Kinh tế Mỹ bất ngờ suy giảm 1,4%

0:00 / 0:00
0:00
Kinh tế Mỹ suy giảm 1,4% trong quý I/2022, đánh dấu sự đảo chiều đột ngột của nền kinh tế vừa đạt thành tích tăng trưởng tốt nhất kể từ năm 1984, theo Bộ Thương mại Mỹ.
Giới phân tích cho rằng, để duy trì tốc độ tăng trưởng của năm 2021, Washington phải giải quyết được các chuỗi cung ứng đang bị tắc nghẽn và có giải pháp cho vấn đề Ukraine. Ảnh: AFP

Giới phân tích cho rằng, để duy trì tốc độ tăng trưởng của năm 2021, Washington phải giải quyết được các chuỗi cung ứng đang bị tắc nghẽn và có giải pháp cho vấn đề Ukraine. Ảnh: AFP

Với kết quả trên, quý I/2022 được cho là quý có mức tăng trưởng tồi tệ nhất của Mỹ kể từ sau cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 vào năm 2020.

Bất chấp kết quả tăng trưởng đáng thất vọng, thị trường chứng khoán Mỹ hôm 28/4 vẫn phản ứng tích cực, với hầu hết cổ phiếu và lợi suất trái phiếu đều tăng điểm. Một số nhà phân tích cho rằng các nhân tố khiến GDP của Mỹ sụt giảm trong quý I thể có đảo chiều vào cuối năm, làm dấy lên hy vọng rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tránh được suy thoái.

"Nó (kết quả kinh tế quý I - BTV) nhắc nhở chúng ta về một thực tế rằng tăng trưởng trước đó đã rất tuyệt vời, nhưng mọi thứ đang thay đổi và chúng sẽ không còn tuyệt vời như vậy trong tương lai", bà Simona Mocuta, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty quản lý đầu tư State Street Global Advisors (Mỹ) bình luận.

Giới phân tích đã chỉ ra mốt số nguyên nhân chính kéo giảm tăng trưởng quý I của Mỹ. Trong đó, đợt bùng phát Covid-19 mạnh vào đầu năm đã cản trở hoạt động kinh doanh trên diện rộng ở nước này. Ngoài ra, lạm phát đạt mức kỷ lục kể từ đầu những năm 1980 và chiến sự Nga - Ukraine cũng góp phần làm trì trệ kinh tế Mỹ.

Đặc biệt, giá cả tại Mỹ trong quý I tăng mạnh, với chỉ số giảm phát GDP tăng tới 8% sau mức tăng 7,1% trong quý IV/2021.

Sau khi thúc đẩy GDP Mỹ trong nửa cuối năm 2021, đầu tư hàng tồn kho tư nhân đã giảm tốc trong quý I/2022 và ảnh hưởng đến tăng trưởng. Những hạn chế khác đến từ hoạt động xuất khẩu và chi tiêu của chính quyền của liên bang và các tiểu bang, trong khi nhập khẩu trong quý I đã tăng. Mức giảm 8,5% chi tiêu quốc phòng cũng là một lực cản khác khiến GDP Mỹ giảm 1/3 điểm phần trăm trong quý I.

Trong khi đó, chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm khoảng 2/3 GDP Mỹ, đã tăng khá tốt trong quý I với mức tăng 2,7% dù lạm phát vẫn tiếp tục gây áp lực lên giá cả hàng hóa. Nhưng, "đây là sóng nhiễu mà không phải là tín hiệu", ông Ian Shepherdson, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty tư vấn kinh tế Pantheon Macroeconomics đánh giá.

Ông Ian Shepherdson cho rằng: "Xuất khẩu ròng đã bị ảnh hưởng bởi nhập khẩu tăng lên, đặc biệt là nhập khẩu hàng tiêu dùng, vì các nhà bán buôn và bán lẻ đã tìm cách xây dựng lại hàng tồn kho. Điều này không thể kéo dài lâu hơn nữa, và nhập khẩu đến hạn sẽ giảm hẳn, còn xuất khẩu ròng sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý II và/hoặc quý III".

Các nhà phân tích Phố Wall đánh giá nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ ở vẫn ở mức thấp, nhưng khó khăn trước mắt là vẫn còn. Để kiềm chế lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tiến hành một loạt đợt tăng lãi suất trong năm nay và điều này sẽ kìm hãm hơn nữa tăng trưởng kinh tế.

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) không xét giá thực phẩm và năng lượng, một thước đo lạm phát ưa thích của Fed, đã tăng 5,2% trong quý I, cao gấp 2,6 lần so với mục tiêu lạm phát 2% mà cơ quan này đề ra.

Các nhà giao dịch và đầu tư tại Mỹ kỳ vọng lãi suất cơ bản của Fed sẽ được đẩy lên khoảng 2,75% vào cuối năm nay sau nhiều đợt tăng. Trước đó, Fed đã tạm dừng chương trình mua trái phiếu hàng tháng nhằm duy trì lãi suất ở mức thấp. Ngay trong tháng tới, Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lượng trái phiếu đang nắm giữ và nâng mức cắt giảm dự kiến lên 95 tỷ USD một tháng.

Trong một dự báo ngoại lệ trên Phố Wall, Deutsche Bank (Đức) đánh giá rủi ro "suy thoái đáng kể" sẽ tác động đến nền kinh tế Mỹ vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, khi đó buộc Fed phải thắt chặt chính sách hơn nữa để hạ nhiệt lạm phát.

Năm 2021, kinh tế Mỹ tăng trưởng 5,7%, mức cao nhất kể từ năm 1984. Để duy trì được tốc độ tăng trưởng này trong năm 2022, đòi hỏi Washington phải giải quyết các chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn và tiến hành một số giải pháp ở Ukraine. Nền kinh tế Mỹ cũng phải chuẩn bị tâm thế đối mặt với áp lực từ lãi suất cao hơn từ không chỉ Fed mà còn các ngân hàng trung ương khác đang ra sức chống lạm phát.

Tin bài liên quan