Kinh tế Mỹ với nỗi lo đình lạm

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ tăng cao hơn dự báo trong tháng 2/2025, nhưng chi tiêu của người tiêu dùng chỉ tăng nhẹ.
Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng 0,4% trong tháng 2 sau khi giảm 0,3% vào tháng 1 sau điều chỉnh. Ảnh: AFP

Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng 0,4% trong tháng 2 sau khi giảm 0,3% vào tháng 1 sau điều chỉnh. Ảnh: AFP

Lạm phát tăng cao nhất 13 tháng, người Mỹ chi tiêu thận trọng hơn

Chỉ số PCE lõi tháng 2 đã tăng 0,4% so với tháng trước, đánh dấu mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 1/2024, đưa lạm phát 12 tháng qua của Mỹ lên 2,8%, theo số liệu vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố. Trước đó, các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát đã dự đoán chỉ số PCE lõi tháng 2 sẽ tìm kiếm các mức tăng tương ứng là 0,3% và 2,7%.

Lạm phát lõi không bao gồm giá cả thực phẩm và năng lượng và được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) xem là một chỉ báo tốt hơn về xu hướng lạm phát dài hạn.

Nếu đo lường biến động giá tất cả các mặt hàng, lạm phát Mỹ trong tháng 2 đã tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, giá cả hàng hóa tháng 2 đã tăng 0,2%, dẫn đầu là danh mục giải trí và xe cộ với mức tăng 0,5%, trong khi giá dịch vụ tăng 0,4%.

Với tình hình lạm phát như vậy, "có vẻ như Fed vẫn còn nhiều việc phải làm trong tâm thế 'chờ đợi và cân nhắc'", bà Ellen Zentner, nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Morgan Stanley Wealth Management, nhận định.

Bà Zentner phân tích, lạm phát tháng 2 cao hơn dự đoán, nhưng không phải là quá cao, nên nó sẽ không đẩy nhanh tiến độ cắt giảm lãi suất của Fed, đặc biệt là khi xét đến sự không chắc chắn xung quanh thuế quan.

Cũng theo báo cáo của Cơ quan Phân tích Kinh tế thuộc Bộ Thương mại, chi tiêu của người tiêu dùng, đóng góp hơn 2/3 cho nền kinh tế Mỹ, đã tăng 0,4% trong tháng 2 sau khi giảm 0,3% vào tháng 1 sau điều chỉnh.

Tuy nhiên, có thể thấy người tiêu dùng Mỹ đang cắt giảm mức chi tiêu tùy ý, thông qua mức chi tiêu cho các dịch vụ tăng nhẹ 0,2%, còn mức chi cho nhà hàng, khách sạn và nhà nghỉ giảm 15,0%.

"Người tiêu dùng Mỹ rõ ràng đang chi tiêu có chiến thuật và thận trọng hơn khi họ cố gắng điều chỉnh trong môi trường kinh tế và lạm phát không chắc chắn này", ông Scott Anderson, nhà kinh tế trưởng của công ty quản lý đầu tư BMO Capital Markets, nhận xét.

Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ được đưa ra giữa lúc thị trường lo ngại kế hoạch thuế quan của Tổng thống Donald Trump sẽ làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát, ở thời điểm dữ liệu đang có tiến triển chậm nhưng ổn định trở lại mục tiêu 2% của Fed.

Fed đã ngừng tăng lãi suất kể từ đầu năm đến nay, sau khi cắt giảm lãi suất tổng cộng 1 điểm phần trăm trong năm 2024 do lo ngại về tác động của thuế quan lên giá cả hàng hóa.

Các nhà kinh tế có xu hướng coi thuế quan là yếu tố tác động cục bộ không dẫn đến áp lực lạm phát kéo dài hơn, nhưng phạm vi bao trùm thuế quan của Tổng thống Trump và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu hung hăng đang thay đổi xu hướng này.

Nỗi lo đình lạm xuất hiện

Chi tiêu tiêu dùng của Mỹ trong tháng 2 đã phục hồi ít hơn dự kiến, trong khi chỉ số PCE lõi ghi nhận mức tăng hàng tháng lớn nhất trong 13 tháng qua. Bức tranh tiêu dùng và lạm phát làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với giai đoạn tăng trưởng chậm chạp và lạm phát cao trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.

Lo ngại trên được củng cố bởi kết quả khảo sát mới đây của Đại học Michigan chỉ ra rằng kỳ vọng lạm phát 12 tháng của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 3 đã tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 2 năm rưỡi. Thậm chí còn đáng lo ngại hơn, họ dự đoán lạm phát sẽ vẫn ở mức cao trong những năm tiếp theo.

Cụ thể, người tiêu dùng Mỹ dự đoán lạm phát trong năm sẽ tăng lên 5,0%, mức cao nhất kể từ tháng 11/2022. Con số này cao hơn mức dự báo là 4,3% của tháng trước.

Trong 5 năm tiếp theo, họ ước tính lạm phát ở mức 4,1%, cao nhất kể từ tháng 2/1993 và con số này cũng tăng so với mức dự báo là 3,5% vào tháng 2.

"Kỳ vọng lạm phát là cơ chế truyền tải trong đó đòn giáng một lần của thuế quan lên giá cả sẽ biến thành mức tăng chung trên toàn bộ mức giá hoặc lạm phát", ông Joseph Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại công ty kiểm toán RSM tại Mỹ, cho biết.

Đại diện RSM cho rằng: "Một nhà hoạch định chính sách tài khóa hợp lý sẽ xem xét 'giọng điệu' và 'âm điệu' của dữ liệu cứng và mềm và kết luận rằng đã đến lúc bắt đầu cắt giảm các thỏa thuận thương mại để hạn chế thiệt hại cho nền kinh tế thực".

Không riêng ông Brusuelas, nhiều nhà kinh tế cũng nhận thấy chương trình nghị sự thương mại bảo hộ của Tổng thống Trump sẽ làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu và đẩy lạm phát lên cao hơn trong những tháng tới.

Chủ tịch Fed Jerome Powell tuần trước thừa nhận rằng lạm phát đã bắt đầu tăng "một phần là do phản ứng với thuế quan", đồng thời lưu ý rằng "có thể có sự chậm trễ trong tiến trình tiếp theo trong suốt năm nay".

Trong khi ông Powell hạ thấp kỳ vọng lạm phát đang xấu đi, các nhà kinh tế cho rằng áp lực lạm phát lõi nóng lên có thể ngăn cản Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất vào tháng 6 như dự đoán của thị trường tài chính.

Theo ông James Knightley, nhà kinh tế quốc tế trưởng tại tập đoàn tài chính ING, dữ liệu lạm phát và tiêu dùng tháng 2 càng làm gia tăng nỗi lo đình lạm.

"Chúng ta đang đi sai hướng và mối lo ngại là thuế quan đe dọa giá cả tăng cao hơn, điều này có nghĩa là lạm phát sẽ vẫn nóng. Điều này sẽ hạn chế khả năng cắt giảm lãi suất thêm nữa của Fed", ông Knightley nhìn nhận.

Rủi ro nền kinh tế Mỹ rơi vào đình lạm hoặc tệ hơn là suy thoái đã tăng lên trong bối cảnh các đối tác thương mại tuyên bố sẽ trả đũa thông qua thuế quan của riêng họ, nhất là sau khi Tổng thống Trump ra tuyên bố đánh thuế 25% vào ngày 2/4 làm rúng động ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Sau tuyên bố đánh thuế nhập khẩu ô tô 25% của Tổng thống Trump, hãng dịch vụ tài chính lâu đời của Mỹ JP Morgan đã nâng ước tính lạm phát PCE cơ bản trong năm nay lên 3,1%, từ mức 2,8%.

"Chúng tôi thấy phần lớn mức tăng này (chỉ số PCE - BTV) tập trung vào quý II", ông Michael Feroli, nhà kinh tế trưởng của JP Morgan cho biết. "Sự siết chặt sức mua thực tế của người tiêu dùng sẽ tiếp tục gây áp lực lên chi tiêu thực tế của họ", ông Feroli nói thêm.

Tổng thống Trump, người coi thuế quan là công cụ để tăng nguồn thu, dự kiến sẽ công bố kế hoạch thuế quan “có đi có lại” đối với tất cả các đối tác thương mại của Mỹ vào ngày 2/4 - một dấu mốc được coi "ngày trọng đại" của Mỹ.

Giới phân tích cảnh báo, kế hoạch thuế quan có đi có lại của chính quyền Mỹ sẽ gây ra lạm phát, đặc biệt là quy mô và cách thức xử lý thuế quan của Washington sẽ gây bất lợi cho tăng trưởng kinh tế.

Tuần trước, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản trong ngưỡng 4,25 - 4,50% cùng với nhận định rằng "sự bất ổn xung quanh triển vọng kinh tế đã gia tăng".

Các thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan ấn định chính sách tiền tệ của Fed - đã hạ triển vọng chung về tăng trưởng kinh tế Mỹ, đồng thời tăng dự báo lạm phát của họ.

Theo đó, họ dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ tăng tốc với tốc độ chỉ 1,7% trong năm nay, giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo gần nhất vào tháng 12 năm ngoái. Còn lạm phát lõi năm 2025 dự báo sẽ tăng 2,8%, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với ước tính trước đó.

Cùng với quyết định giữ nguyên lãi suất, Fed đã tuyên bố thu hẹp hơn nữa chương trình "thắt chặt định lượng", trong đó sẽ giảm dần lượng trái phiếu nắm giữ trong bảng cân đối kế toán.

Tin bài liên quan