Thực tế, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này đã phải phụ thuộc rất nhiều vào các gói chi tiêu của chính phủ và xung lực từ ngành du lịch để có thể vượt qua giai đoạn trì trệ. Hiện tại, xuất khẩu, lĩnh vực chiếm khoảng 60% GDP Thái Lan, đã bắt đầu lấy lại động lực tăng trưởng.
Trong tuyên bố sau cuộc họp chính sách mới đây, Ngân hàng Trung ương Thái Lan khẳng định, kinh tế nước này đường như đang bắt nhịp nhanh hơn so với những đánh giá trước đó, dù vẫn phải đối mặt với một số bất định từ môi trường bên ngoài. Đánh giá này cho thấy, những tín hiệu đã lạc quan hơn nhiều kể từ năm ngoái, thời điểm thể chế tài chính này vẫn mô tả nền kinh tế “xứ chùa Vàng” đứng trước những “trận gió ngược” và có nguy cơ tụt lùi.
Sự phục hồi của xuất khẩu là nhân tố chính giúp kinh tế Thái Lan “xoay chiều”. Xuất khẩu của Thái Lan đã tăng liên tiếp 2 tháng cuối năm và tăng trung bình 0,5% cả năm 2016, đánh dấu mức tăng hàng năm đầu tiên trong vòng 4 năm qua.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Veerathai Santiprabhob cho biết, tăng trưởng xuất khẩu ghi nhận những chuyển biến từ ngành công nghiệp nói chung, cho đến khả năng đa dạng các thị trường xuất khẩu cao hơn. Sự hồi sinh rộng lớn này đã tiếp thêm lòng tin đối với các nhà hoạch định chính sách của Thái Lan.
Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan đạt khoảng 215,3 tỷ USD năm 2016, trong đó xuất khẩu ô tô và linh kiện, cũng như nữ trang tiếp tục tăng. Xuất khẩu các sản phẩm nhựa và điều hòa không khí cũng bắt đầu phục hồi, cho dù xuất khẩu một số sản phẩm như linh kiện điện tử ghi nhận mức sụt giảm. Nhìn chung, bức tranh thương mại của Thái Lan cho thấy những cải thiện rõ nét so với tình trạng suy giảm của những năm trước đó.
Bên cạnh đó, chính quyền quân sự Thái Lan tiếp tục đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế thông qua tăng cường chi tiêu đáng kể, tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng. Kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông năm 2017 bao gồm 36 dự án có tổng giá trị khoảng 900 tỷ baht (25,7 tỷ USD), trong đó 73% tập trung vào các dự án đường sắt.
Tới năm 2018, các kế hoạch xây dựng đường sắt tốc độ cao do Trung Quốc hỗ trợ, kết nối Bangkok và tỉnh miền Bắc Nong Khai có thể được khởi động. Ngoài ra, một dự án đường sắt tốc độ cao kết nối Bangkok với thành phố Chiang Mai sử dụng công nghệ đường sắt siêu tốc của Nhật Bản (shinkansen) cũng sẽ được triển khai.
Ủy ban Phát triển kinh tế và xã hội Thái Lan trong tuần này sẽ công bố số liệu tăng trưởng GDP chính thức năm 2016 và dự báo GDP năm 2017. Trước đó, trong báo cáo hồi tháng 11/2016, cơ quan này đã dự báo mức tăng GDP của Thái Lan đạt khoảng 3-4% trong cả năm. Và nếu số liệu cập nhật cao hơn, đó thực sự là minh chứng cho thấy sự lạc quan của chính phủ Thái Lan đối với tiến trình hồi phục kinh tế.
Tuy nhiên, phía sau những lạc quan tích cực nói trên, giới phân tích nhận định, Bangkok vẫn đứng trước “ngã ba đường”, tức là những nguồn cơn có thể làm chệch hướng sự phát triển năng động của đất nước.
Chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump chính là một trong những “ngã rẽ” đó, khi Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan.
Bên cạnh đó, nếu xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chậm lại, Thái Lan cũng sẽ chịu tác động tương tự, khi các nhà chế tạo Trung Quốc chính là đối tác nằm trong chuỗi cung ứng sản phẩm điện tử, gia dụng và linh kiện tại Thái Lan.
Nhiệm vụ của chính quyền quân sự Thái Lan sẽ không chỉ là tìm cách đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế ngắn hạn, mà còn phải theo đuổi các cải cách cấu trúc cần thiết trong dài hạn để đưa Thái Lan thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.
Trong bối cảnh tỷ lệ sinh tại Thái Lan liên tục tụt lùi những năm gần đây, dân số Thái Lan được dự báo sẽ bắt đầu giảm trong thời gian tới. Vì thế, những dấu hiệu phục hồi kinh tế là chưa đủ để Thái Lan có thể hoàn toàn yên tâm cho công cuộc phát triển dài hạn và sự lựa chọn hướng đi nào trong những “ngã rẽ” sẽ quyết định tương lai của “xứ chùa Vàng”.