Kinh tế nhiều điểm sáng, vẫn cần quan tâm hơn đến chất lượng doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Xét từ phía tổng cầu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và giải ngân đầu tư công vẫn là điểm sáng của nền kinh tế.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phát biểu tại tổ.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phát biểu tại tổ.

Tiếp tục Kỳ họp thứ tám Quốc hội khoá XV, sáng 26/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình, kinh tế xã hội. Ghi nhận nhiều điểm sáng song đại biểu cũng chỉ ra những yếu tố thiếu bền vững của nền kinh tế và những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp.

Lương đã tăng sau nhiều lần lỡ hẹn

Một trong những điểm nhấn của năm 2024, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) là lương cơ sở tăng và lương hưu được điều chỉnh sau rất nhiều lần lỡ hẹn. Cả quá trình nghiên cứu thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đặt ra rất nhiều khó khăn nhưng cuối cùng cũng tìm ra được giải pháp, cả hệ thống chính trị rất phấn khởi, bà Thủy nhấn mạnh.

Nêu một số điểm sáng khác, như khả năng cả năm 2024 sẽ đạt và vượt cả 15/15 chỉ tiêu, kết cấu hạ tầng có bước đột phá, chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số có điểm nhấn tích cực…đại biểu Thủy nêu rõ “cảm nhận nhân dân, doanh nghiệp rất vững lòng về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Dù gặp nhiều khó khăn song kinh tế vẫn đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận là nhận xét của nhiều vị đại biểu khác, trong đó có đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị).

Ông Hà Sỹ Đồng nhận xét, nhìn sâu vào nội hàm của con số 6,82% tăng trưởng GDP bình quân 9 tháng năm 2024, ghi nhận đóng góp của các ngành kinh tế cấp 1. Ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, đóng góp 46,22% vào mức tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành Dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%; ngành nông - lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,20%, đóng góp 5,37%.

“Có thể thấy, sản xuất công nghiệp đang bước vào giai đoạn hồi phục tích cực. Chỉ số PMI ngành sản xuất đã quay trở lại mức trên ngưỡng trung tính 50 điểm kể từ đầu năm, sau khi liên tiếp ở dưới mức 50 điểm trong gần suốt năm 2023, cho thấy hoạt động sản xuất đang được mở rộng, đặc biệt là từ tháng 6 (trừ tháng 9 bị bão). Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng đạt 8,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó riêng ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng tới 9,7%, với các sản phẩm chủ lực như cao su và nhựa plastic, hóa chất, than cốc, xe có động cơ, kim loại, ... Đây thực sự là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng thêm của nền kinh tế (tới 2,44 điểm phần trăm)”, vị đại biểu Quảng Trị nhận xét.

Xét từ phía tổng cầu, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và giải ngân đầu tư công vẫn là điểm sáng của nền kinh tế. Tính đến 30/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 25 tỷ USD, tăng 11,6% so cùng kỳ năm trước. FDI thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%. Nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, như sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm cho nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 9 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, cầu tiêu dùng của khu vực dân cư vẫn yếu, chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt và đang được bù đắp một phần bởi chi tiêu của khu vực nhà nước. Tính chung 9 tháng, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ chỉ đạt 8,8% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng cùng kỳ 2023 (+10,1%) và cùng kỳ 2019 (+12,2%). Loại trừ yếu tố giá, mức tăng trưởng chỉ còn 5,8%, trong khi cùng kỳ 2023 đạt 7,6% và cùng kỳ 2019 đạt 10,8%.

Cạnh đó, theo đại biểu, cần thiết phải bóc tách, làm rõ “tính gia công”, “mức độ trung chuyển” của nền kinh tế Việt Nam. Bởi những con số như tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ cao gấp mấy lần quy mô GDP, hay độ mở lớn của nền kinh tế, hay cán cân thương mại hàng hoá thặng dư cao nhưng khu vực doanh nghiệp trong nước thường luôn nhập siêu….dễ đem lại cảm nhận chưa thực sự thực chất về bức tranh kinh tế Việt Nam.

Quan tâm hơn đến chất lượng doanh nghiệp

Đề cập những vấn đề cùa doanh nghiệp, doanh nhân - đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) nêu, theo khảo sát và đánh giá của Tổng cục thống kê cho thấy có từ hơn 10% đến hơn 50% doanh nghiệp cho rằng có 15 yếu tố tác động, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh thời gian qua. Trong đó nổi lên nhất là những khó khăn về nhu cầu thị trường thấp, tính cạnh tranh của hàng trong nước cao, nợ đọng xây dựng cơ bản, giá nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất, khó khăn về tài chính và lãi suất cao…

“Từ thực tiễn hoạt động doanh nghiệp, tôi cho rằng đây là những đánh giá khách quan và phản ánh đúng thực tế. Các kỳ họp trước tôi đã phát biểu về những khó khăn về tiếp cận vốn và tuy đã được tháo gỡ nhưng vẫn cần tiếp tục phải được quan tâm hơn, đặc biệt là về lãi suất, tôi cho rằng với mức như hiện nay vẫn còn cao, đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu điều chỉnh hạ lãi suất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp - điều này cũng nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng (9 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng chỉ có 9%, trong khi mục tiêu là 14-15%)”, bà Hiền phát biểu.

Một khía cạnh khác cần được quan tâm, theo vị đại biểu Hà Nam là, dù số lượng doanh nghiệp gia tăng đều suốt những năm qua, đã từ hơn 654 nghìn doanh nghiệp năm 2017 đến năm 2023 đạt mức hơn 921 nghìn và năm 2024 chắc chắn sẽ tiếp tục tăng.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) phát biểu tại tổ.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) phát biểu tại tổ.

“Tuy nhiên, nếu đánh giá về mục tiêu thì tôi e rằng khó có thể đạt được việc phát triển 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Mặt khác, quy mô doanh nghiệp của chúng ta cũng rất nhỏ, hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa, trong khi số liệu thống kê cũng cho thấy số doanh nghiệp kinh doanh lỗ nằm nhiều ở nhóm này”, bà Hiền nhìn nhận.

Bên cạnh đó, vị đại biểu doanh nhân cho rằng cũng cần phải quan tâm hơn đến chất lượng doanh nghiệp chứ không chỉ đơn thuần về số lượng. Bởi số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh chỉ bình quân ở mức chưa đến 85% so với tổng số doanh nghiệp. Số doanh nghiệp kinh doanh có lãi cũng không cao, ví dụ năm 2022 có chưa đến 45% trong tổng số hơn 735 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có lãi, còn lại 46,9% lỗ và hòa vốn chỉ 8,5%.

Đến tháng 9/2024 có hơn 183 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhưng cũng có gần 164 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đó là chưa kể còn số lượng hàng chục nghìn doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh. Riêng năm 2022 và 2023 số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng khá đột biến và tương ứng là 73,8 nghìn và 89 nghìn doanh nghiệp và 9 tháng đầu năm 2024 đã hơn 86 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Chính phủ cũng quan tâm hơn đến các yếu tố chất lượng chứ không chỉ phát triển về số lượng doanh nghiệp, bà Hiền phát biểu.

Tin bài liên quan