Kinh tế ốm yếu, cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh

Kinh tế ốm yếu, cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh

(ĐTCK) Vì sao cổ phiếu của nhiều ngân hàng giảm mạnh? Không thể phủ nhận một phần nguyên nhân là do sự sụt giảm chung trên các thị trường chứng khoán, song giới phân tích cho rằng, các ngân hàng hiện vẫn là những liên kết yếu trong chuỗi kinh tế.

Trong giai đoạn từ 4/1 đến 15/2, chỉ số chứng khoán Standard & Poor 500 của Mỹ giảm 7,5%, trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng (trong S&P 500) giảm 16,1%.

Cũng trong giai đoạn này, chỉ số FTSE Eurofirst 300 (của châu Âu) giảm 9,5%, trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm tương ứng tới 19,5%.

Nếu nhìn xa hơn diện mạo của hệ thống ngân hàng, có thể nhận ra cổ phiếu của lĩnh vực này vẫn chưa phục hồi như giai đoạn hoàng kim trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2009.

Ví dụ, tại thời điểm ngày 15/2/2015, chỉ số S&P 500 cao hơn 23% so với ngày 2/7/2007, song khu vực ngân hàng Mỹ vẫn thấp hơn tới 51% so với giai đoạn tương ứng.

Trong khi đó, FTSE Eurofirst thấp hơn 21% so với mức của năm 2007, phản ánh mức độ phục hồi chậm của kinh tế châu Âu, đồng thời lĩnh vực ngân hàng vẫn thấp hơn tới 71%.

Kinh tế ốm yếu, cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh ảnh 1

Vậy điều gì đang diễn ra? Trước hết, các nhà đầu tư có thể đã nhận ra những rủi ro đối với cổ phiếu nhiều hơn so với khả năng sinh lời, nhất là khi thị trường chứng khoán Mỹ đã không còn trong giai đoạn bùng nổ như những năm 1929 hay 2000.

Một số thì lo ngại về sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ, một phần do đồng USD mạnh hơn, tác động xấu tới lợi nhuận doanh nghiệp và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ.

Số khác thì lo sợ về những tác động ngắn hạn khi giá hàng hóa sụt giảm, đặc biệt là giá dầu mỏ, nhân tố đang gây sức ép tài chính và kinh tế tới các quốc gia và công ty xuất khẩu “vàng đen”; kinh tế Trung Quốc “mất nhiệt” và sự không hiệu quả trong các chính sách kích thích thị trường của nước này; các rủi ro địa chính trị như căng thẳng Nga và phương Tây hay sự tan rã của Liên minh châu Âu (EU) khi vương quốc Anh rời khỏi khối này.

Những lo ngại trên tác động đáng kể tới triển vọng của hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng là những đối tượng có mối liên kết rất lớn tới nền kinh tế. Một khi kinh tế ốm yếu, các ngân hàng cũng bị “hắt hơi”. Ngược lại, hệ thống ngân hàng không lành mạnh thì thể trạng nền kinh tế cũng khó khỏe.

Các điều kiện thị trường yếu kém cũng làm xói mòn lợi nhuận trong hoạt động đầu cơ và quản lý tài sản. Mối nguy giảm phát cũng làm gia tăng khả năng thực thi lãi suất âm, giống như những gì mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã thực hiện.

Biểu đồ bên mô tả nguy cơ giảm phát gia tăng đã tác động tới lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của 5 nền kinh tế Nhật Bản, Đức, Anh, Mỹ và Thụy Sỹ như thế nào (đặc biệt trong giai đoạn cuối năm 2015 và đầu năm 2016).

Kinh tế ốm yếu, cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh ảnh 2

Nhìn chung, giới phân tích cho rằng, kinh tế thế giới sẽ không hướng tới một cuộc khủng hoảng, song nguy cơ tăng trưởng chậm lại là rõ ràng, cùng các rủi ro mới đang nổi lên. Các rủi ro này có gắn kết tới hệ thống ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng châu Âu.

Các nhà hoạch định chính sách đã nhìn ra những vấn đề này và sẽ phải làm những gì cần thiết để tránh mối nguy đó. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là: các ngân hàng đang là những liên kết yếu trong chuỗi kinh tế toàn cầu.

Tin bài liên quan