Trong quý III/2015, GDP của Nhật Bản giảm 0,8%, sau khi đã giảm 0,7% trong quý II. Trước đó, các nhà kinh tế dự báo GDP sẽ giảm 0,2%. Bên cạnh đó, lĩnh vực đầu tư kinh doanh giảm 0,2% trong quý III.
Lĩnh vực đầu tư kinh doanh yếu kếm và dự trữ giảm sút đã dẫn tới sự tụt giảm GDP Nhật Bản, mà nguyên nhân là do sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc và viễn cảnh kinh tế toàn cầu không tươi sáng khiến các công ty Nhật cắt giảm chi tiêu và sản xuất.
Hiện tại, Chính phủ Nhật kỳ vọng GDP sẽ tăng trưởng trong quý cuối năm, tuy nhiên số liệu GDP hiện tại vẫn tạo áp lực lên ông Abe và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda nhằm có thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ và kích thích kinh tế. Cuối tuần này, BOJ sẽ tổ chức phiên họp tài chính thường kỳ.
“Báo cáo lần này chỉ ra những mối nguy cơ đang gia tăng mà nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục phải đối mặt. Sự yếu kém của lĩnh vực đầu tư đang trở thành mối lo ngại lớn hơn. Điều này cho thấy các công ty thiếu tự tin vào sự ổn định của nền kinh tế nội địa và quốc tế”, Atshushi Takeda, nhà kinh tế học tại Itochu Corp (Tokyo) cho biết.
Việc đầu tư lao dốc là một đòn khá mạnh đối với ông Abe, người đang hết sức kêu gọi các công ty trong nước thay vì nắm giữ lượng lớn tiền mặt nên tiến hành các hoạt động đầu tư. Trong quý II/2015, lĩnh vực đầu tư kinh doanh đã giảm 1,3%, sau đó được xem xét lại ở mức giảm 1,2%.
Hoạt động đầu tư tại Nhât đang theo chiều hướng giảm
“BOJ nên hành động ngay bây giờ nếu họ muốn nền kinh tế quay trở lại trạng thái bình thường: giá cả đang giảm xuống và nền kinh tế không tăng trường, cho thấy mức lạm phát mục tiêu vẫn còn khá xa vời”, Takeda cho biết.
Bộ trưởng Kinh tế Akira Amari phát biểu sau khi các số liệu được công bố rằng, các con số này chỉ ra vấn đề về nhân khẩu học, đồng thời khiến những ý kiến bất đồng về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giảm đi.
Theo ông Amari, chính phủ sẽ có các biện pháp tài chính linh hoạt và GDP sẽ tăng trưởng trong quý cuối năm.