Tuy nhiên, trái ngược với bối cảnh vĩ mô tích cực là dấu hiệu doanh nghiệp yếu tăng lên. Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có 64.531 doanh nghiệp được thành lập mới (tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước), nhưng lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động cũng bám sát con số này. Ðáng nói hơn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao.
Số liệu thống kê cho thấy, lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay là 52.803 doanh nghiệp, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 34.819 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 48%; 17.984 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2017…
Không ai lập doanh nghiệp ra để rồi lại xóa sổ hoạt động trong bối cảnh các ngành, lĩnh vực có triển vọng tăng trưởng. Thực tế cho thấy, môi trường cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh đang có những điểm nghẽn, là một trong những nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tình trạng này phần nào thể hiện qua những trăn trở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương trên cả nước để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, kế hoạch 6 tháng cuối năm vừa diễn ra.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, hai năm gần đây, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện nhưng mức độ quyết liệt, cải cách thực chất chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Sức ì của cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn.
Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, nhưng đến hết quý II/2018, mới có 378 điều kiện kinh doanh trong hơn 5.700 điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, sửa đổi, đơn giản hóa.
Chính phủ yêu cầu cắt giảm 50% danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành trong năm 2018, nhưng nhiều bộ chưa quyết liệt triển khai, kết quả còn rất hạn chế… Thực tế này đòi hỏi môi trường kinh doanh cần được cải thiện mạnh hơn, với nguyên tắc bình đẳng, minh bạch và giảm chi phí.
Tăng trưởng của nền kinh tế ngày càng được trông đợi vào các bước tiến thực chất về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo ra xung lực mới cho giải phóng sức sản xuất - kinh doanh trong dân, thay vì phụ thuộc nhiều vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên, điển hình như dầu mỏ… như trước.
Trong bối cảnh đó, việc sớm khắc phục có hiệu quả những điểm nghẽn trên sẽ giúp doanh nghiệp dần khỏe hơn, qua đó có những đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng kinh tế, không chỉ trong năm nay, mà cả giai đoạn tới.