Sáng 25/9, tại Đà Nẵng, Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần thứ 2 với chủ đề “Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững” đề cập và bàn thảo 3 chuyên đề chính gồm: (1) Giải pháp tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển vùng duyên hải miền Trung; (2) Giải pháp tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế địa phương và liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung bền vững; (3) Phát triển kinh tế tư nhân, động lực phát triển kinh tế miền Trung bền vững. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn.
Sau một buổi làm việc, dẫu nhận ra những khiếm khuyết trong vấn đề cùng liên kết để phát triển nhưng dường như “Con đường phát triển kinh tế miền Trung” vẫn chưa có điểm sáng nào đáng kể, ngoại trừ kết nạp thêm tỉnh Quảng Trị vào Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung, nâng tổng số thành viên từ 9 lên 10.
Giáo sư Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, chia sẻ: Đã có nhiều nỗ lực hướng về miền Trung. Nhiều hội thảo, diễn đàn đã bàn thảo và tìm giải pháp cho kinh tế miền Trung phát triển bền vững nhưng vẫn chưa hóa giải được hết những xung đột lợi ích cục bộ, liên kết vùng chưa thực sự hiệu quả.
Đây vẫn là những câu hỏi thường trực và đau đầu với bất cứ ai quan tâm đến kinh tế miền Trung và người dân miền Trung. Tôi tin tưởng rằng, Diễn đàn lần này với sự chủ trì của Chính phủ, sự tham dự của hơn 10 bộ ngành đủ cả 9 tỉnh duyên hải miền Trung, và nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế, Diễn đàn sẽ đưa ra được những giải pháp thực sự phù hợp, hiệu quả và thiết thực với các tỉnh miền Trung.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng: Mở cửa hội nhập được coi là năng lực phát triển “tự thân" và phát triển nhu cầu tự nhiên của Vùng, nhưng để duyên hải miền Trung phát triển thực sự thì năng lực đó cần có thêm hàng loạt điều kiện để chuyển hóa thành thực lực phát triển.
“Duyên hải miền Trung như một đoàn tàu ngày một dài thêm, nhưng đầu tàu không mạnh. Điểm mạnh ở đây là mạnh ai nấy chạy, tôi nghĩ 30 năm tới khó mà cất cánh”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói. Ông đề xuất nên chia thành hai tiểu vùng để phối hợp hiệu quả hơn.
Đánh giá về liên kết vùng giữa các tỉnh duyên hải miền Trung, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế thẳng thắn bày tỏ: Một trong những nguyên nhân hạn chế liên kết vùng là do tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong vùng tương đối tương đồng như biển, cảng biển, sân bay, khu kinh tế, khu công nghiệp...
Phần lớn các địa phương đều có xu hướng phát triển dựa trên tiềm năng, thế mạnh hiện có của mình. Vì vậy, cơ cấu ngành, sản phẩm của các địa phương trong vùng khá trùng lắp, thiếu các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận, liên kết vùng là câu chuyện thời sự không chỉ ở Việt Nam. Phó Thủ tướng cho rằng không thể nào phát triển được khi mà cơ cấu kinh tế bị không gian địa lý chia cắt. Phó Thủ tướng đề nghị diễn đàn làm rõ cơ chế chính sách liên kết đến nay còn thiếu cái gì?
Phó Thủ tướng cũng đặt vấn đề: Động lực của vấn đề liên kết là gì? Phó Thủ tướng cho rằng, không phải tự nhiên mà 9 tỉnh duyên hải miền Trung đã "ngồi với nhau rất nhiều năm" rồi. Theo Phó Thủ tướng, đầu tiên phải nói đến tất nhiên là lợi ích về kinh tế. Tiềm năng, lợi thế so sánh của từng địa phương phải được tôn trọng và phát huy vì lợi ích chung của cả vùng và của cả nước. Nếu như tiềm năng lợi thế so sánh được phát huy thì phân bổ nguồn lực và tính toán lợi ích địa phương trong điều phối vùng như thế nào, vùng và cả nước đối xử với từng tỉnh thế nào?
Theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết Trung ương đã nhấn mạnh phải có thể chế kinh tế vùng phù hợp, vùng động lực phải có thể chế tương ứng và vượt trội còn vùng khó khăn thì có cơ hội rút ngắn khoảng cách phát triển. Bên cạnh đó là xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để thử nghiệm thể chế cần thiết và tạo ra cực tăng trưởng có sức lan toả cả nước. Hiện đang trình dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trong đó có Bắc Vân Phong (Khánh Hoà).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị đánh giá thêm về tiềm năng và lợi thế của khu vực này. Nếu nhìn tiềm năng kinh tế biển thì địa bàn này tập trung nhất, cơ hội này sẽ tranh thủ thế nào?
Những thuận lợi với đường đi phía trước của miền Trung cũng được Phó thủ tướng đề cập. Cụ thể, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến 2020, định hướng đến 2030. Trung ương đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Rồi tới đây đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong được thành lập có cần thiết điều chỉnh quy hoạch chiến lược hay không và điều chỉnh theo hướng nào?
Theo Phó Thủ tướng, Bộ Chính trị yêu cầu điều chỉnh dần cơ chế xây dựng ngân sách theo quan điểm phát triển vùng và theo cơ sở dữ liệu về kinh tế xã hội của từng địa phương. Đây là nội dung hết sức quan trọng, có địa phương phát triển nhanh nhưng có nơi phát triển mức độ thấp hơn. Do đó khi phân bổ về ngân sách hay nguồn lực phải nhìn tổng thể cả vùng mới đến địa phương.