Ngân hàng Trung ương Hy Lạp ngày 17/6 cảnh báo rằng, quốc gia này sẽ phải trải qua chặng đường đầy “đau đớn” tới nguy cơ vỡ nợ và buộc phải ra khỏi Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nếu Chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế không thể tiến tới thỏa thuận cải cách để giải ngân gói cứu trợ.
Hy Lạp vỡ nợ sẽ tác động như thế nào đến toàn cầu? Dưới đây là một số đánh giá liên quan tới Hy Lạp mà giới đầu tư cần tham khảo:
Kinh tế Hy Lạp
Kinh tế Hy Lạp đã sụt giảm tới 25% kể từ năm 2009. Trên thực tế, quốc gia này cũng không đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế châu Âu nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung. Ước tính, Hy Lạp chỉ chiếm khoảng 2% quy mô kinh tế Eurozone.
Dù kinh tế Hy Lạp có thể phải chịu tổn thương nhiều hơn từ những biến động, song kinh tế châu Âu vẫn sở hữu những “bộ đệm” mạnh mẽ để chống chọi như: đồng euro đã giảm giá 20% so với 1 năm trước đây, giá dầu vẫn tương đối thấp so với mức đỉnh trên 100 USD/thùng hồi năm ngoái, hay quyết định bơm 1.000 tỷ euro của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào thị trường nhằm kích thích tăng trưởng khu vực.
Sự lây lan khủng hoảng
Báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực để đánh giá về khả năng lây lan của cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp. Theo giới phân tích, rủi ro này không nên bị loại trừ, song khả năng xảy ra đã thấp hơn nhiều so với giai đoạn khủng hoảng nợ Hy Lạp mới khởi phát.
Có 2 lý do để đưa ra nhận định này. Thứ nhất, các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện là chủ nợ lớn nhất đối với các khoản vay của Hy Lạp, chứ không phải là các tổ chức tư nhân. Điều này có thể giúp hạn chế các hiệu ứng dây chuyền từ sự vỡ nợ.
Theo kế hoạch, Hy Lạp sẽ phải trả lại 1,6 tỷ euro khoản nợ đáo hạn cho IMF vào ngày 30/6 và hơn 3,5 tỷ euro khác cho ECB trong tháng 7 tới.
Các mốc thời gian quan trọng của Hy Lạp
Ngày |
Sự kiện |
19/6 |
Hy Lạp phải trả lại 85 triệu euro tiền lãi cho ECB |
25 - 26/6 |
Hội nghị Thượng đỉnh EU, cơ hội chót cho Hy Lạp |
30/6 |
Hy Lạp phải trả nợ 1,6 tỷ euro cho IMF |
1/7 |
ECB đánh giá lại chương trình hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho Hy Lạp |
20/7 |
Hy Lạp phải trả lại hơn 3,5 tỷ euro nợ gốc cho ECB |
Julian Jessop, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics cho rằng: “Chính IMF và ECB là 2 chủ nợ lớn nhất nắm giữ trái phiếu chính phủ của Hy Lạp. Vì vậy, chúng ta không nên lo ngại về khả năng thanh toán của IMF và ECB nếu Hy Lạp vỡ nợ, bởi 2 tổ chức tài chính này có tiềm lực tài chính rất mạnh”.
Lý do thứ hai giải thích tại sao rủi ro khủng hoảng lây lan từ Hy Lạp đã rất khác so với vài năm trước đây là bởi ECB đã thiết lập những cơ chế hỗ trợ cho các nước thành viên Eurozone gặp “vấn đề” và đã quyết định bơm hơn 1.000 tỷ euro vào thị trường. Trong khi đó, các nền kinh tế từng gặp khó khăn trong Eurozone như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng đã triển khai các biện pháp củng cố hệ thống ngân hàng.
Địa chính trị
Là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và có vị trí địa lý gần khu vực Trung Đông, không quá xa Nga, Hy Lạp là một quốc gia giữ vai trò quan trọng trên phương diện địa chính trị. Sự sụp đổ tài chính của Hy Lạp có thể làm dấy lên câu hỏi về tương lai và tính thống nhất của Eurozone.
Michael Hewson, nhà phân tích thị trường tại CMC Markets UK nhận định: “Rõ ràng, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không muốn sự sụp đổ của Hy Lạp xảy ra, bởi quốc gia này sẽ trở thành chủ đề chính trong một loạt các vấn đề đau đầu của phương Tây, cùng với tình hình bất ổn tại Trung Đông và căng thẳng trong quan hệ với Nga”.
Các thị trường toàn cầu
Sự thật là khả năng Hy Lạp vỡ nợ đã được dự báo từ trước và nếu điều này xảy ra cũng sẽ không gây bất ngờ lớn đối với thị trường toàn cầu, hay có tác động gây biến động mạnh như sự đổ vỡ của Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers năm 2008. “Việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone sẽ chỉ khiến người ta bàn luận về tương lai của đồng euro”, chuyên gia Julian Jessop nhận định.