Thúc đẩy tăng trưởng của đầu tàu công nghiệp là một trong những thách thức của nền kinh tế Việt Nam. Trong ảnh: Nhà máy Doosan Vina ở Quảng Ngãi. Ảnh: Đ.T

Thúc đẩy tăng trưởng của đầu tàu công nghiệp là một trong những thách thức của nền kinh tế Việt Nam. Trong ảnh: Nhà máy Doosan Vina ở Quảng Ngãi. Ảnh: Đ.T

Kinh tế năm 2020: Chủ động ứng phó với thách thức mới

Khí thế của năm 2019 là điểm bắt đầu thuận lợi cho kinh tế Việt Nam năm 2020. Nhưng vẫn còn đó rất nhiều thách thức mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt.

“Cuộc chiến” mới

Trong khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có hồi kết, thì một “cuộc chiến” khác đang được châm ngòi giữa Mỹ và Iran. Dù mới chỉ là những xung đột, nhưng ngay lập tức, giá dầu trên thị trường thế giới bắt đầu bị đẩy lên cao. Chốt phiên giao dịch thứ Hai (6/1), giá dầu Brent ở thị trường London đã tăng 0,31 USD/thùng, lên mức 68,91 USD/thùng. Còn ở thị trường New York, giá dầu WTI chốt ở mức 67,23 USD/thùng.

Nhiều dự báo đã được đưa ra, là giá dầu có thể sẽ tăng lên tới 80 USD/thùng. Và nếu cuộc chiến thực sự nổ ra, tình hình có thể còn tệ hơn. Không chỉ là giá dầu, kinh tế thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này.

Đây là diễn biến mới mà nếu tình hình ngày càng căng thẳng, thì có thể trở thành một thách thức không nhỏ cho kinh tế Việt Nam năm 2020. Nhưng kể cả chưa tính đến “cuộc chiến” mới này, theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng giảm tốc của kinh tế toàn cầu, những bất ổn địa chính trị, thương chiến Mỹ - Trung… cũng đã ẩn chứa nhiều rủi ro cho kinh tế Việt Nam.

Chưa kể, những khó khăn của nội tại nền kinh tế khiến mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm nay là một thách thức lớn. “Sản xuất công nghiệp đang giảm đà tăng trưởng; nông nghiệp còn nhiều khó khăn; tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; cải cách thể chế còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn thị trường…”, chuyên gia Cấn Văn Lực và Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã chỉ ra như vậy.

Cùng với đó, điều khiến ông Cấn Văn Lực lo ngại còn là khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc bên ngoài còn mỏng, trong khi Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở rất lớn; cũng như chuyện một số thị trường, như thị trường bất động sản, đã xuất hiện dấu hiệu rủi ro…

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hùng Linh (Công ty Chứng khoán SSI) nhấn mạnh yếu tố “đầu tàu công nghiệp tăng trưởng chậm lại”. Thậm chí, phân tích sâu hơn, ông Hùng Linh nhắc đến sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào các “ông lớn” nước ngoài như Samsung, Formosa, Lọc hóa dầu Nghi Sơn và điều này được cho là sẽ “mang đến nhiều rủi ro cho tăng trưởng”.

“Sự sụt giảm của các doanh nghiệp này phần lớn đến từ nguyên nhân khách quan là thị trường tiêu thụ, nhưng cũng không loại trừ nguyên nhân chủ quan là thay đổi chiến lược đầu tư. Việc hoạch định và dự báo kinh tế Việt Nam vì vậy cũng trở nên phức tạp”, vị này nói.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch bày tỏ mối băn khoăn khi xuất khẩu của Việt Nam dồn nhiều vào thị trường Mỹ, trong khi lại nhập siêu lớn từ một thị trường. Thêm nữa, tăng trưởng kinh tế dựa vào nợ khá nhiều. Việt Nam muốn đầu tư, đều phải đi vay, dẫn tới nợ ngoại tệ phải trả hàng năm là không nhỏ. 

“5 năm trước, nhiều doanh nghiệp kêu thiếu vốn và hiện nay, họ vẫn kêu thiếu vốn. Nền kinh tế không thiếu vốn, nhưng nghẽn ở khâu tiếp cận vốn”, một hạn chế khác được chuyên gia Trần Du Lịch chỉ ra.

Hướng mở cho nền kinh tế

Dù chỉ ra nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam, nhưng chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch thừa nhận, so với 5 năm trước, kinh tế Việt Nam đã “tốt hơn nhiều”. Thậm chí, những yếu tố từng bị coi là “bom nổ chậm” gây bất ổn vĩ mô nay đã ổn định. “Thông thường theo chu kỳ, cứ sau 5 năm tăng trưởng thì kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại. Nhưng hiện nay, kỳ vọng rằng, giai đoạn tiếp theo sẽ đổi chiều tăng trưởng. Tức là kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh”, ông Trần Du Lịch lạc quan.

Cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,8% mà Quốc hội quyết nghị là sự thận trọng cần thiết, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh, phải tiếp tục tạo điều kiện để khơi thông thể chế và nguồn lực, để nền kinh tế có thể tiếp tục tăng trưởng ở mức cao.

Trong báo cáo mới được phát hành về kinh tế 2019-2020, SSI đã chỉ ra rằng, tận dụng sức cầu trong nước chỉ là giải pháp trước mắt, trong dài hạn, Việt Nam phải xác định chỉ có thị trường toàn cầu mới có thể tạo ra tăng trưởng cao và bền vững. “Tăng trưởng thế giới có thể chậm lại, xu hướng toàn cầu hóa có thể thoái trào, Việt Nam vẫn phải tìm mọi cách để tăng nhanh năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu”, SSI khẳng định.

Việt Nam vẫn cần thêm nhiều chính sách để khơi thông và phát triển nguồn lực, tạo thêm các động lực tăng trưởng mới.

- Ông Nguyễn Đức Hùng Linh (Công ty Chứng khoán SSI)

Trong khi đó, ông Vũ Thành Tự Anh, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhắc đến động lực từ các khoản đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó, tầng lớp trung lưu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, với mức chi tiêu lớn, sẽ trở thành một nhân tố kích thích doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI sản xuất - kinh doanh.

Điều này góp phần quan trọng để Việt Nam tăng thu hút đầu tư nước ngoài và cũng là một động lực quan trọng của nền kinh tế. “Suốt 3 thập niên qua, Việt Nam đã duy trì được tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GDP khoảng 30%. Đây là động lực quan trọng, nhưng tất nhiên, thách thức với Việt Nam là phải nâng cao năng suất, hiệu quả đầu tư”, ông Tự Anh nói.

Khí thế của năm 2019 là điểm bắt đầu thuận lợi cho kinh tế Việt Nam năm 2020. Nền kinh tế đang có không ít động lực tăng trưởng quan trọng. Nhưng rõ ràng, thách thức cũng không phải là nhỏ, nhất là trong bối cảnh, Chính phủ không chỉ quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% Quốc hội đã quyết nghị, mà tiếp tục đạt ngưỡng 7%. Trong kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020, được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01, con số 7% đã được nhắc tới.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với tư cách là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về điều hành kinh tế, Bộ sẽ cập nhật thường xuyên kịch bản tăng trưởng, để kịp thời đề xuất giải pháp điều hành phù hợp.

Tin bài liên quan