Kinh tế rất khó khăn, cần nghị quyết riêng về doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội thảo luận tại 19 tổ về tình hình kinh tế, xã hội, nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng về khó khăn của doanh nghiệp.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh

Đại biểu Đinh Ngọc Minh

Tiếp tục kỳ họp thứ 5, sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại 19 tổ về tình hình kinh tế, xã hội và một số nội dung liên quan khác.

Nhiều phát biểu chứa đầy lo lắng về những vấn đề của nền kinh tế, đặc biệt là môi trường đầu tư, kinh doanh xấu đi không chỉ do tác động bên ngoài, mà còn do chất lượng thể chế đã kém rồi, chất lượng cán bộ còn kém hơn. Trong khi đó giải pháp vẫn cũ như các kỳ họp trước.

Dân đói kém thì xây tượng đài để ca ngợi ai

“Một tiểu thương ở chợ Bến Thành (TP.HCM) nói có giai đoạn 2 tuần không bán được mẩu hàng nào. Như vậy, cầu trong nước giảm, doanh nghiệp nợ lương, người dân phải thắt lưng buộc bụng, lương không có thì lấy đâu tiêu dùng. Trong khi đó, các dự án cổng chào, tượng đài vẫn triển khai. Không hiểu khi dân khó khăn, nhất là vùng sâu, xa đói kém như vậy, thì xây tượng đài để ca ngợi cái gì”.

Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu như trên khi tham gia thảo luận tổ.

Theo ông Vân, việc năm 2023, ngay từ đầu năm đã gặp nhiều khó khăn cũng không bất ngờ, đã được lường trước khi bàn về kịch bản tăng trưởng năm 2023 rồi.

Chính phủ vẫn quyết tâm xây dựng kịch bản với chỉ tiêu cao, nhưng chuyên gia phân tích đánh giá rằng 2023 là năm mã hồi của Covid-19, yếu tố đó làm kinh tế kiệt quệ, suy yếu ngay từ đầu năm.

“Tác động từ bên ngoài làm bức tranh kinh tế nửa đầu năm ảm đạm. Số lượng doanh nghiệp đăng ký giảm rất nhiều, số lượng công nhân thất nghiệp tăng lên. Trong ngày 23/5, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai đã tiếp nhận 22.000 hồ sơ thất nghiệp, buồn lắm”, ông Vân nói.

Vị đại biểu này nhấn mạnh, đánh giá tình hình kinh tế từ năm 2023 phải có cách nhìn khách quan, đừng tiêu cực cho rằng, do điều hành, do hạn chế nào đó trong điều hành kinh tế vĩ mô mà kinh tế ảm đạm. Cần nhìn vào tác động bên ngoài, tác động của đại dịch, của chiến tranh, xung đột, mâu thuẫn của các nước lớn.

Thế nhưng sau đó, ông Vân nêu hàng loạt yếu kém từ nội tại, mà theo ông gốc rễ vẫn là cán bộ. Chất lượng thể chế đã kém rồi, chất lượng cán bộ còn kém hơn, chứ không phải do sự vận hành các thiết chế về kinh tế, doanh nghiệp.

Thảo luận về chương trình xây dựng pháp luật vừa rồi, có đại biểu nói vòng đời đạo luật quá ngắn, nhận xét quá chính xác. Tầm nhìn lập pháp, tư duy chiến lược quá ngắn, hành dân và khổ doanh nghiệp, ông Vân nhấn mạnh.

Theo đại biểu Vân, chất lượng thể chế thấp, pháp luật không ổn định, chất lượng cán bộ yếu kém nên dẫn đến điều hành bất nhất. Ông chủ tịch này, nhiệm kỳ này thì ủng hộ, nhưng sang nhiệm kỳ sau, chủ tịch khác thấy doanh nghiệp ngứa mắt, thu hồi lại dự án. Trong khi họ bỏ vào hàng trăm tỷ đồng vào dự án đó rồi, rồi trả lại theo lãi suất ngân hàng thế là họ chết.

“Chúng ta không trị những cán bộ như thế thì doanh nghiệp khó sống, khó phát triển”, ông Vân nêu quan điểm.

Về giải pháp, theo ông Vân, Chính phủ cần có chương trình đối phó ngắn hạn với tình hình tạm gọi là suy thoái, (nền kinh tế chưa nhưng đang tiệm cận bị suy thoái), tập trung vào chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Cụ thể hơn, ông Vân đề nghị không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự, những vụ án nào mà thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo phải đẩy nhanh, xử lý nghiêm minh để ngăn chặn, gây dựng niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Nếu kéo dài thì doanh nghiệp nào cũng lo lắng, thấp thỏm, sợ mình vi phạm tương tự nên không dám làm gì.

Cái nào họ vô tình sa bẫy, do pháp luật không rõ ràng thì phải khoan dung, những ai ăn năn hối cải thì khoan hồng, ông Vân bày tỏ quan điểm.

Chưa thấy giải pháp khác các năm trước

Nhận xét báo cáo của Chính phủ khá đầy đủ, song đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, qua so sánh thì không thấy giải pháp nào khác so với các báo cáo các năm trước, các kỳ họp trước đây.

Năm nay, kinh tế tăng trưởng chậm lại thì phải có giải pháp khác, nhưng ở đây không thấy giải pháp khác mà Chính phủ đưa ra để kích lại nền kinh tế, ông Minh sốt ruột.

Theo đại biểu Minh, thời điểm này chọn 1-2 giải pháp để làm sao nền kinh tế phục hồi tốt là quý rồi.

Đại biểu Minh đề nghị nên chọn giải pháp làm thế nào để giảm chi phí logicstic của Việt Nam, hiện nay đang gấp đôi trung bình của thế giới. Hiện trung bình của thế giới là 10%GDP, thì Việt Nam là từ 18-20% GDP. Tức là, nếu tính GDP của Việt Nam là 400 tỷ USD, thì đang mất 80 tỷ USD cho chi phí logicstic này, trong khi bình quân thế giới chỉ có 10% thôi, chỉ mất 40 tỷ USD thôi.

Vì vậy, chỉ cần một biện pháp này thì doanh nghiệp có 40 tỷ USD/năm, đây là số tiền lớn, nếu giải quyết được thì hàng năm đều có tiền này, góp phần cho nền kinh tế tăng trưởng.

Đề nghị Chính phủ có đề án để giảm chi phí logicstic, ông Minh phân tích, hiện nước ta có 2 cảng lớn xuất khẩu là Hải phòng, và TPHCM, chủ yếu bằng đường bộ, chi phí rất lớn, đặc biệt là chi phí không chính thức trên đường là rất lớn. Nếu làm được tuyến đường sắt từ Hải Phòng đi Lào Cai (hiện Hải Phòng có 100 triệu tấn hàng hóa/năm) thì sẽ hiệu quả ngay.

Ông Minh cũng bảy tỏ sự đồng tình với đại biểu Lê Thanh Vân là làm thế nào để doanh nghiệp sống, đây là nền tảng quốc gia.

“Tôi đề nghị Quốc hội có một nghị quyết riêng để phát triển doanh nghiệp trong thời đại mới để phục hồi kinh tế, bao gồm cả hỗ trợ thuế tối thiểu toàn cầu, hỗ trợ doanh nghiệp không bị tác động bởi lực lượng này, lực lượng kia thỉnh thoảng xuống hỏi, thỉnh thoảng xuống thanh tra làm người ta mất nhuệ khí đi”, ông Minh phát biểu.

Tin bài liên quan