Một trong những cú sốc lớn nhất tính tới thời điểm hiện tại đối với kinh tế thế giới là sự tụt dốc không phanh của giá dầu kể từ cuối tháng 6/2014. Theo giới phân tích năng lượng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là nguồn cung tăng, chứ không phải là nhu cầu dầu mỏ toàn cầu yếu đi. Điều này có thể sẽ dẫn tới sự thay đổi đáng kể trong dự báo lạm phát thế giới ngắn hạn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tác động của dầu mỏ tới tỷ lệ lạm phát là không thể phủ nhận, khi giá dầu thấp hơn rõ ràng có những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới giá tiêu dùng. Tuy nhiên, giá dầu thấp hơn liệu có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế hay không vẫn là chủ đề gây tranh cãi, vì nó liên quan tới quá trình tái phân bổ thu nhập từ nhà sản xuất dầu mỏ sang người tiêu dùng dầu mỏ. Vậy liệu quá trình tái phân bổ này có thực sự dẫn tới sự tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội hay không?
Xét trên khía cạnh độ trễ thời gian. Người tiêu dùng dầu mỏ, chủ yếu là các hộ gia đình, được hưởng lợi khi thu nhập tăng lên nhờ giá dầu rẻ đi và họ có xu hướng phân bổ số dư thu nhập này khá nhanh trong chi tiêu các hàng hóa và dịch vụ khác. Ngược lại, nhà sản xuất dầu mỏ, chủ yếu là các chính phủ giàu có và tập đoàn năng lượng, lại mất nhiều thời gian hơn để giảm chi tiêu khi thu nhập thực tế của họ từ dầu mỏ bị co lại.
Theo kịch bản giả định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nếu giá dầu giảm 25 USD/thùng thì tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2015 có thể tăng khoảng 0,5% nếu chỉ tính những tác động trực tiếp của quá trình tái phân bổ thu nhập nói trên và tăng 1,2% nếu tính cả các hiệu ứng thị trường tích cực khác. Xu hướng tăng GDP toàn cầu này có thể diễn ra trong khoảng 2 năm trước khi giảm dần từ năm 2017. Trong kịch bản tương tự, tỷ lệ lạm phát hàng năm tại các nền kinh tế phát triển khi đó sẽ giảm từ 0,5 - 0,9 điểm phần trăm trong năm đầu tiên và tăng nhẹ những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, theo phân tích của Công ty khảo sát và dự báo kinh tế thế giới Consensus Economics, mức giảm trong dự báo lạm phát tại các nền kinh tế phát triển kể từ cú sốc dầu mỏ tháng 6/2014 là khoảng 0,1% trong năm 2014 và 0,3% trong năm 2015, thấp hơn rất nhiều so với kịch bản của IMF, song vẫn giống với xu hướng được dự báo. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP thực theo phân tích của Consensus Economics tại các nền kinh tế phát triển lại có thể diễn biến theo chiều hướng đi xuống, khi giảm khoảng 0,2% trong năm 2014 và tiếp tục giảm thêm 0,2% trong năm 2015, hoàn toàn trái ngược so với kịch bản nhận định của IMF. Nguyên nhân chủ yếu trong khác biệt về xu hướng tăng trưởng GDP này là do các chuyên gia dự báo kinh tế đã tính toán thêm cả tác động của cú sốc kinh tế thứ hai như sự tăng trưởng trì trệ của Khu vực đồng euro (Eurozone), cùng với khả năng khối đồng tiền chung này sẽ chìm trong giai đoạn giảm phát kéo dài. Một cú sốc khác cũng có thể xảy ra là khả năng hạ cánh cứng của lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc, nhân tố tiềm ẩn kéo tụt toàn bộ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Trên thực tế, với những diễn biến hiện tại của kinh tế thế giới những tháng gần đây, chúng ta vẫn chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy tốc độ tăng trưởng đang bị chậm lại. Dù tốc độ tăng trưởng của khu vực Eurozone không như kỳ vọng, thì nó vẫn được bù đắp nhờ mức tăng của nền kinh tế Mỹ, trong khi Trung Quốc tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng khá ổn định.
Tại thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia phân tích dầu mỏ vẫn giữ quan điểm rằng, giá dầu sẽ tiếp tục giảm xuống ngưỡng dưới 75 USD/thùng trước cuối năm 2014 và chỉ tăng nhẹ trở lại vào năm tới. Tuy nhiên, họ vẫn lưỡng lự trong việc điều chỉnh dự báo GDP toàn cầu theo xu hướng tăng.