Kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm

Kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù lãi suất tăng nhanh và mạnh trong 18 tháng qua, nhưng nhiều ý kiến kỳ vọng, Mỹ có thể tránh được suy thoái kinh tế.

Lạm phát giảm liên tục trong nhiều tháng, nhưng lãi suất vẫn ở mức cao nhất trong 22 năm, dữ liệu việc làm không đồng đều, đường cong lợi suất đảo ngược cho thấy, kinh tế Mỹ chưa thoát khỏi viễn cảnh suy thoái. Tuy nhiên, khả năng hạ cánh mềm, giao điểm giữa lạm phát hạ nhiệt và kinh tế đang phát triển, có thể trở thành hiện thực.

Các nhà phân tích và nhà đầu tư thường coi GDP giảm 2 quý liên tiếp là một cuộc suy thoái. Trong quý II/2023, GDP của Mỹ tăng 2,1% và mô hình Atlanta GDPNow đang dự đoán mức tăng 5,4% trong quý III. Theo thước đo chung này, không có dấu hiệu suy thoái nào xảy ra.

Hồi tháng 6, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo, tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ là 1%, nhưng tại cuộc họp tháng 9 đã nâng mức dự báo lên 2,1%, khi kinh tế dần khởi sắc.

Theo FactSet, các công ty thuộc S&P 500 đang trên đà đạt được mức tăng thu nhập 0,4% trong quý III/2023 so với cùng kỳ năm trước, sau khi thu nhập quý II giảm 4,1%, mức lớn nhất trong bất kỳ quý nào kể từ đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn ở mức thấp lịch sử, chỉ 3,8%. Đại học Michigan, trong báo cáo sơ bộ vào tháng 10 cho biết, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lạm phát không chỉ giảm đều đặn, mà còn ở dưới mức mong đợi trong vài tháng gần đây. Chỉ số giá tiêu dùng, thước đo lạm phát phổ biến, chỉ tăng 0,4% trong tháng 9, sau khi tăng 0,6% trong tháng 8.

Ông Charlie Ripley, chiến lược gia đầu tư cấp cao của Allianz Investment Management cho rằng, với tình trạng giảm phát đang diễn ra, Fed có thể đưa ra đợt tăng lãi suất cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Câu chuyện về việc hạ cánh nhẹ nhàng tiếp tục được xây dựng.

Trong suốt nửa đầu năm 2023, nhà kinh tế Michael Gapen của Bank of America đã cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế, nhưng dữ liệu kinh tế gần đây đã thay đổi quan điểm của ông.

“Chúng tôi điều chỉnh lại triển vọng của mình đối với nền kinh tế Mỹ theo hướng hạ cánh nhẹ nhàng, nơi tăng trưởng giảm xuống dưới xu hướng vào năm 2024, nhưng vẫn tích cực trong suốt thời gian dự báo”, ông Gapen nói hồi tháng 8.

Mới đây, ông Gapen chia sẻ: “Chúng tôi vẫn kỳ vọng lạm phát sẽ giảm tốc và duy trì ở mức 2%, nhưng với dự báo mạnh mẽ hơn về hoạt động và thị trường lao động, lạm phát sẽ giảm dần”.

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp của FOMC vào tháng 9 rằng, ông luôn nghĩ việc hạ cánh nhẹ nhàng là một kết quả hợp lý, điều đó là có thể.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi bản cập nhật tiếp theo của ông Powell khi FOMC kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày sắp tới vào ngày 1/11. Công cụ FedWatch của CME Group cho thấy, hơn 90% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất khi kết thúc cuộc họp.

Các nhà đầu tư cũng tiếp tục theo dõi dữ liệu lạm phát, tâm lý người tiêu dùng và thị trường lao động. Đại học Michigan sẽ công bố chỉ số tâm lý người tiêu dùng tháng 10 vào ngày 27/10, cũng là ngày Cục Phân tích Kinh tế công bố chỉ số PCE cốt lõi tháng 9, còn Bộ Lao động sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 10 vào ngày 3/11.

Nếu Mỹ rơi vào suy thoái trong khoảng thời gian còn lại của năm 2023 hoặc đầu năm 2024, các nhà đầu tư cũng không có lý do phải hoảng sợ.

Trước hết, xét về mặt lịch sử, các cuộc suy thoái không kéo dài. Thời gian trung bình của một cuộc suy thoái ở Mỹ kể từ Thế chiến thứ hai là 11,1 tháng. Cuộc suy thoái do dịch Covid-19 đầu năm 2020 chỉ kéo dài 2 tháng. Kể từ Thế chiến II, cứ khoảng 5 năm lại có khoảng một cuộc suy thoái ở Mỹ xảy ra.

Mặc dù suy thoái kinh tế có thể dẫn đến mất việc làm và những khó khăn tài chính khác cho người Mỹ, nhưng về mặt lịch sử, chúng là cơ hội mua cổ phiếu tuyệt vời cho các nhà đầu tư dài hạn. Các nhà đầu tư có thể khó xác định thời điểm đáy thị trường, nhưng S&P 500 đã tạo ra mức lợi nhuận trung bình 40% trong 12 tháng sau thời điểm suy thoái kinh tế.

Tin bài liên quan