Sau thời gian chủ yếu đi xuống kể từ đỉnh cao 2010, tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay có xu hướng mạnh lên. Theo dữ liệu của IMF, The Economist và Haver Analytics, tốc độ này trong quý III là 2,76%, cao nhất 18 tháng. Trong đó, đóng góp của tất cả nhóm nước (gồm Mỹ, Trung Quốc, các nước phát triển khác và các nước mới nổi khác) đều tăng.
Từ sau khủng hoảng kinh tế, các nước mới nổi đã dẫn đầu đà phục hồi khi đóng góp tới bốn phần năm tăng trưởng thế giới. Trong đó, riêng Trung Quốc đã chiếm gần một nửa toàn cầu. Tuy nhiên, các quốc gia phát triển cũng dần lấy lại được sức mạnh kinh tế khi số liệu trên cho thấy đóng góp của họ đang tăng nhanh.
Ngày 23/12, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2014, do những dấu hiệu lạc quan về kinh tế và các thỏa thuận của Quốc hội. Ông Jean-Claude Trichet - Cựu chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng cho rằng 2014 sẽ là năm tăng trưởng toàn cầu nhờ chính sách nới lỏng của nhiều nước và sự phục hồi của khu vực eurozone.
FED giảm nới lỏng tiền tệ
Ngày 18/12, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố giảm quy mô gói nới lỏng tiền tệ từ 85 tỷ USD xuống 75 tỷ USD mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 1 năm sau. Nguyên nhân là nền kinh tế số một thế giới đã có nhiều tín hiệu hồi phục. Dù vậy, họ vẫn giữ lãi suất thấp kỷ lục để hỗ trợ thị trường.
Sau tuyên bố của FED, chỉ số S&P 500 và Dow Jones đã lập kỷ lục mới. Chứng khoán toàn cầu cũng khởi sắc theo. Tuy vậy, giá vàng lại giảm liên tục, xuống dưới 1.200 USD cuối tháng 12.
Ý định rút kích thích đã được Chủ tịch FED – Ben Bernanke thông báo từ tháng 5. Việc này đã châm ngòi cho làn sóng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, khiến tiền tệ nhiều nước lao dốc và giá hàng nhập khẩu tăng vọt. Những đồn đoán của nhà đầu tư về thời điểm giảm nới lỏng cũng khiến thị trường vàng và chứng khoán biến động không nhỏ nửa cuối năm nay.
Chứng khoán Mỹ liên tiếp lập kỷ lục
2013 là năm rất khởi sắc với thị trường chứng khoán Mỹ khi các chỉ số S&P 500, Dow Jones và Nasdaq liên tiếp lên cao nhất mọi thời đại. S&P 500 đã tăng 27%, phá mốc 1.800 điểm. Trong khi đó, Dow Jones vượt 16.000 điểm từ tháng trước và Nasdaq cũng qua 4.000 lần đầu trong 13 năm.
Kinh tế Mỹ nhận hàng loạt tín hiệu hồi phục trong năm 2013 đã giúp thị trường chứng khoán hưng phấn. GDP Mỹ tăng vượt dự đoán trong quý III, tỷ lệ thất nghiệp xuống đáy 5 năm, lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh và thị trường nhà đất đang dần ấm lên. Giới phân tích cho rằng kể cả khi FED đã giảm quy mô kích thích tiền tệ, chính sách nới lỏng cùng cam kết lãi suất gần 0% sẽ vẫn khiến thị trường đi lên trong thời gian tới.
Vàng giảm giá lần đầu sau 12 năm đi lên
Mở đầu năm ở quanh 1.675 USD, thị trường trải qua 3 đợt giảm giá mạnh trong năm 2013. Trong đó, "cơn bão" giảm giá hồi tháng 4 có tốc độ nhanh và mạnh nhất. Từ trên 1.560 USD, giá mất gần 100 USD chỉ trong vòng vài ngày. Nguyên nhân là tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về tương lai của gói kích thích tại Mỹ, nhất là khi nền kinh tế có nhiều dấu hiệu phục hồi.
Đến tháng 6, thị trường lại rơi vào một đợt giảm khác, đưa giá vàng xuống đáy 3 năm ở quanh 1.190 USD. Việc này xảy ra sau tuyên bố của FED cho biết sẽ cân nhắc giảm gói kích thích.
Những tháng sau đó, thị trường hồi phục dần, nhưng lại xuống đáy 3 năm khi FED thực sự giảm nới lỏng. Giá có lúc về sát 1.180 USD, trước khi hồi phục về 1.200 USD vào tuần cuối tháng 12. So với đầu năm, mỗi ounce vàng hiện rẻ hơn 475 USD. Đây là năm đầu tiên vàng giảm giá sau 12 năm liên tục đi lên.
Eurozone thoát suy thoái sau 18 tháng
Quý II năm nay, GDP eurozone đã tăng 0,3% so với năm ngoái, chấm dứt 6 quý liên tiếp đi xuống, nhờ xuất khẩu tăng mạnh và chi tiêu công đóng góp tích cực vào nền kinh tế. Một trong 5 nước phải nhận cứu trợ - Ireland còn được ra khỏi danh sách này từ tháng 12.
Tuy nhiên, đà phục hồi kinh tế tại đây vẫn còn rất mong manh. Tỷ lệ thất nghiệp toàn khu vực vẫn cao kỷ lục - trên 12%. GDP quý III tăng chậm lại với 0,1%. Hy Lạp có nguy cơ nhận gói cứu trợ thứ ba, còn kinh tế Síp thì ngày càng co lại. Đầu tháng 11, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã phải giảm lãi suất tái cấp vốn xuống thấp kỷ lục là 0,25% để ngăn eurozone chìm vào suy thoái và giảm phát.
Nhật Bản chấm dứt giảm phát
Cuối năm ngoái, Thủ tướng Shinzo Abe bắt đầu thực thi nhóm chính sách kinh tế Abenomics nhằm chấm dứt giảm phát và kích thích tăng trưởng. Chiến lược này gồm ba mũi tên: nới lỏng tài khóa, nới lỏng tiền tệ và khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp. Theo giới phân tích, các biện pháp này đã bắt đầu có hiệu quả.
Từ đầu năm, đồng yen đã giảm giá 17% so với USD, còn chỉ số chứng khoán Nikkei tăng tới gần 50%. Nội tệ giảm cũng khiến các hãng xuất khẩu thu lời lớn.
Cũng nhờ Abenomics, GDP Nhật Bản tăng 4 quý liên tiếp, tính đến hết quý III. Nước này còn lần đầu tiên đạt lạm phát trong tháng 7 và giá cả được dự đoán tiếp tục tăng mạnh. Năm 2014, Nhật Bản đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 1,4% và lạm phát 1,2%.
Myanmar tiếp tục thu hút giới đầu tư
Khi kinh tế toàn cầu còn khó khăn và các quốc gia thận trọng đưa vốn ra nước ngoài, Myanmar lại được nhắc đến rất nhiều trong năm 2013. Sau nửa thế kỷ đóng cửa dưới chế độ quân sự, nỗ lực cải tổ của Tổng thống Thein Sein từ năm 2011 đã khiến nước này trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều với thế giới
Năm 2013, Myanmar được chọn tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á. Nước này cũng đấu giá thành công hai giấy phép kinh doanh viễn thông, lên kế hoạch mời thầu cung cấp dịch vụ Internet và xây dựng hệ thống cáp quang toàn quốc. Các phiên đấu thầu khai thác dầu khí của họ cũng rất được quan tâm.
Để hiện đại hóa nền kinh tế, Myanmar dự định xây thêm nhiều khách sạn, sân bay và cả sàn chứng khoán. Nỗ lực của họ đã thu hút hàng loạt công ty danh tiếng trên thế giới, như Standard Chartered, Visa, chuỗi khách sạn Best Western International hay Coca Cola.
Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), GDP thực Myanmar sẽ tăng 6,5% giai đoạn 2012-2013. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng sẽ lên 30%, chủ yếu vào năng lượng, dệt may, công nghệ thông tin và thực phẩm - đồ uống.
Tiền ảo Bitcoin ngày càng được ưa chuộng
Ra đời năm 2009 và được lưu thông trong môi trường trực tuyến, tiền điện tử (tiền ảo) Bitcoin đang dần trở nên phổ biến do được kỳ vọng sẽ thay thế phương pháp thanh toán truyền thống. Khả năng tiêu thụ của Bitcoin ngày càng mở rộng khi loại tiền này được dùng để mua các sản phẩm thực tế như bánh pizza, máy chủ hay ôtô.
Đức trở thành quốc gia đầu tiên thừa nhận Bitcoin có chức năng của tiền. Thậm chí Canada còn lắp đặt cây ATM giao dịch Bitcoin đầu tiên trên thế giới, cho phép khách dùng tiền thật để mua Bitcoin hoặc ngược lại. Tuy vậy, đa phần chính phủ trên thế giới không công nhận tiền ảo này, thậm chí cấm sử dụng như Trung Quốc hay Thái Lan.
Đầu tháng này, giá Bitcoin lên kỷ lục 1.200 USD mỗi đồng. Dù vậy, giá trị của đồng tiền này biến động rất lớn, chỉ trong vài tuần, mỗi đồng Bitcoin hiện chỉ còn khoảng 450-500 USD.
Trung Quốc khủng hoảng thanh khoản vì kiềm chế tín dụng
Để tránh tác động của khủng hoảng tài chính, từ năm 2008, Trung Quốc đã liên tục tung kích thích dưới dạng các khoản cho vay khổng lồ. Hệ quả là tỷ lệ tín dụng trên GDP của nước này đã tăng từ 120% lên gần 200% trong gần 5 năm qua. Đi kèm với đó là nợ địa phương phình to và bong bóng bất động sản.
Lo ngại bong bóng tín dụng vỡ sẽ kéo sụp cả nền kinh tế, từ đầu tháng 6, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) bắt đầu giảm nguồn cung tiền trên thị trường liên ngân hàng. Lãi suất vay qua đêm vì thế bị đẩy lên kỷ lục 25% cuối tháng 6, cao gấp nhiều lần 2-3% thông thường. Việc này khiến các nhà băng hoảng loạn, chứng khoán Trung Quốc lao dốc và quốc tế thêm lo ngại với sức khỏe tài chính của nước này. PBOC sau đó đã phải can thiệp bằng cách bơm thêm thanh khoản vào thị trường.
Các ngân hàng Síp lao đao vì đề xuất thuế tiền gửi
Giữa tháng 3, Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu đánh thuế 9,9% lên các khoản tiền gửi ngân hàng trên 100.000 euro và 6,75% với các khoản nhỏ hơn tại Cộng hòa Síp. Đây là điều kiện để Síp được nhận gói cứu trợ 10 tỷ USD nhằm thoát cảnh vỡ nợ. Tại eurozone, Síp là nước thứ 5 phải xin cứu trợ quốc tế.
Sau tin này, người dân Síp đã đổ xô đến các ATM để rút tiền, khiến Chính phủ phải đóng cửa toàn bộ ngân hàng trong hơn một tuần. Thị trường tài chính toàn cầu cũng náo động vì lo ngại châu Âu sẽ lún sâu vào khủng hoảng. Chứng khoán nhiều nước đã đồng loạt lao dốc và giá vàng vọt lên trên 1.600 USD mỗi ounce.
Trước sự phản ứng dữ dội của người dân, Quốc hội Síp đã bỏ phiếu bác kế hoạch này. Sau đó, theo thỏa thuận mới với nhóm chủ nợ, Síp phải tái cơ cấu ngân hàng và sử dụng các khoản tiền gửi trên 100.000 euro tại hai nhà băng lớn nhất nước để giải quyết khủng hoảng.
Mỹ nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử
Từ cuối tháng 8, Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Jack Lew đã cảnh báo nước này sẽ chạm trần nợ 16.700 tỷ USD vào giữa tháng 10. Còn ông đang phải áp dụng hàng loạt biện pháp phi thường để có tiền chi tiêu cho Chính phủ. Tuy nhiên, đến sát hạn chót, Quốc hội Mỹ vẫn còn quay cuồng với bất đồng về dự luật ngân sách năm 2014, khiến Chính phủ phải đóng cửa từ đầu tháng 10. Một số cuộc đàm phán nâng trần nợ cũng gặp bế tắc do quan điểm trái ngược của hai đảng Dân chủ - Cộng hòa.
Nhà Trắng thậm chí đã chuẩn bị kịch bản vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử cho nước Mỹ. Theo giới phân tích, nếu điều này xảy ra, chứng khoán thế giới sẽ lao dốc, nhiều tổ chức tài chính sụp đổ và gây nên suy thoái toàn cầu.
Tuy nhiên, mối nguy này đã được gỡ bỏ trong ngày 16/10. Lãnh đạo hai đảng tại Quốc hội đã thông qua dự luật gia hạn trần nợ đến tháng 2/2014 và cấp tiền cho Chính phủ hoạt động tới tháng 1/2014. Gần đây, họ đạt thỏa thuận ngân sách cho 2 năm tới và sẽ đàm phán nâng trần nợ vào tháng 2.
Kinh tế thế giới 2013 có dấu hiệu phục hồi, tạo tiền đề cho một năm mới nhiều tín hiệu lạc quan hơn.