Kinh tế thế giới: Nốt trầm át nốt thăng

Kinh tế thế giới: Nốt trầm át nốt thăng

Năm nay, kinh tế thế giới tiếp tục trải qua sự thăng trầm với nhiều đánh giá khá bi quan như “quá chậm”, “quá mong manh”, “trầm lắng”…
Tăng trưởng chậm, nhiều rủi ro
Trong dự báo đưa ra hồi tháng 4/2016, các tổ chức quốc tế đều nhận định kinh tế thế giới tăng trưởng chậm trong năm 2016-2017. Theo báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới năm 2016, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống mức 3,2% trong năm 2016 (giảm 0,2% so với dự báo tháng 1/2016) và 3,5% trong năm 2017 (giảm 0,1% so với dự báo tháng 1/2016). IMF nhận định kinh tế thế giới dường như đang bước vào thời kỳ “trầm lắng” mới với “tăng trưởng chậm kéo dài”. 

Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng sự phục hồi “quá chậm” và “quá mong manh” của kinh tế thế giới sẽ có tác động lâu dài đối với sản lượng tiềm năng, đầu tư và sức tiêu dùng, có thể kích hoạt bất ổn chính trị-xã hội ở nhiều nước.

WTO hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2016 xuống 2,8% (trước đó dự báo tăng 3,9%) và phục hồi nhẹ với tăng trưởng 3,6% năm 2017.



IMF đánh giá trong môi trường tăng trưởng yếu, triển vọng kinh tế toàn cầu gặp nhiều rủi ro hơn: Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự báo có thể tác động lan tỏa mạnh hơn đến kinh tế thế giới qua kênh thương mại, giá hàng cơ bản và niềm tin.
Bộ phận tình báo kinh tế (EIU) của Tạp chí Nhà kinh tế (Anh) nhận định, suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc là rủi ro lớn nhất đối với kinh tế thế giới, có thể tác động mạnh tới các nước có nhiều quan hệ đầu tư-thương mại với Trung Quốc; suy giảm lòng tin do các biến động tài chính (như rủi ro giảm giá nội tệ ở các nước đang nổi có thể kích hoạt thoái vốn ra khỏi các nước này mạnh hơn); giá dầu thấp kéo dài gây bất ổn kinh tế- xã hội ở các nước phụ thuộc xuất khẩu dầu; các cú sốc địa-chính trị, xung đột, chủ nghĩa khủng bố, dịch bệnh, khủng hoảng di cư nếu không được kiểm soát tốt sẽ tác động mạnh đến hoạt động kinh tế toàn cầu.
Đáng lưu ý, lần đầu tiên EIU đưa căng thẳng ở Biển Đông vào danh sách các rủi ro đối với kinh tế thế giới trong năm 2016, đánh giá rủi ro này tuy có xác suất thấp nhưng có tác động lớn, nhất là đối với liên kết kinh tế khu vực, có thể làm gián đoạn dòng thương mại toàn cầu.

IMF khuyến nghị các nước cần có chính sách hỗ trợ tăng trưởng mạnh hơn, kết hợp tối ưu tổ hợp chính sách cải cách cơ cấu, tài khóa và tiền tệ.
Giá dầu, giá hàng hóa tiếp tục biến động khó lường
Theo IMF, từ tháng 8/2015 đến tháng 2/2016, giá dầu giảm thêm 32% do dư cung từ OPEC và Nga, triển vọng tăng cung của Iran, nhu cầu toàn cầu phục hồi chậm, triển vọng tăng trưởng trong trung hạn chưa vững chắc và tâm lý lo ngại rủi ro đối với thị trường tài chính. Từ tháng 3/2016 đến nay, giá dầu dao động quanh mốc 40USD/thùng.

Đáng lưu ý, việc các nước sản xuất dầu chủ chốt của OPEC, đặc biệt là Saudi Arabia và Iran, không đạt được thỏa thuận về đóng băng sản lượng tại cuộc họp ngày 17/4/2016 khiến cho triển vọng giá dầu càng trở nên khó lường hơn bởi sự cạnh tranh phức tạp giữa các nước xuất khẩu dầu. Nhiều tổ chức quốc tế nhận định giá dầu tiếp tục điều chỉnh trong năm 2016 trước khi tương quan cung-cầu đạt cân bằng vào năm 2017. IMF cho rằng mặc dù sản lượng dầu của Mỹ có thể giảm 800.000 thùng/ngày trong năm 2016 do tác động của giá dầu thấp, song tình trạng dư cung vẫn chậm cải thiện, có thể khiến giá dầu giảm thêm 10% trong năm nay.

Trong điều kiện giá dầu thấp kéo dài, các nước xuất khẩu dầu tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro về tài chính, ngân sách, tiền tệ và bất ổn chính tị-xã hội. Một số nước vẫn còn dư địa chính sách, song không còn nhiều. IMF khuyến nghị các nước xuất khẩu dầu cần có kế hoạch ngân sách thích ứng với bối cảnh giá dầu thấp, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng hơn; có chính sách tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ tăng trưởng. Với các nước nhập khẩu dầu, IMF khuyến nghị cần tranh thủ nguồn tiết kiệm ngân sách từ giá dầu thấp để hỗ trợ tăng trưởng thông qua thúc đẩy cải cách cơ cấu, tăng chi an sinh xã hội, phát triển năng lượng mới và cơ sở hạ tầng.

Thương mại toàn cầu tiếp tục tăng trưởng chậm

Theo Báo cáo Thương mại thế giới năm 2015 và triển vọng năm 2016, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2016 xuống 2,8% (trước đó dự báo tăng 3,9%) và phục hồi nhẹ với tăng trưởng 3,6% năm 2017.
Nhập khẩu của nhóm nước phát triển tương đối ổn định, nhu cầu nhập khẩu của nền kinh tế đang phát triển ở châu Á tăng tích cực hơn. Theo WTO, tuy lượng trao đổi hàng hóa toàn cầu vẫn tăng, song giá trị giảm mạnh do biến động tỉ giá và sụt giảm giá hàng cơ bản. Tổng giám đốc WTO đánh giá thương mại toàn cầu tuy vẫn tăng song tốc độ tăng “rất thất vọng” bởi  năm 2016 có thể là năm thứ 5 liên tiếp thương mại thế giới tăng dưới 3%.

Các chỉ số thương mại trong những tháng đầu năm 2016 cho thấy triển vọng thương mại toàn cầu bấp bênh, các nhân tố thuận lợi và không thuận lợi đan xen lẫn nhau.
WTO cho rằng, các rủi ro đối với thương mại toàn cầu gồm: Suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc và một số nền kinh tế đang nổi; biến động khó lường của thị trường tài chính quốc tế; biến động tỉ giá khiến các nước có tỉ lệ nợ nước ngoài cao dễ tổn thương; chủ nghĩa bảo hộ gia tăng khi nhiều nước tiếp tục tăng cường áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại.
Tổng giám đốc WTO hối thúc các nước cần quyết tâm dỡ bỏ các rào cản đối với xuất khẩu nông sản và hàng chế tạo, thúc đẩy thực thi Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại (TFA) nhằm giảm đáng kể chi phí thương mại toàn cầu.
Tin bài liên quan