Kinh tế Mỹ, tăng trưởng và lạm phát có xu hướng chậm lại

Kinh tế Mỹ, tăng trưởng và lạm phát có xu hướng chậm lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo báo cáo Beige Book được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố ngày 31/5, nền kinh tế số một thế giới đang có dấu hiệu hạ nhiệt trong những tuần gần đây khi tăng trưởng việc làm và lạm phát đều chậm lại.

Cụ thể, việc làm gia tăng ở hầu hết các quận song với tốc độ chậm hơn so với các báo cáo trước đó, trong khi giá cả cũng tăng vừa phải với tốc độ chậm lại ở nhiều quận.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy hoạt động kinh tế của Mỹ nhìn chung ít thay đổi trong tháng 4 và đầu tháng 5.

Báo cáo Beige Book, dựa trên thông tin tổng hợp từ 12 ngân hàng khu vực của Fed tính đến ngày 22/5, với những dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng và lạm phát có xu hướng chậm lại.

Theo báo cáo, lạm phát cao và việc hết trợ cấp COVID-19 đang gây áp lực lên ngân sách của các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, khiến nhu cầu đối với các dịch vụ xã hội như thực phẩm và nhà ở đang tăng lên.

Ngay cả khi Fed tiếp tục tăng lãi suất trong năm qua thì nền kinh tế Mỹ vẫn chứng tỏ được khả năng phục hồi.

Báo cáo JOLTS trước đó của Bộ Lao động Mỹ đã cho biết, cơ hội việc làm trong tháng 4 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng, dấu hiệu cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh mẽ.

Cùng với đó là lạm phát vẫn dai dẳng. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân, thước đo ưa thích của Fed, đã tăng cao hơn kỳ vọng trong tháng 4 với mức tăng 4,4%, cao hơn gấp đôi mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương Mỹ.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed đang đánh giá cẩn thận chiến sách thắt chặt chính sách tiền tệ trong 14 tháng qua đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ như thế nào.

Một số quan chức đã chỉ ra rằng, Fed có thể tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 6. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh giác với lạm phát dai dẳng, lại cho rằng ngân hàng trung ương có thể cần phải làm nhiều hơn nữa.

Kết quả khảo sát được tổ chức S&P Global công bố gần đây cho thấy, hoạt động kinh doanh ở Mỹ trong tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 13 tháng qua, nhờ sức tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực dịch vụ, đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang lấy lại động lực vào đầu quý II/2023, bất chấp nguy cơ suy thoái gia tăng.

PMI (chỉ số quản lý thu mua) tổng hợp của Mỹ - chỉ số theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đã tăng lên mức 54,5 trong tháng 5, cao nhất kể từ tháng 4/2022 và lớn hơn so với mức 53,4 của tháng 4/2023.

Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số PMI của nền kinh tế lớn nhất thế giới duy trì ở mức trên mức 50, điều đó cho thấy chiều hướng tăng trưởng trong khu vực tư nhân.

Dữ liệu khảo sát được S&P Global thu thập từ ngày 12-22/5 cũng cho biết doanh số bán lẻ không bao gồm xe có động cơ, xăng dầu, vật liệu xây dựng và dịch vụ ăn uống phục hồi mạnh mẽ, trong khi hoạt động sản xuất tại các nhà máy và công trình xây dựng gia đình gia tăng.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đưa ra dự báo nền kinh tế nước này sẽ suy thoái nhẹ trong năm nay. Đây là nội dung được các chuyên gia kinh tế của Fed đưa ra khi chuẩn bị cho cuộc họp về chính sách lãi suất diễn ra vào đầu tháng này.

Theo các chuyên gia của Fed nhận định rằng, các điều kiện tài chính bị thắt chặt sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái nhẹ bắt đầu vào cuối năm nay, sau đó nền kinh tế Mỹ có thể sẽ phục hồi với tốc độ vừa phải.

Fed dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế sẽ giảm tốc trong 2 quý tới, sau đó GDP sẽ bắt đầu giảm nhẹ vào quý IV năm nay và quý I năm sau.

Tin bài liên quan