Các cuộc khảo sát cũng cho thấy hoạt động kinh doanh chậm lại trên toàn khu vực 18 nước châu Âu trong tháng này, làm nản lòng kỳ vọng về một sự gia tốc của khu vực này trước đó.
Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ tăng ở mức độ nhẹ, bởi các nhà đầu tư tiếp tục đánh giá thấp các dữ liệu về hoạt động sản xuất. Trong khi đó, chứng khoán châu Âu đã thu hồi được các khoản lỗ trước đó, dù niềm tin kinh doanh vẫn còn rất mong manh.
Các nhà đầu tư cũng đã lo ngại về biên bản cuộc họp chính sách gần đây nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ban hành ngày thứ Tư tuần trước, cho thấy rằng, một số nhà hoạch định chính sách thuộc cơ quan này muốn tiếp tục cắt giảm hơn nữa quy mô chương trình thu mua trái phiếu hàng tháng, vốn được xem là một biện pháp quan trọng thúc đẩy thị trường đi lên sau khủng hoảng.
Theo biên bản cuộc họp, trừ phi trong năm 2014 nền kinh tế Mỹ bất ngờ có một sự biến động rõ ràng, còn không chương trình thu mua tài sản này sẽ tiếp tục được cắt giảm đến khi dừng hẳn.
Mặc dù những thông tin về nội dung cuộc họp chính sách hồi tháng 1 đã được công bố về cơ bản, song trong tình hình kinh tế Mỹ từ đầu năm tới nay có nhiều yếu kém, nhiều chuyên gia phân tích và nhà đầu tư vẫn kỳ vọng rằng, Fed sẽ cân nhắc tạm ngưng kế hoạch này hoặc chí ít khối lượng cắt giảm sẽ được thu hẹp.
“Trong khi chúng tôi hy vọng sự phục hồi sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay, thị trường vẫn còn biến động trong ngắn hạn, bởi các nhà đầu tư đang lo lắng về sự quay trở lại của chính sách cắt giảm QE của Mỹ”, ông Henk Potts, một chiến lược gia về cổ phiếu tại Barclays Wealth cho biết.
Các lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ đã mất đà trong năm mới càng được củng cố hơn bởi sự suy giảm trong chỉ số hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Dự trữ Liên bang tại Philadelphia với việc chỉ số này đã rơi xuống mức - 6,3 từ 9,4 trong tháng 1 (Báo cáo với chỉ số cao hơn 0 thể hiện sự mở rộng trong khu vực sản xuất).
Một số ý kiến cho rằng, sự sụt giảm mạnh của chỉ số này là do thời tiết khắc nghiệt của mùa Đông, tuy nhiên, điều đó đã không xua tan hoàn toàn mối lo ngại của các nhà kinh tế.
“Con số này là một thảm họa”, Douglas Borthwick, Giám đốc điều hành tại Chapdelaine Foreign Exchange nói và cho rằng, tình hình thời tiết chỉ là một phần nguyên nhân, đằng sau đó là sự sụt giảm trong doanh số của các hàng hóa lâu bền, tiền lương và nhà ở.
Trong khi đó tại Trung Quốc, hoạt động trong khu vực nhà máy rộng lớn cũng giảm xuống mức thấp 48,3 trong vòng 7 tháng qua, từ mức 49,5 vào tháng 1, theo chỉ số quản lý sức mua của Markit/HSBC.
Một số nhà phân tích cảnh báo, những ngày nghỉ Tết gần đây có thể là nguyên nhân, nhưng báo cáo với chỉ số dưới 50 là dấu hiệu cho thấy sự suy giảm trong lĩnh vực này và củng cố thêm mối lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chậm lại. Điều đó có thể gây ra hiệu ứng lan truyền đối với các thị trường mới nổi và Liên minh châu Âu.
“Các dữ liệu đã chỉ ra nền kinh tế này đang giảm phát một cách chậm chạp, đó không phải là một điều tồi tệ, tuy nhiên, bởi đây là một nền kinh tế lớn và có sức ảnh hưởng, nên chúng ta cần nó tăng trưởng để thúc đẩy kinh tế toàn cầu”, ông Paul Zemsky, người đứng đầu bộ phận phân bổ tài sản tại ING Investment Management nói.
Cùng lúc đó, khu vực đồng euro cũng đang tồn tại nhiều vấn đề phải lo lắng và là nguy cơ lớn đối với kinh tế toàn cầu, Lena Komileva, nhà kinh tế tại G+ Economics cho biết.
Chỉ số PMI của Markit đối với khu vực đồng euro, dựa trên các cuộc khảo sát tại hàng ngàn công ty và được xem là một hướng dẫn tốt cho sự tăng trưởng đã giảm xuống 52,7, thấp hơn mức cao 52,9 vào ngày 31/1.
Chỉ số tổng thể đã cho thấy, Pháp đang tụt hậu xa so với các nước trong khu vực, dội gáo nước lạnh vào hy vọng về sự phục hồi của nước này nhờ đà tăng trưởng kinh tế 0,3% trong quý IV năm ngoái.
“Câu chuyện đằng sau chỉ số PMIs của khu vực đồng euro là sự phục hồi ngày càng mong manh trong bối cảnh sự chênh lệch tăng trưởng ngày càng tăng giữa các nền kinh tế lớn nhất của khu vực”, ông Komileva nói.
Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất vẫn cho thấy, tăng trưởng kinh tế của khối này có thể ở mức 0,5% trong quý I, nhưng vẫn còn phải đối mặt với tình trạng giá cả giảm sút, với lạm phát bất ngờ giảm xuống 0,7% trong tháng 1. Điều đó cũng làm gia tăng áp lực trên Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc cân nhắc các chính sách mới để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế khu vực.