Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde. Ảnh: AFP/TTXVN

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde. Ảnh: AFP/TTXVN

Kinh tế thế giới liên tiếp nhận tin tốt

0:00 / 0:00
0:00
Cùng với triển vọng kinh tế tươi sáng hơn tại Mỹ và EU, việc Trung Quốc mở cửa trở lại bắt đầu từ ngày 8/1 cũng góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Một loạt số liệu công bố trong tuần này làm gia tăng kỳ vọng nền kinh tế có thể hạ cánh mềm, sau 1 năm khó khăn do đại dịch và xung đột. Cả hai nền kinh tế lớn là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều chứng kiến lạm phát giảm trong tháng cuối cùng của năm 2022. Trong khi đó, giới đầu tư lạc quan về sự phục hồi mạnh mẽ trở lại của Trung Quốc sau khi nước này chấm dứt các chính sách hạn chế do dịch Covid-19.

Theo Cục Thống kê lao động Mỹ, nền kinh tế đã tạo thêm 223.000 việc làm trong tháng 12/2022. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,469%, thấp nhất kể từ năm 1969. Tiền lương tăng 0,3%, chậm hơn mức 0,4% dự báo.

Trong khi đó, báo cáo nhà quản trị mua hàng (PMI) do Viện Quản lý nguồn cung công bố cũng cho thấy, hoạt động dịch vụ giảm sút trong tháng 12/2022. Đây là lần đầu tiên ngành dịch vụ thu hẹp sau 30 tháng mở rộng liên tiếp, là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang chậm lại, giảm bớt áp lực lạm phát.

Theo chuyên gia kinh tế Geetu Sharma tại Công ty đầu tư AlphasFuture, báo cáo là rất đáng khích lệ và khẳng định kỳ vọng nền kinh tế sẽ có một cú hạ cánh mềm.

“Chúng ta đã có một báo cáo việc làm rất đáng khích lệ. Đó không chỉ là một thị trường lao động mạnh mẽ, mà tăng trưởng tiền lương cũng thấp hơn dự kiến, giúp giảm bớt áp lực lên mặt bằng giá cả nói chung. Những điều này làm tăng khả năng hạ cánh mềm của nền kinh tế. Những gì Chính phủ Mỹ đang làm đã phát huy hiệu quả ngăn không cho nền kinh tế rơi vào suy thoái. Cục dữ trữ liên bang đã cho thấy họ có thể giảm lạm phát trong khi tiếp tục thắt chặt chính sách”, chuyên gia Geetu Sharma phân tích.

Gần như cùng thời điểm, Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) cho biết, tỷ lệ lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm trong tháng thứ 2 liên tiếp, xuống còn 9,2% trong tháng 12/2022.

Trong số 20 quốc gia đang sử dụng đồng euro, bao gồm cả Croatia mới gia nhập tháng trước, Tây Ban Nha ghi nhận tỷ lệ lạm phát thấp nhất là 5,6% trong tháng 12. Đức và Pháp đều ghi nhận lạm phát giảm trong tháng 12, làm tăng thêm hy vọng rằng Liên minh châu Âu có thể đã qua đỉnh lạm phát.

Cùng với triển vọng kinh tế tươi sáng hơn tại Mỹ và EU, việc Trung Quốc mở cửa trở lại bắt đầu từ ngày 8/1 cũng góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, cũng là thị trường tiêu dùng rộng lớn nhất thế giới với hơn 1,4 tỉ dân. Nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo sự mở cửa của kinh tế Trung Quốc trong năm 2023 sẽ đóng góp 2/3 tăng trưởng toàn cầu.

Tuy nhiên, đánh giá về triển vọng kinh tế châu Âu cũng như thế giới, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde vẫn cho thấy sự thận trọng. Bà cảnh báo, lạm phát có thể tăng trở lại vào tháng 1 và tháng 2/2023, khi giá năng lượng tăng đột biến trước đó dự kiến ​​sẽ đạt mức bán lẻ, trước khi giảm bền vững hơn vào cuối năm nay.

Tin bài liên quan