoảng 40% kinh tế toàn cầu, sẽ tạo ra một khối kinh tế Thái Bình Dương mới, với các hàng rào thương mại được hạ thấp đối với hầu hết các mặt hàng, từ thịt bò, các sản phẩm từ sữa, hàng may mặc, cũng như thành lập các tiêu chuẩn và quy tắc mới về đầu tư, môi trường và việc làm.
TPP được dự đoán sẽ đem lại những cơ hội và cả thách thức cho các nền kinh tế thành viên, trong đó có Việt Nam. Theo kế hoạch, TPP có thể được ký kết trong quý I/2016 và chính thức có hiệu lực trong 18-24 tháng sau khi đàm phán hoàn thành.
Đối với các đầu tàu tăng trưởng của thế giới, Trung Quốc chính là một trong những nền kinh tế khiến báo giới tốn nhiều giấy mực nhất trong năm qua, đồng thời luôn là “điểm nóng” được giới đầu tư chứng khoán theo sát từng diễn biến. Câu chuyện đọng lại nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này trong năm 2015 có lẽ là sự bùng nổ rồi tan vỡ của bong bóng chứng khoán, tác nhân từng khiến các thị trường tài chính khác chao đảo.
Kinh tế thế giới năm 2016 được dự báo tăng trưởng 3,6%, cao hơn so với mức 3,1% của năm nay, theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), song khả năng quay về thời kỳ tăng trưởng mạnh và đồng bộ trên toàn cầu vẫn còn thấp.
Tâm lý “nôn nóng” mua vào và thu lợi trước sự bùng nổ của đầu cơ chứng khoán, nhất là từ hàng chục triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước tạo đà rất lớn cho thị trường và đẩy chỉ số chứng khoán tổng hợp Shanghai Composite Index thiết lập mức đỉnh của lịch sử trong ngày 12/6/2015. Tuy nhiên, hơn 2 tháng sau đó, gió đổi chiều và điều gì phải đến đã đến: bong bóng chứng khoán Trung Quốc vỡ.
Ngày “Thứ Hai đen tối” 24/8, hơn 800 mã cổ phiếu giảm kịch biên độ 10% và kéo chỉ số này xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007. Ước tính, 3.500 tỷ USD vốn hóa đã bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc trong tháng cao điểm đó.
Tâm lý hoảng loạn bao trùm chứng khoán Đại lục, buộc Chính phủ nước này phải nhanh chóng can thiệp bằng các biện pháp tâm lý như tạm thời cấm giao dịch chứng khoán, ngăn ngừa các hành vi bán khống, cũng như bơm thêm tiền để cứu thị trường.
Tác động của ngày “Thứ Hai đen tối” cũng khiến các quốc gia khác chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Chứng khoán châu Âu giảm điểm mạnh nhất kể từ năm 2008, trong khi chứng khoán Mỹ cũng lao dốc cực mạnh. Sau đợt suy giảm hồi tháng 8, thị trường chứng khoán Trung Quốc còn chứng kiến những cơn sốc chỉ số vào tháng 9 và tháng 11.
Trên thị trường tiền tệ, một điểm sáng thành công mà Bắc Kinh thu được là việc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã chấp thuận đưa đồng nhân dân tệ (NDT) vào rổ tiền tệ quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Đây được coi là sự công nhận của định chế tài chính này với nỗ lực cải cách tài chính từ Bắc Kinh, không chỉ tạo ra những thay đổi bước ngoặt trên thị trường tiền tệ quốc tế, mà còn giúp củng cố đáng kể vị thế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Việc IMF bỏ phiếu thông qua việc đưa đồng NDT trở thành đồng tiền dự trữ SDR, bên cạnh đồng USD, euro, bảng Anh và yên Nhật là kết quả sau nhiều năm vận động hành lang của Bắc Kinh để tìm kiếm sự công nhận này.
Thị trường hàng hóa thế giới những tuần cuối năm 2015 đón tin vui với người tiêu dùng, song lại là nỗi buồn với các nhà sản xuất dầu mỏ. Đúng như dự đoán, sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) kiên quyết không cắt giảm sản lượng trong phiên họp chính sách cuối năm, giá “vàng đen” liên tục trong tình trạng sụt giảm và có lúc chạm đáy của 11 năm, khi được giao dịch quanh ngưỡng 34 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2004. Như vậy, giá dầu thô đã giảm tới 70% so với mức đỉnh 114 USD/thùng vào hồi tháng 6/2014.
Bất chấp nguồn thu ngân sách của nhiều thành viên OPEC tụt dốc mạnh, sự kiên quyết của thể chế nắm phần lớn nguồn cung dầu thô của thế giới về việc giữ nguyên lượng khai thác để duy trì thị phần nhằm cạnh tranh với các đối thủ trực tiếp, đặc biệt là dầu đá phiến của Mỹ, đã khiến thị trường rơi vào tình cảnh cung vượt cầu nghiêm trọng.
Đó là còn chưa kể với việc Iran đang dự định quay trở lại mạnh mẽ thị trường dầu khí sau khi lệnh cấm vận của phương Tây được dỡ bỏ. Giới phân tích dự đoán, giá dầu sẽ vẫn ở mức thấp trong một vài năm tới và thị trường dầu mỏ tiếp tục trong tình trạng căng thẳng cho tới năm 2019.
Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới này tiếp tục phục hồi ổn định và đây cũng là đặc điểm quan trọng cho thấy xu hướng phục hồi tăng trưởng kinh tế của các khu vực và nền kinh tế trên thế giới hiện nay là không đồng đều. Đối với các nước công nghiệp phát triển, sự phục hồi của Mỹ mạnh hơn các nước Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, dẫn đến đồng USD lên giá so với các đồng tiền mạnh khác.
Trong khi Khu vực đồng tiền chung châu Âu phục hồi chậm chạp, còn Nhật Bản thì vất vả thoát khỏi suy thoái kinh tế, Mỹ tiếp tục cho thấy sự hồi sinh trên các khu vực kinh tế và thị trường lao động. Đây chính là tiền đề để Fed lần đầu tiên trong gần 10 năm qua quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên ngưỡng 0,25-0,5%. Quyết định bước ngoặt này khiến nhiều nền kinh tế trên toàn cầu phải điều chỉnh chính sách lãi suất theo sau Mỹ.
Thị trường tiền tệ và lãi suất hiện chứng kiến xu hướng mà giới chuyên gia gọi là “không đồng nhất” khi Mỹ có xu hướng thắt chặt, còn các nền kinh tế chủ chốt khác tại châu Âu, Nhật Bản hay Trung Quốc tiếp diễn xu hướng nới lỏng.
Những dự cảm trong 2016
Như đã nói ở trên, sự khác biệt về tăng trưởng kinh tế và chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương chủ chốt thế giới có thể khiến đồng USD tiếp tục tăng giá trong năm 2016. Đây chính là vấn đề lớn đối với các nền kinh tế nắm giữ khoản nợ lớn được định giá bằng đồng USD.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), tổng số nợ bằng đồng USD được nắm giữ bên ngoài nước Mỹ hiện ở mức trên 9.700 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 5.600 tỷ USD giai đoạn cuối năm 2008, trong đó phần lớn số nợ tập trung ở các thị trường đang phát triển. Xu hướng nợ tăng cao có thể sẽ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới, một rủi ro mà các nhà phân tích và dự báo chính sách không thể bỏ qua.
Kinh tế thế giới năm 2016 được dự báo tăng trưởng 3,6%, cao hơn so với mức 3,1% của năm nay, theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), song khả năng quay về thời kỳ tăng trưởng mạnh và đồng bộ trên toàn cầu vẫn còn thấp. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm tới sẽ ở mức 3,3%.
Viễn cảnh chung cho năm tới là kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại, còn khoảng 6,3% vào năm 2016. Kinh tế Mỹ tiếp tục dẫn đầu trong nhóm nước giàu có, kinh tế châu Âu và Nhật Bản năm tới được dự báo tăng trưởng nhẹ, trong khi Nga vẫn gặp nhiều khó khăn sau khi EU gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế và giá dầu xuống quá thấp.
Đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng hơn vào năm 2016. IMF cho rằng, những diễn biến phức tạp và xung đột ở nhiều nơi trên thế giới như khủng hoảng ở Ukraine, bạo lực ở Trung Đông, cuộc khủng hoảng di cư, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế của nhiều khu vực và quốc gia.
Tuy nhiên, tin vui là một số nước mới nổi ở châu Á có thể tận dụng giai đoạn giá nguyên liệu đầu vào thấp để kích thích tăng trưởng như trường hợp của Ấn Độ, còn các nước phát triển được lợi từ việc giá nguyên liệu đầu vào giảm, lãi suất ở mức rất thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng ở châu Âu.