Kinh tế Nhật Bản chặn đà suy thoái, nhưng hồi phục chậm

0:00 / 0:00
0:00
Nền kinh tế Nhật Bản đã ngăn chặn được suy thoái trong quý IV/2022 nhưng tốc độ hồi phục chậm hơn nhiều so với dự báo.
Tiêu dùng tư nhân ở Nhật Bản đang vấp phải trở ngại do chi phí sinh hoạt tăng cao. Ảnh: AFP

Tiêu dùng tư nhân ở Nhật Bản đang vấp phải trở ngại do chi phí sinh hoạt tăng cao. Ảnh: AFP

Hãng tin Reuters dẫn số liệu chính phủ Nhật Bản công bố ngày 14/2 cho biết trong quý IV/2022 nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã tăng trưởng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, sau mức suy giảm điều chỉnh là 1,0% trong quý III.

Tăng trưởng quý IV/2022 thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng trưởng trung bình 2,0% của thị trường. Nguyên nhân được chỉ ra là do chi phí đầu tư tài sản cố định và hàng tồn kho cùng sụt giảm.

Tình hình đầu tư kinh doanh đi xuống trong quý IV/2022 là dấu hiệu cho thấy thách thức mà Ngân hàng Trung ương nước này phải đối mặt khi loại bỏ dần chương trình kích thích kinh tế quy mô lớn.

Các nhà phân tích cho rằng, trong khi tiêu dùng tư nhân ở Nhật Bản đang vấp phải trở ngại do chi phí sinh hoạt tăng cao, thì những bất ổn về triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi của Nhật Bản sau những "vết thương" do đại dịch Covid-19 gây ra.

Ông Darren Tay, chuyên gia kinh tế Nhật Bản tại Công ty phân tích tư vấn độc lập Capital Economics, nhận định: "Với việc các nền kinh tế phát triển khác đang trong suy thoái, thì chúng tôi vẫn cho rằng thương mại ròng sẽ kéo Nhật Bản vào suy thoái trong nửa đầu năm nay, đặc biệt là khi đầu tư kinh doanh đang suy giảm nhanh hơn chúng tôi dự đoán".

Tiêu dùng tư nhân, lĩnh vực đóng góp hơn một nửa GDP của Nhật Bản, chỉ tăng 0,5% trong quý IV/2022 và kết quả này khớp với dự báo trung bình của thị trường.

Trái lại, chi phí đầu tư vào tài sản cố định lại giảm 0,5% trong quý IV/2022, cao hơn so với mức giảm được dự báo là 0,2%.

Nhu cầu từ các thị trường bên ngoài đã đóng góp thêm 0,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong quý IV/2022, nhưng vẫn thấp hơn so với mức đóng góp 0,4 điểm phần trăm mà các nhà phân tích kỳ vọng.

Ông Toru Suehiro, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng đầu tư Daiwa Securities, cho rằng: "Sự phục hồi là không mấy ấn tượng, từ mức tăng trưởng âm trong tháng 7 đến tháng 9 (quý III/2022 - BTV)".

"Chúng ta có thể kỳ vọng mức tiêu dùng sẽ tăng lên khi chi tiêu dịch vụ ổn định. Nhưng thật khó để đưa ra dự báo về sự phục hồi mạnh mẽ, một phần là bởi áp lực từ lạm phát gia tăng", ông Suehiro nói.

Nhật Bản ghi nhận lượng khách du lịch quốc tế tăng lên kể từ khi quốc gia này chấm dứt một số biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất thế giới vào tháng 10/2022 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đang hy vọng sự phục hồi của tiêu dùng trong nước, được thúc đẩy bởi khoản tiết kiệm tích lũy được trong thời gian xảy ra đại dịch, sẽ đủ bù đắp đến lúc tiền lương tăng lên và giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình do chi phí lương thực và nhiên liệu đều tăng cao.

Trong bối cảnh lạm phát đã vượt quá mục tiêu 2%, thì triển vọng kinh tế và tiền lương sẽ là chìa khóa để Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định gỡ bỏ chương trình kích thích khổng lồ của mình trong thời gian sớm nhất.

Tin bài liên quan