Theo báo cáo mới công bố của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của Mỹ tăng 1,2% trong tháng 5 sau khi điều chỉnh mức tăng trong tháng 4 lên 0,2% nhờ các hộ gia đình tăng mua ô tô và hàng hóa khác.
Trong khi số liệu của Mỹ khác cho thấy một sự gia tăng nhẹ trong trợ cấp thất nghiệp mới, số còn lại vẫn nằm trong phạm vi một thị trường lao động thắt chặt.
Những thông tin trên, cùng với hy vọng cuộc đàm phán nợ của Hy Lạp khả quan giúp phố Wall tăng khá tốt. Tuy nhiên, sau đó, cùng với lo ngại khả năng Fed tăng lãi suất và cuộc đàm phán vấn đề nợ của Hy Lạp có diễn biến mới khiến phố Wall hãm bớt đà tăng cuối phiên.
Trong cuộc đàm phán nợ của Hy Lạp tại Brussels (Bỉ), phái đoàn của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã rời khỏi cuộc đàm phán và về nhà với lý do có sự khác biệt lớn với Athens.
Kết thúc phiên 11/6, chỉ số Dow Jones tăng 38,97 điểm (+0,22%), lên 18.039,37 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,66 điểm (+0,17%), lên 2.108,86 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 5,82 điểm (+0,11%), lên 5.082,51 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục có phiên tăng điểm trong phiên thứ Năm với kỳ vọng về cuộc đàm phán nợ của Hy Lạp. Thị trường đóng cửa trước thông tin IMF rời khỏi bàn đàm phán.
Kết thúc phiên 11/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 16,47 điểm (+0,24%), lên 6.846,74 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 67,39 điểm (+0,60%), lên 11.332,78 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 36,46 điểm (+0,74%), lên 4.971,37 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật bản đã có phiên hồi phục mạnh trở lại sau 4 phiên giảm trước đó nhờ diễn biến tích cực của chứng khoán Âu, Mỹ trong phiên trước đó.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông đã hồi phục trở lại sau khi giới đầu tư thoát khỏi nỗi lo về dịch MERS.
Kết thúc phiên 11/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 336,61 điểm (+1,68%), lên 20.382,97 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 220,21 điểm (+0,83%), lên 26.907,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 15,56 điểm (+0,30%), lên 5.121,59 điểm.
Thông tin kinh tế Mỹ khả quan càng củng cố thêm khả năng Fed tăng lãi suất và khiến đồng USD tăng trở lại trong phiên thứ Năm, qua đó khiến vàng quay đầu giảm giá sau 3 phiên tăng liên tiếp.
Kết thúc phiên 11/6, giá vàng giao ngay giảm 3,6 USD (-0,30%), xuống 1.182,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 6,2 USD/ounce (-0,52%), xuống 1.179,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 6,2 USD/ounce (-0,52%), xuống 1.180,4 USD/ounce.
Việc đồng USD tăng trở lại cũng tác động không tích cực lên giá dầu. Giá dầu thô giảm trở lại sau 2 phiên tăng mạnh trước đó.
Kết thúc phiên 11/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,66 USD/thùng (-1,09%), xuống 60,77 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,59 USD (-0,91%), xuống 66,11 USD/thùng.