Kinh tế quý I khởi sắc hơn nhờ FDI

0:00 / 0:00
0:00
Sáng nay (29/3), Tổng cục Thống kê công bố tình hình kinh tế-xã hội 3 tháng đầu năm 2021 với kết quả tăng trưởng GDP cao hơn so với quý I/2020- thời kỳ Covid-19 mới bắt đầu vào Việt Nam.

Có được kết quả này, theo TS. Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) là nhờ Việt Nam vẫn khơi thông được dòng vốn đầu tư nước ngoài.

TS. Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê).

TS. Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê).

Với việc kiểm soát tốt Covid-19, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong quý I năm nay chắc ghi nhận nhiều kết quả tốt đẹp, thưa ông?

Năm 2020, Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng vốn FDI trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, mọi thứ đã xoay chuyển theo chiều hướng thuận hơn, khi Việt Nam chống dịch bệnh hiệu quả.

Kết quả là, tính đến ngày 20/3/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5%; vốn thực hiện đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5%. Trong đó, vốn cấp mới tăng 30,6%, vốn điều chỉnh tăng 97,4% so với cùng kỳ năm trước.

Với kết quả đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý I năm nay khởi sắc hơn?

Vốn đầu tư nước ngoài đóng góp rất quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta. Doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (động lực của tăng trưởng kinh tế) chiếm tỷ trọng cao nhất, hiện thu hút gần 230 tỷ USD, chiếm 58,5% tổng vốn đầu tư. Khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng chiếm thế áp đảo trong hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta.

Trong 3 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp FDI nói chung, FDI trong khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng tiếp tục phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh sau tác động của Covid-19, nên đã xuất siêu gần 8,8 tỷ USD, kể cả dầu thô, bù đắp phần nhập siêu gần 6,7 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cả nước xuất siêu khoảng 2,1 tỷ USD trong quý I năm nay. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế, hoạt động xuất nhập khẩu quý I năm nay sáng sủa hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2020.

Thưa ông, không phải đợi Covid-19 qua đi, mà ngay cả trong lúc đại dịch diễn biến phức tạp, các nước trong khu vực, đặc biệt là Ấn Độ, cũng tìm mọi cách chào mời doanh nghiệp FDI, nên chắc gì Việt Nam đủ sức cạnh tranh trong thời gian tới?

Cạnh tranh trên thương trường nói chung, thu hút vốn FDI nói riêng, lúc nào cũng diễn ra, chứ không phải là giai đoạn hậu Covid-19. Tuy nhiên, khi thương chiến Mỹ - Trung xảy ra, nước nào cũng muốn “thừa nước đục thả câu” với dự báo là doanh nghiệp đang đầu tư tại Trung Quốc sẽ chuyển dòng vốn đầu tư sang các nước khác, bản thân doanh nghiệp Trung Quốc cũng muốn phân tán sản xuất để tránh bị tác động tiêu cực bởi cuộc chiến thương mại này. Đặc biệt, thời kỳ hậu Covid-19, khả năng cạnh tranh sẽ gay gắt hơn vì sau khi kinh tế rơi vào suy thoái, nước nào cũng muốn nhanh chóng phục hồi.

Ấn Độ nổi lên là đối thủ cạnh tranh nặng ký vì chi phí nhân công thấp và chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đưa ra hàng loạt ưu đãi hấp dẫn doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, quan hệ Trung - Ấn căng thẳng, nên khả năng nhà đầu tư nước ngoài chọn Ấn Độ là địa điểm đầu tư giảm đi vì đầu tư vào Ấn Độ sẽ bị rủi ro do thị trường cung cấp đầu vào cho hoạt động sản xuất và cả thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra là Trung Quốc dễ bị tác động bởi yếu tố chính trị. Hơn nữa, Ấn Độ vào phút cuối đã không tham gia RCEP, nên đã bỏ lỡ sân chơi lớn nhất thế giới.

“Hàng xóm” của Việt Nam như Indonesia, Philippines, Thái Lan cũng không bỏ lỡ cơ hội này để thu hút FDI, thưa ông?

Các nước kể trên có một số thế, nhưng Việt Nam lại có những thế mạnh mà các quốc gia này không có được, như ổn định chính trị, kinh tế phát triển ổn định và bền vững. Điều này đã được minh chứng khi Covid-19 xảy ra, các nước trong khu vực đều tăng trưởng âm, thì Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,91% (năm 2020); các nước đều rơi vào tình trạng suy giảm hoạt động xuất nhập khẩu, thì chúng ta vẫn tiếp tục đà tăng trưởng, như năm 2020 tăng 6,5% và 3 tháng đầu năm (tính đến ngày 15/3/2021) tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài ra, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, UKVFTA…, trong khi các nền kinh tế này vẫn đứng ngoài sân chơi lớn. Chưa kể, vị trí địa lý Việt Nam giáp Trung Quốc ở biên giới đất liền cũng là thuận lợi rất lớn để thu hút doanh nghiệp FDI, đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc.

Tin bài liên quan