Nền kinh tế đang có nhiều yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen như FDI tăng trưởng nhờ lao động giá rẻ và một số ưu đãi, khách du lịch đến Việt Nam tăng mạnh, Chính phủ nỗ lực gỡ bỏ các rào cản kinh doanh, cổ phần hóa DNNN đang chậm lại…
Ông Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế Trường đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, VND có thể mất giá 2 - 3%/năm, lãi suất điều hành tăng nhẹ, tăng trưởng cung tín dụng/cung tiền nhiều khả năng bị khống chế ở mức quanh 15%/năm.
Dòng vốn vào Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ việc “bình thường hóa tiền tệ” từ Mỹ và sắp tới là EU. Chuyên gia này cho rằng, tỷ giá chính thức và biên độ tỷ giá sẽ được giữ nguyên từ nay cho tới cuối năm 2018. Thay vì xem xét giải pháp phá giá tiền tệ vượt mức cam kết 2%, Ngân hàng Nhà nước có thể lựa chọn hạn chế tăng trưởng tín dụng hoặc tăng lãi suất điều hành.
Bởi lẽ, nếu phá giá VND theo các nền kinh tế khác thì đó không phải là giải pháp hợp lý do giá trị nhập khẩu của Việt Nam rất lớn. Nếu không cải thiện công nghiệp phụ trợ, công nghệ trong nước, việc phá giá VND là lợi bất cập hại.